Thối tay vì tự chữa rắn cắn theo kinh nghiệm dân gian, cách phân biệt rắn độc hay rắn thường cắn
Theo TS BS Hoàng Công Tình – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, bệnh viện đang cấp cứu nhiều trường hợp rắn độc cắn.
Nhiều bệnh nhân bị rắn cắn
Trong 2 tuần gần đây, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình tiếp nhận và điều trị cho 8 trường hợp bị rắn cắn, trong đó chủ yếu là rắn lục và rắn hổ mang. Nguyên nhân bị rắn cắn có cả do vô ý và do cố ý. Hiện tại, trong khoa đang điều trị cho 2 trường hợp bị rắn cắn.
Trường hợp thứ nhất do vô ý đạp phải rắn lục và bị cắn, hiện tại bệnh nhân đã ổn định.
Trường hợp thứ 2 bị rắn hổ mang cắn khi đi bắt rắn ở trên rừng. Sau khi bị rắn cắn, người bệnh đã tự chữa trị 4 ngày ở nhà theo kinh nghiệm dân gian. Tuy nhiên, sức khoẻ bệnh nhân ngày càng yếu đi, vết thương do rắn cắn bị nhiễm trùng, hoại tử lan rộng, người nhà mới đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình điều trị.
Hiện tại, bệnh nhân đang trong tình trạng suy đa phủ tạng, vết thương do rắn cắn bị hoại tử, nhiễm trùng nặng nề, đang được điều trị và chăm sóc tích cực.
Theo TS Tình, mùa mưa (mùa hè) đến, rắn thường ra khỏi nơi trú ẩn để đi kiếm ăn. Đồng thời, mưa cũng thường gây ngập lụt nơi trú ngụ nên rắn phải di chuyển để tìm nơi ở mới.
Chính vì vậy khi mùa mưa đến, tại nạn do rắn cắn rất hay xảy ra. Khi không may bị rắn độc cắn, nếu không được cấp cứu kịp thời và đúng cách, nọc độc của rắn có thể gây chết người hoặc tàn phế. Các loại rắn độc phổ biến ở Việt Nam là rắn hổ mang, rắn lục và rắn hổ chúa.
Những biểu hiện thông thường sau khi bị rắn độc cắn bao gồm: Chảy máu, cảm thấy đau đớn, mệt mỏi, khó thở, phù nề, hoại tử, thậm chí nhiễm trùng máu hoặc đối diện nguy cơ tử vong nếu không cứu chữa kịp thời. Tuy nhiên, không phải loại rắn nào sau khi cắn cũng gây nguy hiểm.
Do đó, cần nhận biết sự khác nhau giữa rắn độc và rắn không độc để có cách xử lý phù hợp và sơ cứu khi rắn cắn đúng cách.
Khi không may bị rắn cắn, cần phải trấn an tinh thần người bệnh, rửa vết thương bằng nước sạch với xà phòng, không để bệnh nhân tự đi lại, cố định và băng ép nhẹ vùng vết thương, sau đó nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế.
Nạn nhân và người nhà cố gắng lưu lại hình ảnh của rắn để các thầy thuốc có thể nhanh chóng định danh được loại rắn độc.
Để phòng tại nạn do rắn cắn, người dân không nên săn bắt rắn, không ở gần những nơi rắn hay trú ngụ (gốc cây, gò đống, bờ ruộng có nhiều hang chuột, hang mối, đống gạch, đống củi).
Khi đi làm ruộng, làm nương hoặc đi trong rừng cần sử dụng gậy để xua đuổi rắn, không nên bước hoặc cho tay vào những nơi mà ta chưa quan sát được.
Nhận biết vết rắn độc và rắn không độc cắn
Việt Nam có khoảng 140 loài rắn, trong đó có khoảng 18 loài rắn độc ở đất liền và 13 loại rắn độc ở biển. Nọc rắn độc gồm hơn 20 thành phần khác nhau, chủ yếu là protein chứa các men và độc tố polypeptide; tùy loại rắn mà thành phần chất độc cũng khác nhau.
Nếu phân chia về họ rắn độc thường gặp là rắn hổ (rắn hổ đất, rắn hổ mèo, hổ mang bành, hổ mang phì, hổ mang chúa, rắn cạp nong, cạp nia,…); họ rắn lục (rắn lục đuôi đỏ, rắn chàm quạp, rắn hổ bướm, rắn khô mộc,…); họ rắn biển (nọc độc tác động lên hệ thần kinh giống rắn hổ nhưng chỉ bị tê chứ không đau, chảy máu và gây tử vong 50%).
Còn nếu phân chia về triệu chứng gây độc thì có nhóm rắn độc chuyên gây rối loạn đông máu (rắn chàm quạp, rắn lục đuôi đỏ,…) và nhóm gây liệt, suy hô hấp (rắn hổ đất, hổ chúa, hổ mèo, cạp nong, cạp nia, rắn biển,…).
Cách nhận biết vết cắn là của rắn độc hay rắn không độc thì ngoài việc căn cứ vào vết răng cắn, kinh nghiệm dân gian còn phân biệt 2 loài rắn này dựa vào hình dáng, màu sắc và âm thanh phát ra của chúng.
Vết răng cắn: Rắn độc thường có hai răng độc lớn có vai trò như chiếc kim tiêm. Khi rắn cắn sẽ đồng thời tiêm độc vào vùng da của nạn nhân và để lại vết răng đặc trưng sau khi cắn. Do đó, nạn nhân khi bị rắn độc cắn thì để lại ít dấu răng ở vết cắn nhưng để lại 2 vết răng nanh. Mỗi vết cắn của răng nanh cách nhau khoảng 5mm và 1 số vết răng nhỏ.
Trong khi rắn không có độc khi cắn sẽ để lại vết của cả 2 hàm răng với những chấm nhỏ hình vòng cung và đặc biệt không có vết răng nanh.
Về màu sắc: Mỗi loại rắn có những màu sắc đặc trưng, ví dụ rắn cạp nong (thân mình khúc vàng khúc đen xen kẽ), rắn cạp nia (thân mình xen kẽ khúc trắng khúc đen), họ rắn lục (đầu to hình thoi hoặc tam giác), riêng rắn lục đuôi đỏ (thân màu xanh nhưng đuôi có màu đỏ).
Biểu hiện tấn công, một số loại rắn độc có đặc điểm đặc trưng bên ngoài rất dữ tợn như: rắn hổ mang (khi chuẩn bị tấn công thì cổ bạnh, phát âm thanh đặc trưng). Một số loài rắn hổ mang có thể bắn nọc độc từ xa, nếu văng vô mắt nạn nhân cũng có thể gây tổn thương mắt và làm nhiễm độc toàn thân.