“Thiếu nữ đánh cờ vây”: Khi cuộc sống chỉ như một ván cờ...

Hải Hoàng,
Chia sẻ

Đọc “Thiếu nữ đánh cờ vây”, tôi hay khóc một mình, cho dù là lần đầu tiên hay lần thứ hai, thứ ba đi chăng nữa.

Thiếu nữ đánh cờ vây

Tác giả: Sơn Táp

Dịch giả: Tố Châu

NXB Văn Học
Giá bìa: 45.000
 
 
Tôi nhớ tới cô thiếu nữ với hai bím tóc dài còn chưa hết thơ ngây, cô thiếu nữ chơi cờ vây ở quảng trường Thiên Phong, cũng là cô thiếu nữ đã chết trên tay người mình yêu mà chưa từng biết tên anh.

Tôi nhớ tới người lính Nhật Bản và những vết sẹo của chiến tranh đã hằn sâu lên tim anh. Tôi nhớ Mẫn, nhớ Kinh, nhớ Đường, những thanh niên Trung Quốc sẵn sàng chết cho một lý tưởng. Tôi nhớ Minh, nhớ Lan, những cô geisha thực sự có ý muốn trao thân cho một người khách qua đường. Tôi nhớ cả đại úy Nakamura và câu chuyện tình với cô gái Trung Quốc bán bánh bao nhân thịt, cái cô gái mặc bộ đồ đỏ như một vệt lửa đi trên phố, cái cô gái đã chết chỉ vì một chiếc obi do người tình trao tặng...
 
 
Thế giới của “Thiếu nữ đánh cờ vây” quá nhiều rối ren, khốc liệt, quá nhiều đớn đau và nước mắt. Câu chuyện ấy cũng như một bàn cờ vây bạt ngàn những quân đen, quân trắng, với chiến tranh và cái chết, sòng phẳng lẫn bạo tàn. Cuộc sống chỉ tồn tại duy nhất quy luật thắng – thua đầy khắc nghiệt. Và mỗi nhân vật, mỗi con người trong ấy cũng chỉ tồn tại như một quân cờ đen, trắng. Họ bị thời đại xô đẩy vào thế trận, đặt ở đâu thì nằm ở đó. Ai ngoan cố vùng dậy sẽ bị thải loại.

Lạ một điều, trong cái bàn cờ cuộc sống đầy rối ren này lại tồn tại rất nhiều những câu chuyện tình. Mối tình tay ba kỳ lạ của thiếu nữ đánh cờ vây và hai chàng trai Kinh, Mẫn. Mối tình của người lính Nhật Bản và những cô geisha qua đường. Mối tình của đại úy Nakamura và cô gái Trung Hoa. Nhưng, đặc biệt nhất vẫn là mối tình của hai nhân vật chính – lại cũng là hai nhân vật duy nhất không hề được đặt tên: mối tình của thiếu nữ đánh cờ vây và người lính Nhật Bản.
 
 
Họ yêu nhau qua những ván cờ, họ hiểu nhau qua những nước đi. Họ chạm vào nhau nhờ những ngọn gió trên quảng trường Thiên Phong. Họ thèm muốn nhau, khao khát nhau bằng những xúc cảm bỏng cháy nhưng vô hình, những xúc cảm nén chặt trong tim, đớn đau, câm lặng.

Họ yêu nhau nhưng không thể chạm tới nhau, bởi đơn giản, họ chỉ là những quân cờ trong cuộc chơi số phận – hai quân cờ nằm ở hai chiến tuyến. Nàng quân đen, chàng quân trắng. Lần duy nhất trong đời họ được nằm cạnh nhau cũng là khi họ phải buộc lòng từ giã cõi đời. Khi nàng trong vai tù binh còn chàng trong vai đao phủ. Họ đã chọn cái chết để được ở bên nhau. Họ chọn cái chết để được cùng nhau tiếp tục những ván cờ nơi bên kia thế giới. Ở đó, biết đâu sẽ không có tiếng súng, không loạn lạc, không chém giết, không tra khảo, hành hình. Ở đó, họ nhất định sẽ yêu nhau đến trọn vẹn cõi đời. Và họ đã chết như thế, chết khi chưa kịp biết tên nhau...
 


Tôi đã khóc rất nhiều khi gấp cuốn sách lại. Một cuốn sách có quá nhiều tăm tối và đau đớn. Một cuốn sách mỏng, tưởng như chẳng đi sâu vào bất cứ điều gì nhưng lại nói được cả muôn điều.

Ở đó, tôi bắt gặp sự khốc liệt của chiến tranh. Sự khốc liệt không phải thể hiện ở những cái chết, những cuộc tra khảo, hành hình. Mà sự khốc liệt nằm trong khả năng hủy hoại của chiến tranh hằn in trong tâm tưởng con người. Chiến tranh có khả năng biến cả những con người lương thiện bình thường thành ác quỷ. Chiến tranh biến một thanh niên cứng rắn và kiên cường trở nên bất lực và hèn mọn. Chiến tranh biến một thiếu nữ đang phơi phới tuổi xuân trở nên điên loạn vì những tổn thất cay đắng trong cuộc đời.
 


“Sang Trung Quốc giúp tôi hiểu rõ hơn vinh quang và khốn cùng của người lính. Anh ta đi theo mệnh lệnh mà không biết mình sẽ đi đâu, chân hướng về đâu. anh chỉ là một quân cờ trong nhiều quân cờ khác. Anh sống, anh chết, vô danh, vì chiến thắng của Tất cả. Cờ vây biến tôi thành bộ tổng tham mưa điều khiển đám quân trong lạnh lùng tính toán. Quân đi. Nhiều quân cờ bị hy sinh trong vây hãm để phục vụ cho một chiến lược. Cái chết của quân cờ cũng giống như cái chết của đồng đội tôi.” – Đó chính là sự tàn bạo của chiến tranh. Khi mỗi con người chỉ như một quân cờ vô tri bị phó thác cho những cuộc tranh giành đấu đá quyền lực. Họ vẫn yêu, như một tiếng gọi khó cưỡng của bản năng. Nhưng cùng với tình yêu là một sự khẳng định đầy chua chát: “Mai đây chúng tôi sẽ trở thành cát bụi. Nào có ai bận tâm về mối tình của một người lính?”.

Trong thế giới của “Thiếu nữ đánh cờ vây”, người ta cũng bắt gặp một thế giới của những ham muốn tình dục đầy phong phú. Nhưng tình dục ở đây cũng chỉ như một chất xúc tác không quá nhiều khơi gợi. Cũng như tình yêu và đi liền với tình yêu, tình dục giúp những con người sống trong thế giới ấy ý thức được rằng mình đang sống. Tình dục, ở một khía cạnh nào đó để họ quên đi sự lụi tàn và héo mòn từng ngày của cuộc sống thật, và để nhắc họ rằng, trong họ vẫn có phần nào đó là Người, chứ không phải chỉ là những quân cờ núp bóng xác thịt.
 


Điều cuối cùng tôi muốn nói về “Thiếu nữ đánh cờ vây” là Sơn Táp viết đẹp quá! Sự lộng lẫy của ngôn từ hiện thân trong cả nỗi đau và cái thế giới u ám của đạn bom, khói lửa ấy. Nét đẹp phảng phất trong từng gương mặt người, từng nước cờ tài hoa tao nhã, đẹp trong cả tiếng thét tuyệt vọng khi bắt gặp đường cùng. Và phải chăng, cái đẹp và nỗi buồn vẫn cứ luôn song hành với nhau trong cuộc sống này?
Chia sẻ