Thi cấp 3 nóng hơn cả thi ĐH, phụ huynh đứng ngồi không yên còn học sinh cần ngay 4 cách "chữa lành" này
Mùa thi cử đang đến cận kề, điều này cũng vô tình gây nên một áp lực lớn đối với nhiều học sinh bởi số lượng kiến thức “khổng lồ”.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày nay, cụm từ “kỳ thi” gợi lên nhiều căng thẳng và lo lắng. Theo khảo sát NCERT, có khoảng 80% học sinh lo lắng về kỳ thi và các vấn đề liên quan đến kết quả. Mặc dù áp lực trong kỳ thi là một hiện tượng xảy ra toàn cầu nhưng nó đã tác động lớn đến học sinh trên tất cả các hệ thống giáo dục.
Một số học sinh cho rằng, căng thẳng có thể tạo động lực, trong khi số khác lại cho biết nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe thể chất, dẫn đến tình trạng mất ngủ, sụt cân... Hơn nữa, sự lo lắng quá mức cũng tác động đến sức khỏe tinh thần, gây ra các vấn đề xã hội và hành vi, cũng như các thói quen không lành mạnh.
Vậy, đâu sẽ là giải pháp để “chữa lành” cho người học trước những áp lực này:
Giao tiếp cởi mở và tích cực
Sự lo lắng có thể dẫn đến những hành vi khó đoán ở học sinh, khiến phụ huynh không thể hiểu được những suy nghĩ của con mình. Chính vì vậy, cần có sự bình tĩnh và tích cực từ phụ huynh, giáo viên trong việc giao tiếp, bất kể kết quả hay điểm số sẽ không đáp ứng được sự kỳ vọng ban đầu.
Bên cạnh đó, cần có sự đồng hành từ gia đình trong việc giúp con mình hiểu rằng kết quả thi không quyết định giá trị hay thành công trong tương lai của chúng. Khuyến khích việc học sẽ tập trung vào nỗ lực của trẻ chứ không phải kết quả để giảm bớt căng thẳng và lo lắng liên quan đến kỳ thi.
Tránh việc so sánh
Nhiều phụ huynh vẫn giữ tâm lý so sánh con mình với hình mẫu “con nhà người ta” khiến nhiều học sinh trở thành đối tượng của các vấn đề về tâm lý, đặc biệt là gia tăng cảm giác tự ti và mất động lực để cố gắng. Việc liên tục so sánh này cũng vô tình khiến trẻ ngày càng lo lắng và nghi ngờ chính mình.
Phụ huynh và giáo viên cần hiểu mỗi học sinh đều có những điểm mạnh và điểm yếu riêng, tất nhiên không ai giống ai. Thay vào đó, hãy tập trung trong việc cải thiện tình hình học tập và sự tiếp thu của trẻ, học cả những điều chưa hoàn thiện và chưa đúng trong quá khứ.
Duy trì các thói quen lành mạnh
Việc duy trì thói quen quen lành mạnh hàng ngày có thể làm giảm đáng kể căng thẳng và thúc đẩy cảm giác “bình thường” ở trẻ trước mỗi kỳ thi. Để kiểm soát sự lo lắng về kết quả thi, trẻ nên duy trì chế độ ăn uống cân bằng và tham gia các hoạt động thể chất như tập thể dục hoặc các sở thích giúp giải phóng endorphin và cải thiện tâm trạng.
Ngoài ra, các kỹ thuật thư giãn như thở sâu hoặc thiền có thể giúp xoa dịu tâm trí và giảm bớt căng thẳng. Điều này cũng có sự ủng hộ, cũng như đồng hành của gia đình, bố mẹ, thay vì bắt buộc con phải liên tục tập trung vào việc ôn luyện, học tập trong suốt thời gian dài.
Hạn chế những suy nghĩ tiêu cực
Bố mẹ và giáo viên có thể giúp trẻ đối phó với căng thẳng bằng việc tránh những suy đoán không cần thiết về tương lai, đặc biệt hướng chuyện “ngày mai” đến những điều tiêu cực. Thay vì tập trung “overthinking”, hãy thay chúng bằng những lời khẳng định tích cực và thừa nhận sự cố gắng của trẻ.
Bên cạnh đó, cần giáo dục học sinh nên tìm kiếm đến những sự hỗ trợ từ xung quanh. Việc kìm nén căng thẳng và lo lắng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý. Nhận trợ giúp chuyên môn, bạn bè và người thân yêu là một bước quan trọng trong việc giải quyết tác động của kỳ thi đối với sức khỏe tinh thần.