Thi vào lớp 10 trường công lập ở Hà Nội: Cân nhắc để tránh trượt oan

Hà Linh,
Chia sẻ

Học sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội cần lưu ý, dựa trên năng lực học, nghiên cứu kỹ điểm chuẩn hằng năm của các trường THPT để đăng ký nguyện vọng phù hợp, tránh bị trượt oan.

Theo kế hoạch của Hà Nội, ngày 13/5 tới, cơ sở giáo dục sẽ thu phiếu đăng ký dự tuyển vào lớp 10 THPT năm 2022-2023, sau đó hoàn thành cấp mã định danh và mật khẩu cho học sinh lớp 9. Ngày 23-26/5, học sinh xem danh sách dự tuyển tại các cơ sở giáo dục để kiểm tra thông tin cá nhân, nguyện vọng đăng ký, điểm ưu tiên… Thí sinh tự do xem thông tin tại phòng GD&ĐT, nơi nộp phiếu dự thi. Nếu có sai sót, đề nghị cơ sở giáo dục điều chỉnh kịp thời. Ngày 31/5, Sở GD&ĐT Hà Nội công bố số lượng học sinh dự tuyển vào từng trường THPT công lập. Ngày 13/6, học sinh sẽ nhận phiếu báo dự thi vào lớp 10.

Thi vào lớp 10 trường công lập ở Hà Nội: Cân nhắc để tránh trượt oan - Ảnh 1.

Học sinh lớp 9 ở Hà Nội chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 cam go, khốc liệt.

Đại diện Phòng quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) lưu ý thí sinh, phụ huynh, cần nắm đầy đủ thông tin về hướng dẫn đăng ký dự tuyển, lịch thi, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi… Toàn thành phố Hà Nội chia làm 12 khu vực tuyển sinh, mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng (NV) dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự NV1, NV2 và NV3. Trong đó NV1, NV2 thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV3 thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ.

Nếu học sinh chỉ đăng ký 1 NV vào 1 trường THPT công lập thì trường này có thể thuộc 1 khu vực tuyển sinh bất kỳ. Nếu học sinh chỉ đăng ký 2 NV vào 2 trường THPT công lập thì trong đó NV1 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, NV 2 thuộc khu vực tuyển sinh bất kỳ. Năm nay cũng là năm thứ 2, Hà Nội cho phép học sinh được đổi khu vực tuyển sinh nếu chỗ ở thực tế khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc các em ở khu vực giáp ranh. Tuy nhiên, học sinh muốn đổi khu vực tuyển sinh phải làm đơn (theo mẫu), nêu rõ lý do và được hiệu trưởng nhà trường xác nhận.

Bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân cho biết, để học sinh tránh trượt oan, thời điểm này, căn cứ vào kết quả kiểm tra, đánh giá quá trình học, giáo viên sẽ tư vấn cho các em lựa chọn nguyện vọng. Vì hơn ai hết, giáo viên là người nắm được năng lực học tập của học sinh. Có giáo viên cẩn thận còn lập bảng so sánh điểm chuẩn nhiều năm trở lại đây của các trường THPT để phụ huynh, học sinh so sánh, nghiên cứu. Sau khi học sinh đã lựa chọn, giáo viên rà soát lại một lần nữa để hạn chế các trường hợp chọn thấp quá hoặc cao quá để tư vấn thêm.

“Trên thực tế, nhiều phụ huynh chọn trường vừa tầm để con chắc suất đỗ nhưng cũng có tỉ lệ phụ huynh có mong muốn đăng ký nguyện vọng vào các trường tốp trên, vượt năng lực thực sự của học sinh. Nếu chọn nguyện vọng không đúng, các em dễ trượt oan. Tuy nhiên, giáo viên chỉ thực hiện vai trò tư vấn, quyết định thế nào vẫn là quyền của phụ huynh. Hằng năm, trường có khoảng 80% học sinh đỗ vào trường THPT công lập, 20% học sinh trượt là do năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu”, bà Hiền nói.

Các trường THPT “cân não” tính điểm chuẩn

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường THPT Kim Liên, quận Đống Đa cho biết hằng năm, trường phải có kế hoạch tuyển sinh chu đáo, đặc biệt tính toán điểm chuẩn chính xác vì giảm điểm chuẩn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các trường trong cụm.

Năm nay, toàn TP Hà Nội dự kiến có khoảng 129.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng khoảng 19.000 học sinh so với năm học 2020 - 2021). Tuy nhiên, chỉ khoảng 60% học sinh tốt nghiệp THCS có cơ hội vào lớp 10 công lập (khoảng 77.000 học sinh), số còn lại vào trường tư thục (khoảng 27.000 học sinh). Còn lại học sinh chuyển sang học nghề, Trung tâm GDTX…

Ông Nguyễn Văn Túc, Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính, quận Thanh Xuân cũng cho biết, khó khăn nhất đối với nhà trường trong tuyển sinh hằng năm chính là “cân não” xác định điểm chuẩn. Vì trong khu vực có khoảng 20 trường THPT ngoài công lập, do đó nhiều em trúng tuyển nhưng không nhập học dẫn đến sai số rất lớn. Ví dụ năm ngoái, trường phải gọi dư đến 300 em, cuối cùng thí sinh đến nhập học vừa đủ, không phải hạ điểm chuẩn.

Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường THCS tư vấn kịp thời, đầy đủ về kỳ thi tới cha mẹ học sinh đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Với vấn đề “nóng” có hiện tượng giáo viên tư vấn ép học sinh không thi tuyển lớp 10, đề nghị các phòng GD&ĐT chấn chỉnh, chấm dứt ngay tình trạng này (nếu có).

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý học sinh nghiên cứu kỹ, tận dụng cơ hội khi được đăng ký tối đa 3 NV dự tuyển vào 3 trường THPT công lập. Đáng nói, đối với NV3, Sở GD&ĐT Hà Nội không ràng buộc về khu vực tuyển sinh nhằm tăng thêm quyền lựa chọn và cơ hội trúng tuyển cho thí sinh.

Chia sẻ