Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, cha mẹ cần đề phòng con mắc bệnh quai bị: Triệu chứng bệnh quai bị ở bé gái và bé trai khác nhau thế nào?

XT,
Chia sẻ

Nói đến bệnh quai bị, ai cũng biết rằng đây là bệnh có thể lây và đặc biệt nguy hiểm ở chỗ có thể gây biến chứng viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn... Bởi vậy, khi trẻ bị quai bị, các bậc cha mẹ đều vô cùng lo lắng.

Bệnh quai bị là gì?

Quai bị là bệnh do virus Paramyxovirus gây nên. Bệnh chỉ xuất hiện ở người, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, nhất là trẻ từ 6 - 10 tuổi. Virus này thường gây sưng đau ở tuyến nước bọt, còn gọi là tuyến mang tai. Bệnh thường lây qua đường tiếp xúc thông thường khi trong không khí có virus gây bệnh.

Bệnh quai bị thường phát vào mùa đông xuân, khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh và thường xuất hiện ở những nơi đông người như: nhà trẻ, trường học, ký túc xá, khu tập thể… Bệnh lây lan chủ yếu qua đường hô hấp do nước bọt bị nhiễm trùng khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi. Người từng mắc bệnh này hiếm khi nào mắc lại lần hai vì sau lần mắc đầu tiên, cơ thể sẽ tạo kháng thể bảo vệ suốt đời.

Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, cha mẹ cần đề phòng con mắc bệnh quai bị: Triệu chứng bệnh quai bị ở bé gái và bé trai khác nhau thế nào? - Ảnh 1.

Triệu chứng bệnh quai bị giống nhau ở cả bé gái và bé trai là gì?

Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em, dù là bé gái hay bé trai, thường xuất hiện trong khoảng 2 tuần sau khi trẻ nhiễm virus. Những triệu chứng này rất giống với cảm cúm, như:

- Mệt mỏi

- Đau cơ, đau hàm

- Đau đầu

- Ho, sổ mũi

- Biếng ăn

- Sốt nhẹ

Trong vài ngày tiếp theo, bé sẽ sốt cao khoảng 39 độ C và sưng tuyến nước bọt. Lúc này, bé có nguy cơ truyền virus cho người khác qua tiếp xúc thông thường.

Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, cha mẹ cần đề phòng con mắc bệnh quai bị: Triệu chứng bệnh quai bị ở bé gái và bé trai khác nhau thế nào? - Ảnh 2.

Triệu chứng bệnh quai bị khác nhau ở bé trai và bé gái là gì?

Triệu chứng khác nhau điển hình ở bé trai và bé gái bị mắc bệnh quai bị đó là ở bé trai, virus có thể gây tổn thương, viêm tinh hoàn, còn ở bé gái sẽ gây viêm buồng trứng.

Triệu chứng viêm tinh hoàn ở bé trai:

- Viêm tinh hoàn do virus quai bị thường gặp nhất ở bé trai trong lứa tuổi dậy thì và trưởng thành (thanh thiếu niên). Triệu chứng này thường xuất hiện sau khi viêm tuyến nước bọt từ 5 - 7 ngày.

- Điểm nổi bật của viêm tinh hoàn ở trẻ trai là thường chỉ xảy ra một bên, ít gặp ở cả 2 bên.

- Khi bị viêm tinh hoàn, trẻ xuất hiện sốt trở lại, thân nhiệt đôi khi còn tăng hơn cả lúc ban đầu sốt do viêm tuyến nước bọt.

- Tinh hoàn bị sưng to, đau, khi sờ vào thấy tinh hoàn có mật độ chắc. Nhìn vào thấy da bìu phù nề rõ rệt, da căng, bóng, đỏ. Ngoài ra có thể xuất hiện thêm viêm thừng tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, thậm chí cả tràn dịch màng tinh hoàn ở những trường hợp bệnh nặng.

- Viêm tinh hoàn thường kéo dài 3-5 ngày là hết sốt, sau 3-4 tuần sau mới hết sưng và hết đau hẳn, độ sưng nề và giảm đau giảm dần. Có khoảng 1/3 số trường hợp dẫn đến teo tinh hoàn và có thể dẫn đến tình trạng vô sinh sau này.

Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh, cha mẹ cần đề phòng con mắc bệnh quai bị: Triệu chứng bệnh quai bị ở bé gái và bé trai khác nhau thế nào? - Ảnh 3.

Triệu chứng viêm buồng trứng ở bé gái:

- Viêm buồng trứng ở bé gái thường gặp ở tuổi dậy thì, ít để lại di chứng vô sinh.

- Triệu chứng thường thấy nhất là đau đớn ở vùng bụng.

Chỉ có một cách duy nhất để đảm bảo con được bảo vệ tương đối an toàn khỏi căn bệnh này, đó là cho bé tiêm phòng vắc-xin. Thông thường, vắc-xin kết hợp phòng 3 bệnh sởi-quai bị- rubella sẽ được tiêm cho các bé trên 1 tuổi không mắc phải các vấn đề sức khỏe đặc biệt.

Những điều cha mẹ CẦN BIẾT THÊM để BẢO VỆ CON KHỎI BỆNH QUAI BỊ.

Chia sẻ