Thời điểm này cần cảnh giác với bệnh than - căn bệnh lạ gây lở loét da, có thể làm chết người

ĐỖ ĐỖ,
Chia sẻ

Bệnh than có thể đe dọa tính mạng và không thể tự khỏi mà cần có sự can thiệp của bác sĩ, bạn nên cảnh giác cao trong thời điểm này để phòng tránh bệnh.

Thời gian gần đây, đơn vị chăm sóc vết thương, Khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) liên tục tiếp nhận một số ca bệnh được chẩn đoán “Hậu bối”- tên cũ là bệnh than.

Bệnh than có thể đe dọa tính mạng và không thể tự khỏi mà cần có sự can thiệp của bác sĩ, bạn nên cảnh giác cao trong thời điểm này để phòng tránh bệnh.

1. Bệnh than là gì?

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh than là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính thường làm tổn thương da, hiếm khi gây tổn thương mồm-họng, đường hô hấp dưới, trung thất hoặc bộ máy tiêu hóa.

Nguyên nhân gây ra bệnh than là do người bệnh nhiễm phải vi khuẩn than Bacillus anthracis. Vi khuẩn này có kích thước lớn từ 1 - 1,5 x 3mm hai đầu vuông, đứng riêng rẽ hoặc xếp thành chuỗi, bắt màu gram dương. Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài của trực khuẩn than thường rất lâu dài. Bào tử than có thể tồn tại trong đất 5 - 10 năm.

Bệnh than: Căn bệnh lạ gây lở loét da, có thể làm chết người, cần cảnh giác cao trong thời điểm này - Ảnh 1.

- Thời gian ủ bệnh: Từ một vài giờ đến 7 ngày, hầu hết các trường hợp xảy ra trong vòng 48 giờ sau khi tiếp xúc.

- Thời kỳ lây truyền: Lây truyền từ người sang người rất hiếm. Đồ vật và đất bị nhiễm bào tử có thể tồn tại hàng chục năm.

2. Triệu chứng ban đầu của bệnh than là gì?

- Triệu chứng đầu tiên của bệnh than thể phổi là triệu chứng cấp tính nhẹ và không đặc trưng của suy hô hấp giống như bị nhiễm đường hô hấp trên thông thường. Trên X quang cho biết trung thất to hơn, sốt và sốc sau 3-5 ngày và sau đó là tử vong.

- Ở thể da: Chỗ da bị nhiễm trùng xuất hiện ngứa đầu tiên, sau đó dẫn đến tổn thương, nổi sần, mụn nước và từ 2 - 4 ngày sau phát triển thành nốt loét màu đen. Xung quanh chỗ loét thường có phù mức độ từ nhẹ đến nặng và lan rất rộng, đôi khi có mụn nước nhỏ thứ phát. Nốt loét thường không đau, nếu có đau là do phù hoặc bội nhiễm.

Bệnh than: Căn bệnh lạ gây lở loét da, có thể làm chết người, cần cảnh giác cao trong thời điểm này - Ảnh 2.

- Đầu, cánh tay và bàn tay là nơi hay bị tổn thương nhất. Nốt loét có thể bị nhầm lẫn với viêm da. Nơi nhiễm khuẩn không được điều trị có thể lan tới các hạch bạch huyết vùng rồi vào máu gây nhiễm trùng huyết và tổn thương não. Tỷ lệ tử vong bệnh than thể da không được điều trị từ 5 - 20%. Nếu điều trị kháng sinh có hiệu quả ít khi xảy ra tử vong.

- Bệnh than thể ruột hiếm gặp và khó phát hiện trừ khi bệnh có xu hướng xảy ra thành dịch lớn ở dạng ngộ độc thức ăn. Đau bụng dữ dội kèm theo sốt, nhiễm khuẩn huyết và kết thúc bằng tử vong trong những trường hợp điển hình. 

3. Đối tượng nào dễ mắc bệnh than?

Bệnh thường lưu hành ở các nước Nam Mỹ, Trung Mỹ, Nam và Đông Âu, Châu Á và Châu Phi, bệnh thường xảy ra đối với những người có liên quan đến công việc chăn nuôi và giết thịt động vật ăn cỏ, ở những công nhân chế biến da, lông thú; những nhân viên thú y...

