Thịt đông không thể thiếu vào dịp Tết nhưng phải ăn thế này mới tránh tích mỡ, không lo tăng cân!
Một số mẹo ăn thịt đông dịp Tết sẽ giúp bạn giữ dáng dễ dàng hơn rất nhiều.
Cứ đến Tết cổ truyền, nhiều người Việt lại nấu món thịt đông. Từng miếng thịt đông nhừ tơi, có màu trong vắt, điểm màu đen của mộc nhĩ, màu vàng của cà rốt... là món ăn gây thương nhớ trong tâm trí của nhiều người Việt.
Tuy nhiên, nhiều chị em cũng khá lo lắng khi ăn thịt đông. Món ăn này làm từ chân giò, thịt mỡ... chứa nhiều chất béo. Nếu ăn nhiều, ăn không đúng cách có thể khiến chị em bị tích mỡ bụng, tăng cân chóng mặt chỉ sau vài ngày nghỉ Tết. Vậy, làm thế nào để ăn thịt đông ngon miệng mà không sợ tăng cân, khỏi lo tích mỡ, nhất là mỡ bụng?
3 mẹo ăn thịt đông không lo tăng cân, chị em không sợ tích mỡ bụng
1. Ăn thịt đông kèm dưa chua, hành muối, nhiều rau xanh
Theo BS Mai Việt (Viện Dinh dưỡng Quốc gia), một trong những cách giúp bạn chống ngán, đồng thời giúp tiêu hóa thịt đông tốt hơn chính là ăn kèm đồ muối chua như hành muối, dưa chua, kim chi muối cay và ăn càng nhiều rau xanh càng tốt. Thật may mắn, trên mâm cơm Tết cổ truyền, đây là những món ăn không thể thiếu.
Cách ăn thịt đông kiểu này giúp quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh hơn. Từ đó hạn chế tối đa nguy cơ tăng cân do ăn thịt đông.
2. Sau khi ăn thịt đông nên ăn kèm với nhiều hoa quả
Sau bữa ăn, chúng ta thường ăn hoa quả tráng miệng. Tận dụng ăn nhiều trái cây ít đường sau khi dùng bữa có thịt đông sẽ giúp hạn chế lượng chất béo nạp vào cơ thể.
Một số loại hoa quả có khả năng hấp thu chất béo từ thịt đông là mận, táo, đu đủ vì rất giàu chất xơ, vitamin C và axit tự nhiên giúp thúc đẩy chuyển hóa chất béo và protein trong thức ăn chúng ta vừa tiêu thụ trước đó.
3. Ăn thịt đông không ăn kèm cơm trắng, bánh chưng
Thói quen ăn thịt đông cùng cơm hay bánh chưng khiến bạn khó có thể kiểm soát được lượng thức ăn đưa vào cơ thể.
Chưa kể, cơm trắng giàu tinh bột, khiến bạn bị béo nhanh, nhất là khi ăn cùng thịt đông sẽ rất khó kiểm soát. Trong khi đó, bánh chưng làm từ gạo nếp, bên trong còn có nhân bánh nhiều thịt mỡ... cung cấp một lượng calo rất khủng khiếp.
Do đó chúng ta không nên ăn thịt đông khi có cơm trắng hoặc bánh chưng và ngược lại để tránh tăng cân không kiểm soát.
Ăn thịt đông thế nào mới an toàn sức khỏe, phòng tránh mỡ máu, cholesterol xấu?
Chuyên gia cho biết, thịt đông thường được chế biến từ những nguyên liệu như chân giò, tai, bì lợn... Đây là những thành phần có chứa nhiều cholesterol. Do đó, bệnh nhân tim mạch, mỡ máu cao cần hạn chế ăn để tránh gặp họa.
Thịt đông khi nấu xong, để ngoài cho nguội rồi nên bảo quản cẩn thận trong ngăn mát tủ lạnh. Chú ý đậy nắp hộp cẩn thận, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo khi để nhiều thức ăn trong tủ lạnh ngày Tết.
Mặc dù thịt đông để tủ lạnh là đảm bảo ăn Tết an toàn nhưng đừng lạm dụng. Bảo quản thịt đông trong ngăn mát không nên kéo dài 5-7 ngày.
Đối với thịt đông có sử dụng những nguyên liệu rau củ quả để thêm sắc màu hấp dẫn như cà rốt thì có thời gian sử dụng ngắn hơn nhiều. Chuyên gia khuyên nên ăn luôn thịt đông nấu với các loại rau, kể cả nấm hương. Bởi, rau củ quả nấu chín để qua đêm trong tủ lạnh vốn đã không tốt cho sức khỏe. Nếu để kéo dài nhiều ngày với món ăn như thịt đông thì nguy cơ ngộ độc rất cao.
Mỗi lần ăn thịt đông, bạn chỉ nên lấy ra một lượng vừa đủ ăn. Chú ý ăn hết mỗi lần lấy. Nếu còn thừa cũng không nên để lưu cữu ăn cho những lần sau vì rất dễ bị ôi thiu, nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Ngoài việc ăn sao tránh tăng cân, người béo phì, bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp, rối loạn chuyển hóa cần hạn chế ăn loại thịt này để bảo vệ sức khỏe.