Một phụ nữ mang thai bị tai nạn lao động tại Khu công nghiệp Nam Sơn, Bắc Ninh
Một vụ tai nạn lao động xảy ra tại công trình xây dựng trong Khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) khiến người phụ nữ đang mang thai 7 tuần bị thương nặng, dập xương đùi, vỡ vụn xương chậu...
Tâm trạng đầy đau buồn, lo lắng, anh Đặng Văn Hưng xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du phản ánh tới phóng viên Báo Điện tử VOV, em dâu anh Hưng là chị Lê Thị Lương (41 tuổi, ở thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du) là lao động chân tay ngoài giờ thi công xây dựng tại khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Linh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Khoảng 20h tối ngày 31/7/2023, trong khi đang lao động tại công trường xây dựng, chị Lương bị tấm gỗ to trong lúc đang cẩu thì đứt cáp và rơi, đè vào người. Sau đó chị Lương được mọi xung quanh nhấc tấm gỗ ra và đưa đi cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, tiếp máu rồi chuyển viện đến Bệnh viện Việt Đức chờ mổ phẫu thuật.
"'Em dâu tôi được các bác sĩ chuẩn đoán bị chấn thương rất nặng, gãy dập nát xương chậu, gãy 3 xương sườn, xương đùi và xương cổ chân bên phải cũng bị gãy làm mấy đoạn và phải tiếp máu liên tục để theo dõi. Nếu tình trạng sức khỏe em tôi cho phép thì các bác sĩ sẽ tiến hành mổ. Theo các bác sĩ thì em tôi không thể giữ lại được thai nhi trong bụng."- anh Hưng đau buồn cho biết thêm.
Theo anh Hưng, gia đình chị Lương có hoàn cảnh rất khó khăn, được chính quyền địa phương chứng nhận là hộ nghèo. Chồng của chị Lương đang phải điều trị suy thận hơn 3 năm nay, Lương là lao động chính trong gia đình vừa phải lo ăn học cho 4 con nhỏ vừa phải lo việc chữa chạy thận cho chồng.
"Do hoàn cảnh rất khó khăn nên sau khi hoàn thành các công việc chính thì em tôi phải đi làm, nhưng không may xảy ra vụ tai nạn lao động thương tâm. Ngay sáng hôm sau vụ tai nạn xảy ra, tôi có đến hiện trường để kiểm tra lại sự việc nhưng bị người của công ty cản lại không cho vào công trường. Trong khi đó thì toàn bộ máy móc, trang thiết bị thi công công trình liên quan đến vụ tai nạn đã được di chuyển đi nơi khác mà không có sự chứng kiến của chính quyền địa phương hay ngành chức năng giám sát hay có biên bản ghi lại sự việc. Do em tôi không được ký hợp đồng lao động nên phía gia đình cũng rất lo lắng về trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động.
Phía gia đình tôi cũng không nhận được sự hỗ trợ tài chính nào từ phía nhà thầu xây dựng nên đang phải đi vay lãi ngoài để đóng lệ phí viện cho em tôi. Chỉ có đại diện người sử dụng lao động nói là giữ lại giấy tờ viện phí rồi sau này sẽ thanh toán cho."- anh Hưng nghẹn ngào cho biết.
Trước sự việc trên, trả lời phóng viên, anh Trịnh Văn Cường, Chỉ huy trưởng công trình xây dựng thừa nhận có vụ tai nạn lao động xảy ra tại công trường và đã cử người đi cùng nạn nhân đến bệnh viện cấp cứu.
"Chắc chắn là chúng tôi có hợp đồng lao động với các lao động và có đào tạo an toàn lao động mới cho vào làm việc. Đồng thời yêu cầu người tổ trưởng sử dụng lao động phải có trách nhiệm với người bị tai nạn."- ông Cường nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hoằng, Chủ tịch UBND phường Nam Sơn, TP Bắc Ninh cho biết chính quyền địa phương không nhận được báo cáo về vụ tai nạn lao động trên nên không nắm được sự việc.
Ông Nguyễn Hoàng Mạnh, Chánh Thanh tra Sở Lao động- Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh cho biết, hiện đơn vị chưa nhận được báo cáo về vụ tai nạn lao động trên. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin từ báo chí thì đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra xem người sử dụng lao động và người lao động có mối quan hệ như thế nào? Tình hình khi xảy ra sự việc thì đơn vị nhà thầu cũng như phía doanh nghiệp đã có biện pháp xử lý thể hiện đúng trách nhiệm hay chưa?
"Đối với vụ việc tai nạn lao động có một người bị thương như sự việc này thì trách nhiệm của chủ sử dụng lao động phải tổ chức điều tra theo hướng dẫn của Nghị định 39. Trong vòng 3 ngày, trên cơ sở điều tra đấy khi có kết luận và gửi báo cáo về cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương, đồng thời lấy kết quả điều tra đó làm căn cứ để xem xét giải quyết chế độ tai nạn lao động theo Luật bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp lao động đã làm việc trên một tháng thì phía đơn vị sử dụng lao động phải có hợp đồng lao động."- ông Mạnh cho biết thêm.