"Thiên tài đầu tư" Warren Buffett chỉ ra lý do tại sao trẻ em nghèo dù có học đại học cũng không thể thoát cảnh nghèo khó
Thực sự rất khó để trẻ em gia đình nghèo có thể lội ngược dòng. Dù có học đại học thì rất có thể chúng vẫn sống trong cảnh nghèo khó vì trưởng thành muộn hơn.
Tỉ phú Warren Buffett cho biết: "Thực sự rất khó để trẻ em gia đình nghèo có thể lội ngược dòng. Dù có học đại học thì rất có thể chúng vẫn sống trong cảnh nghèo khó vì trưởng thành muộn hơn".
Người ta thường nói, con cái nhà nghèo luôn phải gánh vác gánh nặng gia đình từ rất sớm. Tuy nhiên, hầu hết những người được gọi là "trưởng thành sớm" này đều chỉ giới hạn trong việc học một số kỹ năng sinh tồn cơ bản như làm ruộng, nấu ăn và chăm sóc những đứa em của mình. Đồng thời, họ hiểu biết rất hạn chế về những quy luật vận hành sâu xa của xã hội và những phương thức giao tiếp phức tạp giữa các cá nhân.
Những đứa trẻ này thường không có cách nào để nhận được sự giúp đỡ tài chính từ gia đình. Điều tệ hơn là ngay cả sự hướng dẫn hiệu quả từ gia đình cũng là một điều xa xỉ đối với chúng. Nguyên nhân là do cha mẹ các em có thể bị hạn chế bởi tầm nhìn, tư duy và khả năng thích ứng của chính mình và đã phải vật lộn để tồn tại tầng lớp thấp trong xã hội suốt một thời gian dài. Kết quả là, ở những thời điểm quan trọng trong cuộc đời trẻ, lời khuyên của cha mẹ thậm chí có thể phản tác dụng.
Chăm chỉ chưa bao giờ là đủ
Bạn có thể cho rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ là có thể thay đổi vận mệnh của mình. Tuy nhiên, khi thực sự bước vào xã hội, bạn sẽ nhanh chóng nhận ra rằng, dù có cố gắng hết sức, cũng khó có thể thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, bởi khoảng cách này được xác định ngay từ điểm xuất phát.
Trong xã hội hiện thực này, những người không có lý lịch thì dù tài năng đến mấy cũng rất dễ bị người khác phớt lờ. Suy cho cùng, điều mọi người coi trọng hơn là giá trị của một người chứ không chỉ là tài năng của người đó. Ở đây, lý lịch thường trở thành yếu tố then chốt để đánh giá giá trị của một người.
Nếu có sự ủng hộ của cha mẹ thì chặng đường trong cuộc sống của bạn sẽ suôn sẻ hơn rất nhiều; nhưng nếu thiếu đi sự hỗ trợ của cha mẹ thì sẽ phải đi rất nhiều đoạn đường vòng. Cuối cùng khi bạn thoát ra khỏi những khúc quanh này, những người khác có thể đã phóng nhanh trên "đường cao tốc" bằng phẳng. Nếu bạn sinh ra trong gia đình nghèo túng, khi trưởng thành, bạn sẽ phải gánh vác trụ cột tài chính của gia đình, nhưng đối với những người khác, cả gia đình cùng nhau nỗ lực để tiến bộ. Bạn có thể không có đủ vốn liếng để mạnh dạn thử, mắc sai lầm và rút kinh nghiệm nhưng những người khác lại có đủ những tiềm lực để làm điều đó.
Warren Buffett từng chỉ ra rằng nhược điểm nổi bật nhất mà trẻ em gia đình nghèo phải đối mặt không phải là nền tảng tài chính yếu kém của gia đình mà là việc thiếu sự hướng dẫn trong quá trình trưởng thành khiến chúng thường bỏ lỡ những cơ hội lớn.
Những bậc cha mẹ xuất thân từ tầng lớp thấp trong xã hội thường không thể giáo dục tư tưởng chuyên sâu cho con cái do hạn chế về trình độ học vấn và tầm nhìn của bản thân, khó giúp con xác định rõ hướng đi của cuộc sống. Mô hình giáo dục của họ tương đối đơn giản, họ chỉ hoàn toàn mong đợi con mình tiến lên phía trước, nhưng rất khó để chỉ ra những cách thức, phương pháp cụ thể để con họ đạt được mục tiêu này. Vì vậy, trẻ em thường chỉ có thể tiếp tục khám phá và tự mình rút ra kinh nghiệm trên đường đời, thậm chí phải trả một cái giá cực kỳ đắt để từng chút một nhìn thấy được bộ mặt thực sự của xã hội.
Nguồn lực giáo dục được phân bổ không đồng đều
Đây chắc chắn là một hiện trạng xã hội đáng buồn và bất lực, đáng được mỗi chúng ta suy ngẫm sâu sắc. Sự phân bổ nguồn lực không đồng đều trong xã hội đã khiến những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn ngay từ đầu đã bị thua thiệt ngay từ vạch xuất phát. Nếu khoảng cách này không được quan tâm và cải thiện nghiêm túc thì sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng phân hoá giàu nghèo.
Giáo dục lẽ ra phải là vũ khí đắc lực để phá bỏ rào cản này, nhưng thực tế là ở một số vùng sâu vùng xa, nguồn lực giáo dục khan hiếm và chất lượng giáo dục mà trẻ em nhận được kém xa so với các bạn cùng trang lứa ở thành phố. Gia đình nghèo muốn truyền thụ kiến thức lại càng khó khăn hơn. Đồng thời, một số cơ chế tuyển dụng và tiêu chuẩn tuyển chọn nhân tài trong xã hội thường ưu ái một cách vô thức những nhóm có hoàn cảnh, nguồn lực, vô hình trung đặt ra ngưỡng cao hơn cho trẻ em sinh ra trong gia đình nghèo.
Để khắc phục tình trạng này, nhìn trên phương diện vĩ mô, cần tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực giáo dục, khắc phục tình trạng chênh lệch về giáo dục giữa các vùng miền, địa phương để đảm bảo mọi trẻ em đều được hưởng nền giáo dục công bằng và chất lượng cao. Nhà tuyển dụng cũng nên từ bỏ những tiêu chuẩn đo lường thông qua lý lịch mà đánh giá tài năng một cách thực sự dựa trên khả năng và tính cách, đồng thời tạo nhiều cơ hội hơn cho những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn thể hiện bản thân. Chỉ bằng cách này, nhiều trẻ em từ các gia đình nghèo có ước mơ mới có thể nhìn thấy hy vọng.