Thời tiết năm 2020 phức tạp, khó lường, đề phòng nắng nóng gay gắt và bão mạnh
Năm 2020, thời tiết sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; người dân cần đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, nắng nóng gay gắt và bão mạnh.
Chiều 26/5, tại cuộc họp giao ban báo chí Thành ủy TP Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hà Nội báo cáo công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn từ đầu năm đến nay.
Theo ông Sơn, 5 tháng đầu năm 2020, thiên tai có nhiều đặc điểm phức tạp với nền nhiệt độ trung bình tháng phổ biển cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 – 1,5 độ C. Đặc biệt trong tháng 3 và tháng 4 nhiệt độ trung bình tháng cao hơn so với trung bình nhiêu năm từ 1,6 – 3,0 độ C.
Từ đầu mùa hè đến nay đã xuất hiện 2 đợt nắng nóng, trong đó đợt nắng nóng đặc biệt gay gắt trên diện rộng gần đây nhất diễn ra từ 20-21/5 với nhiệt độ phổ biến từ 38-40 độ C, có nơi cao hơn như tại Hà Đông ghi nhận trong ngày 21/5 nền nhiệt lên ngưỡng 40,9 độ C.
Dự báo, còn khoảng 8-10 đợt nắng nóng (từ 2 ngày trở lên), tập trung chủ yếu từ nửa cuối tháng 5 đến tháng 7, trong đó sẽ xuất hiện 1-2 đợt nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến ở mức 39 – 41 độ C.
Đáng chú ý, mùa bão năm 2020 có khả năng xuất hiện khoảng 12-13 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Hà Nội) có thể chịu ảnh hưởng trực tiếp khoảng 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.
“Nhìn chung tình hình thời tiết thủy văn năm 2020 sẽ có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; đề phòng các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông lốc, nắng nóng gay gắt, bão mạnh. Mưa lớn tập trung với cường độ mạnh trong thời gian ngắn gây ngập úng cục bộ tại các đô thị, vùng trũng thấp; lũ lớn, lũ muộn… ảnh hưởng đến sinh hoạt và đời sống nhân dân”, ông Sơn cho hay.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hà Nội thông tin thêm, hiện nay khu vực nội thành còn tồn tại 16 điểm úng ngập cục bộ. Các điểm ngập úng cục bộ này tồn tại ở một số quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy...
Để khắc phục tình trạng úng ngập trong thời gian tới, TP Hà Nội đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án nhằm khắc phục, giảm thiểu tại 16 trọng điểm úng ngập.
Ngoài ra, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết cần có biện pháp khơi thông dòng chảy đối với hệ thống cống, mương thoát nước; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi, gây ảnh hưởng đến môi trường đô thị và tắc nghẽn hệ thống thoát nước trên địa bàn.
Theo ông Sơn, trong thời gian tới Hà Nội sẽ tổ chức kiểm tra, đánh giá lại số lượng, chất lượng và mua sắm bổ sung các trang thiết bị đảm bảo chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Với các công trình phòng, chống thiên tai xuống cấp, hư hại sẽ được tu sửa, sửa chữa, nâng cấp. Từ đó sẵn sàng đối phó tình huống bất lợi về thời tiết có thể xảy ra.
"Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẽ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai năm 2020, đảm bảo tuyệt đối an toàn đối với từng công trình trong mùa mưa bão năm 2020.
Tiếp tục xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai TP Hà Nội năm 2020, kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 -2025. Chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiến tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế xã hội", Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP Hà Nội nói.