Rụng toàn bộ xương bàn tay sau 25 ngày đắp thuốc nam trị rắn cắn tại nhà
Bị rắn cắn, người đàn ông ở Hà Giang không đến viện điều trị mà ở nhà đắp thuốc nam. Sau hơn 25 ngày, tình trạng ngày càng nặng, gia đình mới đưa đến viện.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa huyện Vị Xuyên (Hà Giang), nam bệnh nhân P.V.T., 46 tuổi, trú tại thôn Bản Chang, xã Quảng Ngần, huyện Vị Xuyên, được đưa vào viện trong tình trạng tinh thần mệt mỏi, cánh tay trái phần mềm hoại tử, phù nề, cẳng tay còn trơ 2 xương quay trụ, rụng toàn bộ khối xương cổ tay, bàn tay.
Qua khai thác bệnh sử được biết: Bệnh nhân đang làm cỏ rẫy thì bị rắn cắn vào vùng cẳng tay trái (đây là loài rắn thuộc họ rắn lục mũi hếch). Sau khi bị cắn, bệnh nhân đau nhức, chảy máu vết cắn nên đã tự lấy dây chun thắt chặt phần trên cánh tay, sau đó được gia đình tự điều trị bằng thuốc nam tại nhà.
Sau 25 ngày không nới dây thắt, vẫn tiếp tục đắp thuốc nam, bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, cẳng bàn tay thối rụng từng phần xương bàn tay, cổ tay, còn trơ lại 2 xương cẳng tay, lúc này bệnh nhân mới được gia đình đưa đến viện.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán sợ bộ: Hoại tử cẳng bàn tay trái do rắn cắn ngày thứ 25, tiên lượng nặng, có thể có rối loạn đông máu và nhiễm khuẩn huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, xét nghiệm cấp cứu: Được tiêm thuốc giảm đau, truyền dịch bù nước và điện giải, dùng kháng sinh phổ rộng, chống viêm, chống đông máu, phòng uốn ván và chăm sóc toàn diện...
Sau khi có quả xét nghiệm không có rối loạn đông máu, bệnh nhân được hội chẩn và trải qua 3 cuộc phẫu thuật: cắt bỏ 2 xương cẳng tay để lại khớp khuỷu; cắt lọc hoại tử; vá da tự thân.
Trải qua 35 ngày điều trị, đến nay, tình trạng bệnh nhân tốt, ăn uống được, xét nghiệm các chỉ số ổn định, vết mổ khô, vạt da liền tốt không có biến chứng sau phẫu thuật.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Chu Quốc Khánh, Khoa Ngoại tổng hợp khuyến cáo: Khi bị rắn cắn, cần sơ cứu bằng cách rửa sạch vết thương bằng xà phòng và nước sạch. Phủ lên vết cắn bằng gạc mát để giảm đau, sưng. Băng thun hoặc vải sạch lên vết thương và phía trên vết thương, đồng thời, đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc.
Tuyệt đối, không nên buộc quá chặt và nên bất động chi bằng nẹp gỗ, nếu ga rô thì sau cứ 30 phút tính từ lúc bắt đầu buộc dây phải nới lỏng dây ga rô 1 lần. Không trích, rạch, chọc hút vết thương, không nên lạm dụng các bài thuốc dân gian của thầy lang mà không có chứng chỉ hành nghề. Phải nhanh chóng vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí, điều trị theo phác đồ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro cho người bệnh.