Thói quen xấu cha mẹ vô tình truyền lại cho con
Cha mẹ nào cũng muốn cho con cái những điều tốt đẹp nhưng cuối cùng lại vô tình chia sẻ một vài thói quen xấu. Dưới đây là 4 thói quen xấu phổ biến nhất
Tâm lý đổ lỗi
Khi đưa con đi học muộn, bạn lấy lý do bạn quên giờ hay do bạn bị kẹt xe? Khi giáo viên của con nói với bạn về việc con quậy phá trong lớp, bạn có hỏi con tại sao con lại hành động như vậy hay bạn cho rằng giáo viên hoặc những đứa trẻ khác không thấu hiểu con?
Khi không được thăng chức, bạn có thừa nhận đó là do bạn không đủ năng lực hay bạn cho rằng đó là do đồng nghiệp hạ thấp bạn hoặc sếp không thích bạn?
Những điều xảy ra trong cuộc sống của bạn có phải là kết quả hành động của bạn hay bạn cho rằng mình là nạn nhân bất lực trước hoàn cảnh?
Nếu bạn luôn đổ lỗi cho ngoại cảnh hoặc người khác, bạn có nguy cơ khiến con phát triển tâm lý nạn nhân. Khi điều đó xảy ra, con sẽ có thói quen tìm kiếm một “kẻ áp bức” hoặc kẻ thù để chịu trách nhiệm về những thất bại của chính mình.
Điều này sẽ ngăn cản con chịu trách nhiệm về hành động của mình và học hỏi từ những sai lầm. Thay vào đó, con sẽ mãi mãi bị mắc kẹt trong tâm lý của một nạn nhân ngay cả khi con thực sự có khả năng.
Thiếu trách nhiệm tài chính
Hầu hết các bậc cha mẹ đều mong muốn con mình lớn lên có thể quản lý tiền bạc một cách khôn ngoan. Tuy nhiên, mong muốn trở thành một thứ gì đó sẽ không tự động trở thành sự thật.
Ví dụ, nhiều người muốn trở thành cầu thủ siêu sao hoặc diễn viên nổi tiếng nhưng không có nghĩa là họ sẽ bỏ thời gian, sức lực để thực hiện mong muốn này. Trách nhiệm tài chính cũng như vậy.
Con bạn sẽ không trở thành người quản lý tiền giỏi chỉ vì bạn muốn chúng trở thành người như vậy. Tuy nhiên, con sẽ phát hiện ra bất kỳ thói quen vô trách nhiệm về tài chính nào mà bạn mắc phải.
Nếu bạn tạo thói quen đi ra ngoài và tiêu quá nhiều tiền hoặc coi hạn mức tín dụng là tiền miễn phí, đừng ngạc nhiên khi con bạn bắt đầu bộc lộ những thói quen tương tự.
Thiếu tôn trọng
Một trong những phàn nàn phổ biến nhất về trẻ em và thanh thiếu niên ngày nay là chúng cư xử thiếu tôn trọng người khác, kể cả cha mẹ của chúng.
Tuy nhiên, sự thiếu tôn trọng đó không xuất hiện một cách tự nhiên. Nếu con bạn thiếu tôn trọng, có thể bạn đã vô tình dạy chúng làm như vậy.
Nếu bạn tiếp tục lướt điện thoại khi ai đó đang nói chuyện với bạn, đừng ngạc nhiên nếu con bạn không chịu đặt điện thoại xuống khi bạn đang nói chuyện với chúng.
Bạn đã cho con thấy đó là hành vi có thể chấp nhận được thông qua hành động của chính bạn. Tương tự, nếu bạn thường xuyên nói xấu sếp, cãi lời bố mẹ hoặc nổi giận chống lại chính quyền, đừng ngạc nhiên khi con bạn gặp rắc rối vì nói xấu giáo viên hoặc bắt đầu tỏ thái độ với bạn. Suy cho cùng, chính bạn đã dạy con những thói quen đó.
Không biết cách quản lý cơn giận
Trẻ em nhìn vào cha mẹ để tìm hiểu những phản ứng trong các tình huống khác nhau. Khi cha mẹ bình tĩnh và tự chủ, trẻ sẽ ít hình thành thói quen mắng mỏ khi tức giận hoặc thất vọng.
Tuy nhiên, khi cha mẹ không kiểm soát được cơn giận, trẻ em cũng có nhiều khả năng la hét hoặc chửi bới khi gặp tình huống tương tự.
Nếu bạn thường xuyên lớn tiếng, đừng ngạc nhiên khi con bạn có những phản ứng không phù hợp khi anh chị em trong nhà giành lấy món đồ chơi yêu thích của chúng hoặc ăn hết đồ ăn ngon của chúng.
Nếu bạn có thói quen đá vào xe khi gặp rắc rối, bạn đang dạy con mình rằng bạo lực là một phản ứng có thể chấp nhận được trước những tình huống không mong đợi.
Nếu bạn chửi thề khi mọi việc không theo ý mình, bạn đang dạy con rằng chửi bới là hành vi phù hợp. Nói cách khác, hành vi của con sẽ phản ánh hành vi của chính bạn, vì vậy hãy chắc chắn rằng bạn đang làm gương những gì bạn muốn con thực hành.