Thông tin mới vụ sạt lở bờ kênh Thanh Đa
Sở GTVT TPHCM vừa báo cáo đến UBND TP về tình hình sạt lở khu vực kênh Thanh Đa - đoạn 1,1 (phường 25, quận Bình Thạnh).
Theo Sở GTVT TPHCM, vị trí sạt lở nằm ở bờ phải kênh Thanh Đa - đoạn 1,1 (phường 25, quận Bình Thạnh), cách hạ lưu cầu Kinh khoảng 50m.
Vụ việc không gây thiệt hại về người nhưng ảnh hưởng trực tiếp đến 15 căn nhà. Đa số các căn nhà này bị nứt tường, lún và nghiêng ra phía kênh, có thể bị sạt lở về phía kênh bất cứ lúc nào. Ngoài ra, sự cố sạt lở còn làm chuyển vị, sụt lún khoảng 200m của tuyến kè đá hiện hữu.
UBND phường 25, quận Bình Thạnh đã tổ chức vận động, hoàn thành di dời các hộ dân tại khu vực bị ảnh hưởng đến nơi an toàn, đồng thời tổ chức khoanh vùng, rào chắn không cho người dân, phương tiện qua lại khu vực có nguy cơ sạt lở.
Theo Sở GTVT TPHCM, tại khu vực này, vào năm 2005 cũng đã xảy ra sạt lở nguy hiểm, UBND TP đã giao Khu Đường sông làm chủ đầu tư tổ chức xây dựng công trình kè nhằm bảo vệ tài sản của người dân và hạ tầng tại khu vực, với phạm vi hành lang giải tỏa là 3,5m tính từ đỉnh kè phía trong bờ.
Công trình được xây dựng với quy mô kè mềm, mái nghiêng lát viên bê tông đúc sẵn trên nền đất đắp và thảm đá để gia cố lòng sông. Công trình đã được thi công vào năm 2007 và hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2008.
Sở GTVT TPHCM cũng cho biết, thời điểm xảy ra sạt lở, có mưa lớn nhiều ngày làm cho nền đất sau kè (dưới nền nhà ở của các hộ dân) thường xuyên bị đọng nước do không có hệ thống thoát nước sau kè, nước thoát chậm kết hợp thời điểm nước triều kiệt (nước rút cạn), chênh lệch mực nước lớn, làm gia tăng áp lực ngang lên kè là nguyên nhân gây mất ổn định kè hiện hữu.
“Ngoài ra, hiện nay các công trình kè lân cận trên kênh Thanh Đa đoạn 1,2; 1,3 và 1,4 với kết cấu như đoạn kênh 1,1 nêu trên vẫn đang khai thác ổn định do phạm vi nhà dân được giải tỏa cách đỉnh kè từ 10m trở lên. Đối với đoạn kênh Thanh Đa 1,1 nhà dân cách đỉnh kè 3,5m (theo ranh giải phóng mặt bằng trước đây) nên tải trọng của các nhà dân tác động trực tiếp lên đỉnh kè là một trong những nguyên nhân gây mất ổn định tuyến kè mái nghiêng hiện hữu (đã đưa vào sử dụng được 15 năm)”- Sở GTVT TPHCM cho hay.
Với kết quả quan trắc, theo dõi từ ngày 24/6 đến ngày 8/7 cho thấy, tuyến đỉnh kè đã chuyển vị ra phía kênh theo phương ngang (vị trí xa nhất) khoảng 1,89m so với tim tuyến kè thiết kế.
Bên cạnh đó, hành lang kè bị lún là khoảng 1,26m so với cao độ hành lang mặt kè thiết kế. Phạm vi khu vực sạt lở với chiều dài khoảng 168m dọc theo tuyến kè, rộng 15m từ đỉnh kè vào trong bờ.
Sở GTVT nhận thấy độ lún và chuyển vị đỉnh kè quá lớn đã làm mất ổn định công trình, phá vỡ các kết cấu chính, theo thời gian diễn biến sạt lở hết sức phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà dân sống dọc theo tuyến kè.
Nhằm đảm bảo tính mạng và tài sản người dân nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm nêu trên, Sở GTVT báo cáo UBND TPHCM xem xét, chỉ đạo một số nội dung.
Cụ thể, Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TPHCM (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan có liên quan kiểm tra, có biện pháp xử lý thích hợp, nhằm phòng tránh thiệt hại cho người dân tại khu vực nêu trên.
Giao UBND quận Bình Thạnh, UBND phường 25 (quận Bình Thạnh) tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến lún sụt tại khu vực; triển khai rào chắn, cảnh báo không cho người, phương tiện qua lại trong khu vực có nguy cơ sạt lở, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của người dân.
Sở GTVT TPHCM cũng đề xuất UBND TP giao cho Sở chỉ đạo Trung tâm Quản lý Đường thủy tổ chức lựa chọn đơn vị có chức năng để thực hiện khảo sát, quan trắc, đánh giá nguyên nhân sạt lở và khả năng chịu lực công trình để đề xuất giải pháp khắc phục sạt lở trong vòng 10 ngày sau khi được sự chấp thuận của UBND TP.