Thực hư thực phẩm chức năng, thuốc tránh thai “thổi bay” nồng độ cồn
Xuất phát từ tâm lý lo sợ bị xử lý do có nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhiều người đã tìm mua các sản phẩm được quảng cáo là có khả năng “thổi bay” nồng độ cồn.
Rỉ tai nhau cách giải rượu
Thời gian qua, lực lượng chức năng các địa phương trên cả nước đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Trường hợp vi phạm, cơ quan chức năng cương quyết xử lý với mức phạt lên đến 40 triệu đồng (với ô tô) và 8 triệu đồng (với xe máy). Ngoài ra, người vi phạm còn bị tước giấy phép lái xe trong thời gian 2 năm. Lo sợ bị xử lý, nhiều tài xế đã nghiêm chỉnh thực hiện quy định nhưng có trường hợp tìm cách đối phó.
Đánh trúng tâm lý tài xế sợ bị phạt khi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, trên mạng xã hội đã xuất hiện quảng cáo một số loại thực phẩm chức năng có tác dụng "thổi bay" nồng độ cồn. Trên một nhóm kín về giao thông trên mạng xã hội facebook, tài khoản Minh Anh đã quảng cáo sản phẩm "hỗ trợ chuyển hóa cồn trong gan sau khi sử dụng rượu, bia chỉ sau 30 phút". Tài khoản này tự đưa ra một kết quả nghiên cứu rằng "những người sử dụng sản phẩm K. làm giảm gần 70% nồng độ cồn trong hơi thở (BrAC) so với nhóm đối chứng và duy trì hiệu quả trong 120 phút". Sản phẩm có giá 249.000 đồng/hộp.
Đã có nhiều bình luận trái chiều xung quanh sản phẩm này, trong đó có người cho rằng sử dụng thực phẩm chức năng để "tẩy" nồng độ cồn là không có cơ sở.
Trên thị trường hiện nay còn xuất hiện nhiều loại kẹo được quảng cáo giúp "tẩy nhanh nồng độ cồn", "giải rượu, bia thần tốc", "xả nhanh lượng cồn, hỗ trợ giảm nhanh cơn say"… Một quảng cáo về sản phẩm kẹo D. giới thiệu: Đây là "kẹo dạng mềm, dễ nhai với thành phần chính là Curcumin 30mg, được chiết xuất từ tinh bột nghệ, củ sả, hương xoài. Sản phẩm giúp xả nhanh lượng cồn trong cơ thể, hỗ trợ giảm nhanh cơn say". Sản phẩm này có nguồn gốc từ Trung Quốc, với giá bán được giới thiệu là 140.000 đồng/hộp. Trong phần bình luận, đã có khá nhiều người đặt mua sản phẩm này.
Không chỉ thực phẩm chức năng, kẹo, gần đây, nhiều người còn rỉ tai nhau một cách để "tẩy" nhanh nồng độ cồn, đó là dùng thuốc tránh thai. "Bạn tôi bảo uống thuốc tránh thai có khả năng làm giảm nồng độ cồn nhanh chóng. Thi thoảng tôi cũng làm vài cốc bia rồi lái xe về nhà. Tôi cũng sợ bị xử phạt nên đặt mua về dùng thử xem công dụng thế nào", anh Lê Văn Trung (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Chuyên gia nói gì?
Theo các chuyên gia, có một số thuốc gây cảm ứng enzym gan, giúp gan tăng cường chuyển hoá, đào thải rượu. Tuy nhiên, loại thuốc này chỉ được dùng trong cấp cứu y khoa và được theo dõi chặt chẽ tại cơ sở y tế vì có thể gây ra phản ứng nguy hại cho sức khoẻ. Bác sĩ Phan Chí Thành, Chánh Văn phòng Trung tâm đào tạo - Chỉ đạo tuyến (Bệnh viện Phụ sản Trung ương), khẳng định, thuốc tránh thai không thể giải được rượu, cũng không có bất kỳ mối liên quan nào giữa chuyển hóa cồn với các thành phần của thuốc.
Theo bác sĩ Phan Chí Thành, thuốc tránh thai khẩn cấp là các chất nội tiết tố, đặc biệt là progesterone. Đây là loại hormone khi phụ nữ mang thai tiết ra để ngăn trứng không rụng, từ đó không thể tiếp tục thụ thai. Thuốc tránh thai khẩn cấp cung cấp một lượng lớn nội tiết tố progesterone vào cơ thể để "bắt chước" quá trình này. Trong khi đó, các thuốc nội tiết tố đường uống sẽ được chuyển hóa qua gan. Do đó, khi đã sử dụng rượu, bia, gan phải làm việc vất vả để chuyển hóa ethanol thì lại phải gánh thêm công việc chuyển hóa progesterone, dẫn đến nguy cơ gan bị quá tải. "Nếu uống cùng lúc thuốc tránh thai và rượu có thể khiến gan bị quá tải, nguy cơ gây bệnh lý về gan cao hơn. Đàn ông lạm dụng thuốc tránh thai, tự bổ sung hormone nữ giới vào cơ thể cũng không tốt", bác sĩ Thành nói.
Còn theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hiện nay chưa một sản phẩm dược phẩm nào được cấp phép lưu hành tại Việt Nam có công dụng "thổi bay" nồng độ cồn. Ngay cả thế giới cũng chưa có loại thuốc nào chứng minh được công dụng này. Hiện chỉ có một số thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ quá trình chuyển hoá, làm tăng việc đào thải qua gan, giảm hấp thu rượu chứ không thể làm hết nồng độ cồn trong máu cũng như hơi thở.
TS. Lê Thị Thu Hường, trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), khuyến cáo, để đảm bảo sức khỏe, người dân hạn chế uống rượu, bia. Nếu muốn uống thì nam giới không nên uống quá 720ml bia hoặc 300 ml rượu vang hoặc 60ml rượu whisky mỗi ngày. Đối với nữ giới, mỗi ngày không nên uống quá 360ml bia hoặc 150ml rượu vang hay 30ml rượu whisky. Phụ huynh không cho trẻ em và người tuổi vị thành niên uống rượu, bia. Sau khi uống rượu, bia, tuyệt đối không điều khiển xe hay tham gia các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, dễ bị ngã, va chạm, chấn thương. "Hiện nay, chưa có sản phẩm thực phẩm hay thuốc nào có khả năng "tẩy" nhanh nồng độ cồn sau khi uống rượu, bia. Do đó, người dân không nên tin vào những quảng cáo bởi có thể "tiền mất, tật mang", TS. Hường khuyến cáo.