Thực đơn cơm tối 4 món nấu chỉ 30 phút để nấu ăn không trở thành gánh nặng mùa giãn cách
Nấu ít và nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo đủ chất, ngon miệng - thực đơn cơm tối sau đây sẽ đáp ứng nhu cầu ấy của rất nhiều chị em trong mùa dịch!
Thực đơn cơm tối hôm nay có:
Canh rau muống nấu tôm
Salad cải non và cá ngừ ngâm dầu
Đậu phụ chiên
Tráng miệng: Thanh long
Cách làm
Đậu hũ chiên
Nguyên liệu: 2 bìa đậu hũ, dầu ăn
Cách chế biến:
Đậu hũ rửa sạch, cắt miếng vừa ăn, để ráo. Làm nóng chảo, cho đậu hũ vào chiên vàng đều, vớt ra đĩa có lót giấy thấm dầu. Ăn kèm lá tía tô hoặc lá kinh giới.
Salad cải non cá ngừ ngâm dầu
Nguyên liệu: 200g rau cải non, 1 hộp cá ngừ ngâm dầu, giấm, đường, muối, nước lọc.
Cách chế biến:
Rau cải non rửa sạch sẽ, để ráo.
Pha nước chua ngọt: Cho giấm, nước lọc, đường, muối vào quậy đều sao cho chua chua ngọt vừa vị là được (vì cá ngừ ngâm dầu đã có nhiều dầu nên không dùng thêm dầu olive). Chan lên rau trộn đều, cho ra đĩa. Sau đó cho cá ngừ ngâm dầu lên là được.
Canh rau muống nấu tôm
Nguyên liệu: 300g rau muống, 200g tôm tươi, 1 ít muối, 1 ít bột ngọt.
Cách chế biến:
Rau muống mua về nhặt sạch lá sâu, bỏ đoạn già, rửa sạch rồi ngâm muối loãng 15 phút. Ngâm xong bạn rửa lại sạch sẽ và để ráo. Tôm lột vỏ, chẻ sống lưng lấy chỉ đen, rửa lại sạch sẽ, ướp xíu muối.
Nấu sôi nước, cho tôm vào, đợi sôi lên vớt sạch bọt, thêm muối vào nồi. Khi nước sôi lại thì thêm rau muống vào nấu chín vừa phải, đừng để lâu quá bấy rau sẽ không ngon. Nêm nếm lại cho vừa khẩu vị. Cho canh ra tô.
Rau muống là một loại thực phẩm tuyệt diệu cho những người đang muốn giảm cân và giảm nồng độ cholesterol trong máu một cách tự nhiên.
Một nghiên cứu trên chuột chứng minh công dụng của rau muống có thể giảm mức cholesterol và triglyceride. Triglyceride là một trong những chỉ số xét nghiệm của xét nghiệm bộ mỡ máu. Chỉ số mỡ máu triglyceride cao có thể gây xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Tráng miệng: Thanh long
Ngoài vitamin C, quả thanh long còn chứa nhiều carotene – chất có khả năng chống lại tế bào sản sinh ung thư bao gồm cả việc giảm khối u ung thư. Hơn nữa, lycopene – chất tạo màu đỏ cho loại quả này được chứng minh có tác dụng làm chậm nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt.
Thanh long chứa nhiều sắt giúp bổ máu. Điều này nghe có vẻ lạ, nhưng chất sắt − nguyên liệu cần thiết để cơ thể sản xuất hemoglobin – có rất nhiều trong thanh long. Hemoglobin, còn được gọi là huyết sắc tố, vốn là một protein phức chứa ion sắt trong hồng cầu và chiếm 33% trọng lượng hồng cầu. Loại protein này có nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đến các cơ quan và vận chuyển CO2 từ các cơ quan về phổi. Do đó ăn nhiều loại quả này sẽ cung cấp nhiều chất sắt cho cơ thể, tăng lưu thông máu.