Bức ảnh 2 người ẩu đả trên phố thu hút sự chú ý, tìm hiểu mối quan hệ, ai nấy lắc đầu: Hỏng cả 1 thế hệ
Không ai ngờ giữa hai người này lại có mối quan hệ thân thiết đến như vậy.
Có một câu nói hẳn nhiều người làm cha mẹ từng nghe qua: "Chiều con như giết con". Câu này tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng chân lý sâu sắc. Nó bộc lộ một nguyên tắc quan trọng trong giáo dục gia đình: Sự nuông chiều của cha mẹ thường phản tác dụng, khiến con cái liên tục gặp vấn đề khi lớn lên, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ giữa hai bên. Trẻ sẽ coi mình là trung tâm vũ trụ, đòi gì được nấy, sẵn sàng dùng lời lẽ hỗn láo, thậm chí động chân động tay với cha mẹ nếu không được đáp ứng nhu cầu.
Mới đây, tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), một cậu bé đánh một người phụ nữ dã man trên đường phố nhưng người lớn kia vẫn im lặng chịu đựng. Sau khi tìm hiểu, người ta mới bất ngờ và chua xót khi biết được đó là một đứa con trai đang học tiểu học đánh mẹ mình.
Đáng nói, người mẹ không hề chống cự mà chỉ nằm dưới đất và cam chịu. Theo những người chứng kiến, vì không được mẹ cho chơi điện thoại di động mà cậu con trai có hành vi đáng phẫn nộ như vậy.
Một người đàn ông không chịu nổi khi thấy cảnh tượng này, liền kéo cổ áo cậu bé, hét lớn: "Mày là đồ vô học sao, dám đánh cả mẹ mình?". Điều không ngờ là đứa trẻ đánh trả lại liên tục, còn trả lời: "Đánh bà đó đi, có vấn đề gì sao?".
Lúc này, mẹ của đứa trẻ ngồi xổm trên mặt đất trong tâm trạng suy sụp, đang nói chuyện điện thoại, Có người ở gần đó đề nghị gọi cảnh sát. Tuy nhiên không biết mọi chuyện tiếp theo tiếp diễn ra sao.
Nhiều cư dân mạng cho rằng, sở dĩ đứa trẻ này dám đánh mẹ chứng tỏ nó đã quen với việc xem thường và ăn hiếp mẹ mình. Đây chắc chắn không phải lần đầu tiên. Thậm chí, có người cho rằng mẹ bị đánh là do lỗi của chính bà, không thể thông cảm. Tất cả là kết quả của sự giáo dục hàng ngày, gieo nhân nào thì gặt quả đó.
Quá chiều con, làm ngơ khi con mắc lỗi, để con mặc sức làm theo ý mình ngay từ khi còn nhỏ, trong khi cha mẹ lại chỉ biết phục tùng vô điều kiện... Tất cả những thứ đó đều sẽ tác động tiêu cực lên việc hình thành nhân cách của đứa trẻ sau này.
Trẻ em sau khi ra đời là một tờ giấy trắng, quỹ đạo cuộc đời của chúng thay đổi như thế nào cần có sự hướng dẫn, giáo dục từ cha mẹ. Nhiều gia đình thường có xu hướng chiều theo ý của các con ngay từ nhỏ, không chú trọng đến việc chỉnh sửa cách ăn nói, cư xử của con ngay từ ngày bé. Một người mẹ người cha chiều chuộng con mình trông có vẻ là yêu thương, nhưng thực chất kiểu yêu thương mù quáng này khiến trẻ được nước "lấn tới" và đồng thời cũng tước đi khả năng phát triển độc lập của trẻ.
Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường này thường thiếu khả năng suy nghĩ và hành động độc lập, mọi việc đều dựa dẫm vào cha mẹ và khó có thể tự mình đối mặt với những khó khăn, thử thách trong cuộc sống. Chúng không bao giờ suy ngẫm về vấn đề của bản thân, và dễ bị thất bại, thậm chí có thể làm những điều cực đoan vì thất bại.
Cha mẹ là người tạo ra năng lực hành vi của con cái. Một đứa trẻ có biết đối mặt với thế giới bằng trái tim bao la yêu thương hay không, có biết ơn, hiểu được công lao khó nhọc của cha mẹ hay không, trước hết là do chính cách nuôi dạy của cha mẹ.