4. Nguồn truyền nhiễm bệnh than?

 Động vật, thường là động vật ăn cỏ bao gồm cả động vật hoang dã cũng như gia súc làm lan truyền trực khuẩn trong chảy máu, lúc chết. 

Bệnh than: Căn bệnh lạ gây lở loét da, có thể làm chết người, cần cảnh giác cao trong thời điểm này - Ảnh 3.

Ở môi trường bên ngoài, trực khuẩn tạo bào tử và bào tử B.anthracis rất bền vững với những điều kiện môi trường khắc nghiệt và sự khử khuẩn, vi khuẩn có thể sống sót trong đất nhiều năm sau dù động vật bị bệnh đã bị tiêu diệt. 

Da động vật bị nhiễm trực khuẩn mặc dù đã được chế biến có thể là nơi trú ngụ của bào tử trong nhiều năm và là vật truyền bệnh trên toàn thế giới.

5. Phương thức lây truyền bệnh than

- Bệnh than lây truyền qua da là do tiếp xúc với các mô của động vật (gia súc, cừu, dê, ngựa, lợn và các súc vật khác) chết vì mắc bệnh than; nhiễm qua lông, da, xương hoặc các sản phẩm làm từ những nguyên liệu trên như trống, bàn chải… Lây truyền qua đất bị nhiễm khuẩn từ các động vật mắc bệnh hoặc do sử dụng phân bón chế biến từ xương động vật bị nhiễm khuẩn dùng cho việc chăm bón vườn tược.

Bệnh than: Căn bệnh lạ gây lở loét da, có thể làm chết người, cần cảnh giác cao trong thời điểm này - Ảnh 4.

Vết thương bị lở loét do bệnh than gây ra.

- Bệnh than thể phổi xảy ra là do hít phải bào tử vi khuẩn trong công nghiệp chế biến da, len, xương. Bệnh than thể ruột và thể mồm - họng là do ăn phải thịt bị nhiễm khuẩn. Không có bằng chứng về việc lây truyền bệnh than từ sữa động vật nhiễm khuẩn. Bệnh lây truyền trong gia súc ăn cỏ qua thức ăn và đất bị nhiễm.

6. Làm cách nào để phòng ngừa bệnh than?

- Người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân khi tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm khuẩn có khả năng bị lây truyền bệnh than và cách chăm sóc chỗ da bị xây xát.

- Phòng chống bụi và đảm bảo thông gió tốt ở những ngành công nghiệp có nguy cơ lây bệnh than, đặc biệt ở những nơi chế biến nguyên vật liệu động vật thô.

- Duy trì kiểm tra sức khỏe thường kỳ cho công nhân với sự chăm sóc y tế kịp thời đối với những chỗ da bị tổn thương nghi nhiễm khuẩn. Sử dụng quần áo bảo hộ lao động, nhà tắm thích hợp để tắm giặt và thay quần áo sau khi làm việc.

Bệnh than: Căn bệnh lạ gây lở loét da, có thể làm chết người, cần cảnh giác cao trong thời điểm này - Ảnh 5.

- Rửa, tiệt khuẩn cẩn thận các lông, da, các sản phẩm của xương và các thức ăn khác nguồn gốc động vật thật cẩn thận trước khi chế biến.

- Không bán da của những súc vật nhiễm bệnh than và không được dùng xác những súc vật này làm thức ăn.

7. Bệnh than được điều trị như thế nào?

- Với mầm bệnh than thông thường (chủng hoang dã) là thể da dễ điều trị nhất.

- Thể hô hấp diễn biến rất nhanh và nặng thường dẫn tới suy hô hấp, nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn nhiễm độc, viêm màng não cần được cấp cứu điều trị tích cực từ đầu.

- Thể dạ dày - ruột khó điều trị hơn thể da, tuy không nặng bằng thể hô hấp, nhưng cũng có thể dẫn đến mất nước điện giải, mất máu, nhiễm khuẩn huyết, thủng ruột.

- Sử dụng kháng sinh đặc biệt là penicilline để điều trị bệnh than.

Nguồn: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế)

Chia sẻ