Thu nhập bình quân công chức, viên chức TP.HCM cao hơn 1,6-2,8 lần theo quy định
Theo Bộ trưởng Tài chính, mức chi trả thu nhập bình quân công chức, viên chức tại TP.HCM bằng 1,6-2,8 lần mức tiền lương ngạch bậc, chức vụ theo quy định.
Sáng nay (21/10), Bộ trưởngTài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Về việc thực hiện các quy định hiện hành về chính sách tạo nguồn để cải cách tiền lương hàng năm và quản lý sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư tại TP.HCM, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND quy định việc trích lập nguồn cải cách tiền lương từ nguồn thu được để lại hàng năm của các đơn vị và việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương.
Tuy nhiên, hầu hết cơ quan, đơn vị do ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động (toàn bộ hoặc một phần), sau khi trích nguồn cải cách tiền lương theo quy định, nguồn có được vẫn thấp hơn so với nhu cầu tăng lương theo lộ trình và chi thu nhập tăng thêm theo Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND nên ngân sách nhà nước phải bổ sung để đảm bảo.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên, phần lớn các đơn vị chi nhu cầu tăng lương theo lộ trình và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND từ nguồn cải cách tiền lương của đơn vị, nên không còn nguồn dư để chi cho các nội dung khác, chỉ có một số rất ít các đơn vị có nguồn thu lớn nên nguồn trích cao hơn nhu cầu chi, nhưng chênh lệch không lớn nên các đơn vị chủ yếu chi thu nhập theo cơ chế tự chủ, không chi cho nội dung khác (như các phòng công chứng thuộc Sở Tư pháp, một số bệnh viện trực thuộc Sở Y tế…).
Đối với sử dụng nguồn cải cách tiền lương của thành phố, việc thực hiện cơ chế theo quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 đã tạo chủ động cho thành phố sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư, đặc biệt trong bối cảnh thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch COVID-19.
Theo đánh giá của TP.HCM, cơ chế này chưa đạt mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới, thành phố mong muốn tiếp tục thực hiện nội dung này khi xây dựng cơ chế mới cho thành phố để chủ động trong quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của thành phố cho các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Đồng thời, cơ chế này cũng cần quán triệt tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW về thực hiện chính sách tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức đối với các địa phương đã tự cân đối ngân sách và bảo đảm đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội.
Về chính sách thu nhập tăng thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng Tài chính cho hay, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐND ngày 16/3/2018 về quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý, theo đó quy định năm 2018, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 0,6 lần.
Năm 2019, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,2 lần; năm 2020, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ, tương ứng với mức chi trả thu nhập bình quân bằng 1,6-2,8 lần mức tiền lương ngạch bậc, chức vụ theo quy định.
UBND TP.HCM cũng đã có hướng dẫn đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, cụ thể hóa các tiêu chí của thành phố theo đặc thù từng lĩnh vực, tổ chức và bộ phận. Việc đánh giá, phân loại hàng quý cơ bản được triển khai nghiêm túc, có chất lượng và công khai, minh bạch.
Ngày 9/12/2019, HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định về chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc khu vực quản lý nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó, hệ số điều chỉnh thu nhập tăng thêm từ năm 2020 đến hết thời gian thí điểm theo Nghị quyết số 54/2017/QH14 tối đa là 1,2 lần mức lương theo ngạch, bậc, chức vụ.
Tuy nhiên, trong năm 2020, để chủ động ứng phó với dịch COVID-19 và duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trong giai đoạn phòng dịch, UBND thành phố đã ban hành Công văn số 1456/UBND-KT ngày 21/4/2020 điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong giai đoạn phòng, chống dịch.
Theo đó, đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương trên 3,00, điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 lần giảm còn 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 3,00 trở xuống, điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 giảm còn 0,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020.
Từ tháng 7 đến hết tháng 12/2021, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập để thực hiện cơ chế đặc thù tại từng đơn vị tối đa là 1 lần so với tiền lương theo ngạch bậc chức vụ. Riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế (từ cấp thành phố đến cấp xã) và cán bộ, công chức, cán bộ không chuyên trách ở cấp phường xã, thị trấn tối đa là 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc chức vụ.
Về kinh phí chi thu nhập tăng thêm thực tế của thành phố năm 2018 là 2.816 tỷ đồng, năm 2019 là 7.637 tỷ đồng, năm 2020 là 4.265 tỷ đồng, năm 2021 là 6.811 tỷ đồng.
Theo đánh giá của thành phố, cơ chế này đạt được mục tiêu đề ra. Trong thời gian tới, thành phố kiến nghị tiếp tục cho phép áp dụng chính sách chi thu nhập tăng thêm, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, thu hẹp khoảng cách về tiền lương giữa khu vực công với khu vực tư nhân.
Thành phố sẽ bổ sung một số giải pháp đánh giá, phân loại công chức, viên chức hàng quý, hàng năm, đảm bảo việc thực hiện khách quan, công khai, minh bạch.
Theo đánh giá của thành phố, cơ chế này tuy mới đạt được kết quả bước đầu, nhưng thành phố cho rằng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, vừa khắc phục tình trạng “chảy máu chất xám”, vừa tận dụng được tri thức, kinh nghiệm. Do vậy, thành phố kiến nghị tiếp tục duy trì trong thời gian tới.
Chính phủ cần làm rõ có áp dụng cơ chế đặc thù về chính sách tiền lương đối với TP.HCM khi tăng lương cơ sở?
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng TP.HCM đã cơ bản thực tốt một số cơ chế, chính sách liên quan đến tổ chức và con người. Tăng cường phân cấp, cơ chế ủy quyền; chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức; tạo lập cơ chế thu hút, phát triển đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.
Theo báo cáo, TP.HCM chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức do thành phố quản lý theo hiệu quả công việc, theo đó năm 2018 tăng 0,6 lần, năm 2019 tăng 1,2 lần và năm 2020 tăng 1,8 lần.
Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, mặc dù mức tăng chưa cao song đã góp phần cải thiện đời sống của cán bộ; chất lượng công tác quản lý nhà nước và dịch vụ công được nâng cao, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh được cải thiện.
Có ý kiến cho rằng, Nghị quyết số 54 cho phép thành phố được tăng 1,8 lần, tương đương 280% mức lương cơ sở, đề nghị báo cáo rõ việc thực hiện trên thực tế như thế nào.
Bên cạnh đó, dự kiến năm 2023 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở và Chính phủ đề nghị không áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị đang hưởng chế độ đặc thù về tiền lương, trong khi Nghị quyết số 54 dự kiến được kéo dài thêm 1 năm, vì vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ có áp dụng cơ chế đặc thù về chính sách tiền lương đối với TP.HCM và các địa phương đang được hưởng chính sách này hay không.