Thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chỉ còn 4 môn: Học sinh giảm áp lực, xã hội đỡ tốn kém!

Theo Lao Động,
Chia sẻ

Chiều ngày 2.1, Bộ GDĐT công bố dự thảo về phương án thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014. Với mục tiêu đưa ra là đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, những đổi mới này có được xem là bước đột phá trong cải cách giáo dục.

Thi tốt nghiệp THPT năm 2014 chỉ còn 4 môn: Học sinh giảm áp lực, xã hội đỡ tốn kém! 1

Thi tốt nghiệp từ 6 môn xuống còn 4 môn

Một trong những nội dung được dư luận quan tâm là việc giảm số lượng môn thi tốt nghiệp THPT từ 6 môn như mọi năm xuống chỉ còn 4 môn trong năm 2014. Theo đó, toán và ngữ văn là hai môn thi bắt buộc, hai môn thi còn lại thí sinh sẽ được lựa chọn trong số các môn: Vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, lịch sử.

Môn ngoại ngữ không nằm trong số các môn bắt buộc cũng như tự chọn. Để khuyến khích những học sinh học tốt môn ngoại ngữ, học sinh có thể đăng ký thi môn này để được cộng thêm điểm vào điểm xét tuyển tốt nghiệp và kết quả xếp loại của môn này sẽ làm căn cứ để được cộng thêm điểm.

Ví dụ: Bài thi ngoại ngữ được 9 điểm trở lên được cộng 2 điểm; 7 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm... Về hình thức thi, về cơ bản sẽ không thay đổi so với mọi năm: thi tự luận với các môn toán, ngữ Văn, địa lý, lịch sử và thi trắc nghiệm với các môn vật lý, sinh học, hóa học. Riêng ngoại ngữ sẽ có hai phần trắc nghiệm và tự luận.

Ngoài ra, Bộ GDĐT còn dự kiến miễn thi tốt nghiệp cho các học sinh có kết quả học tập, rèn luyện tốt. Bộ sẽ xác định tỉ lệ miễn thi chung cho các Sở GDĐT, Cục Nhà trường - Bộ Quốc phòng. Tỉ lệ miễn thi chung tối đa năm 2014 là 20% và sẽ được linh hoạt điều chỉnh vào các năm tiếp theo.

Bộ GDĐT sẽ đưa ra những tiêu chí cơ bản cho học sinh được miễn thi, từ đó làm cơ sở cho các Sở GDĐT xây dựng tiêu chí miễn thi cho các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý. Dự thảo còn thu hút sự quan tâm dư luận khi dự kiến năm 2014 việc công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được tính dựa vào điểm bài thi tốt nghiệp THPT và điểm trung bình cả năm lớp 12 của học sinh.

Theo đó những thí sinh nằm ngoài diện miễn thi sẽ được tính điểm xét tốt nghiệp theo tỉ lệ điểm trung bình 4 bài thi cộng với điểm trung bình cả năm lớp 12 chia 2, cộng tiếp với tổng điểm khuyến khích (nếu có) chia 4. Đây là những thay đổi được dự kiến sẽ áp dụng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 và những năm tiếp theo. Dự thảo sắp tới sẽ được Bộ GDĐT đưa ra lấy ý kiến rộng rãi của dư luận.

Giảm áp lực, tốn kém

Trả lời báo chí về việc liệu việc thí sinh thi 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn có khiến học sinh học lệch không, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: ”Với cách học, cách thi hiện nay, thực tế học sinh vẫn học lệch khi thi theo các khối trong kỳ thi đại học. Về một mặt nào đó học lệch chính đáng vẫn thể hiện mặt tích cực, giúp phân hóa được năng lực học tập của các em học sinh”. Ông Hiển cũng nhấn mạnh, kết quả tốt nghiệp vẫn chú ý đến mặt bằng khi bao gồm cả điểm trung bình các môn trung bình lớp 12.

Về tỉ lệ 20% miễn thi tốt nghiệp năm 2014, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng lý giải cơ sở để chọn tỉ lệ này là nhằm lọc ra 20% gồm những học sinh ưu tú. ”Kinh nghiệm những năm trước thi tốt nghiệp là số khá giỏi lớn hơn 20%. Chúng ta miễn thi luôn vì biết những em này chắc chắn sẽ đỗ, sẽ giảm áp lực cho các em, giảm chi phí... 20% chỉ có thể lấy sót chứ không thể lấy nhầm” – ông Hiển khẳng định.

Thứ trưởng Hiển cho biết Bộ GDĐT sẽ nghiêng về phương án thi tốt nghiệp 4 môn (trong đó có 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn) Theo Thứ trưởng Hiển, nếu dư luận đồng tình ủng hộ thì phương án mới này sẽ được áp dụng ngay trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Vì thời gian từ nay đến tháng 6 còn khá dài, Bộ GDĐT, các sở GDĐT cũng như học sinh, phụ huynh có đủ thời gian để chuẩn bị áp dụng chương trình này.

PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội): “Ủng hộ cách làm của Bộ GDĐT!”. Từ trước tới nay, học sinh phải thi 3 môn bắt buộc, nay số lượng môn thi bắt buộc giảm xuống còn 2 môn và các em được tự chọn môn thi thay vì bộ lựa chọn như trước. Đây là những dấu hiệu rất đáng mừng, tôi ủng hộ cách làm này. Theo tôi, môn ngoại ngữ nên là môn tự chọn nhằm khuyến khích cơ chế cộng thêm điểm cho những em điểm cao, học tốt môn này. Tuy nhiên, với tỉ lệ miễn thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT cần nghiên cứu thật cụ thể về cách làm, tránh tình trạng các em học sinh học chưa tốt dựa vào chỉ tiêu 20% để chạy điểm, gây tiêu cực trong quá trình xét kết quả thi tốt nghiệp.

Chia sẻ