"Xin giống" của người 1m8 nhưng sinh con lại mắc bệnh lùn, bà mẹ ôm cay đắng đâm đơn kiện ngân hàng tinh trùng
Một người phụ nữ đã kiện ngân hàng tinh trùng vì sinh con mắc bệnh lùn, trong khi rõ ràng đã đăng kí của người hiến "đẹp trai, cao ráo và có bằng cấp tốt".
Một nữ nhà văn thành công đang độ U40 quyết định chọn cha cho đứa con của mình từ hàng tá hình ảnh đàn ông trên mạng.
Sau khi trả một khoản tiền lớn để mua tinh trùng, người phụ nữ được thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) tại phòng khám tư ở Nga. Cô rất lo lắng vì đã nhiều tuổi nhưng vẫn tràn trề hi vọng vào đứa con khỏe đẹp mà không lâu nữa sẽ chào đời.
Theo một số trang tin Nga, bà chị U40 này bị người hiến tinh trùng hấp dẫn ngay vì tóc tai đẹp, bằng cấp tốt, lại cao hơn 1m80 - tóm lại là rất lý tưởng để đẻ!
Đương nhiên, cô mong mỏi đứa con sẽ thừa hưởng mọi đặc điểm đó. Thế nhưng, trong giai đoạn cuối của thai kỳ thì đứa trẻ lại được chẩn đoán mắc achondroplasia - một hội chứng chưa thể chữa khỏi, ảnh hưởng tới sự phát triển bình thường của xương khớp.
Trên thực tế, tỷ lệ trẻ mắc achondroplasia khá thấp, chỉ 1 trên 25.000 người. Nó khiến trẻ sinh ra với nhiều dị tật trên cơ thể như trán và hàm nhô, mũi trũng.
Hiện tại, đứa con của người phụ nữ nói trên đã 2 tuổi nhưng các bác sĩ nói rằng: Kể cả đến lúc trưởng thành - cháu bé sẽ không thể cao hơn 120cm, đường nét khuôn mặt cũng sẽ không phát triển.
Sau khi rơi vào tình cảnh trớ trêu, cô muốn cảnh báo những người phụ nữ có chung khao khát sinh con hãy cảnh giác khi thụ tinh nhân tạo. Đến nay, tòa án quận Koptevsky đã ra lệnh chặn trang web của ngân hàng tinh trùng Đan Mạch Cryos ở Nga.
Trong khi đó, đại diện của Cryos cho biết họ đã sàng lọc rất kỹ vật liệu sinh học trước khi "thương mại hóa". Thêm vào đó, họ không chịu trách nhiệm về sai sót của các phòng khám nhận thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Cuối cùng, Cryos vẫn khăng khăng "tinh trùng của chúng tôi có chất lượng tuyệt vời".
Thế nhưng, một số chuyên gia y tế khẳng định tình trạng lùn chưa chắc đã phát sinh từ người hiến tinh trùng, và không phải tất cả các trường hợp achondroplasia đều do di truyền.
Theo NHS thì bất cứ ai cũng có thể được sinh ra với achondroplasia, nó còn được gọi là "sự kiện ngẫu nhiên trong duy trì nòi giống".
Theo Unilad