Nơi người trẻ phải có "cớ" mới chịu đẻ, rất thích con trẻ nhưng không muốn sinh
'Câu hỏi đặt ra là tại sao tôi cần có con? Và nếu không thể trả lời câu hỏi đó, tôi không nghĩ việc sinh con là lựa chọn đúng đắn của mình', một người phụ nữ nói.
Đất nước Nhật Bản đang phải đối mặt với vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tương lai của cả quốc gia. Đó là tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp kỷ lục. Phụ nữ Nhật Bản đang dần "ngại" kết hôn và cũng chẳng muốn sinh con. Vì nhiều lý do...
Tuy nhiên, không chỉ riêng Nhật Bản, mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng gặp phải vấn đề tương tự - người trẻ không muốn sinh con.
Yêu trẻ nhưng không muốn đẻ
Khi còn hẹn hò với bạn trai (sau này là chồng), Michelle Lim đã tính đến chuyện sinh con sau khi cả hai về chung một nhà. Đó rõ ràng là bước đi tiếp theo hiển nhiên và hợp lý để xây dựng tổ ấm. “Tôi đã nghĩ đến việc có con sau 2-3 năm kết hôn. Đó là kế hoạch ban đầu của tôi”, người phụ nữ 32 tuổi nói với hãng tin Channel News Asia (CNA). “Tôi nghĩ điều đó là hiển nhiên, cho đến khi cá nhân tôi bắt đầu cảm thấy hơi khó chịu. Và tôi bắt đầu đặt câu hỏi, việc có con có thực sự cần thiết như vậy không?”.
Thời gian trôi đi và sự nghiệp thăng tiến, Lim cùng chồng quyết định đợi thêm 5 năm nữa mới sinh con - mốc thời gian mà họ đã thảo luận trước đó trong một khóa học chuẩn bị kết hôn.
“Tôi nghĩ vào thời điểm đó tôi đã biết… anh ấy cũng không quá quan tâm đến con trẻ”, Lim nói.
Cặp đôi dư giả về tài chính và tin rằng họ có đủ khả năng để có tới 2 đứa con. Nhưng họ lo lắng về những điều chưa biết và trở ngại trong con đường thăng tiến nếu có con.
Cô nói: “Đó là một câu hỏi lớn 'nếu như' và tôi nghĩ chúng tôi không muốn mạo hiểm khi có con, mặc dù chúng tôi hy sinh cái gọi là niềm vui và sự hài lòng vô hạn trong việc nuôi dạy con cái".
Đến nay, sau gần 10 năm chung sống, cặp đôi vẫn nhất trí về việc không sinh con.
“Sẽ tồi tệ hơn nếu bạn sinh con ra và không thể dành 100% sức lực của mình để nuôi dạy đứa trẻ đó”, Lim nói, đồng thời chỉ ra những trường hợp trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi. “Cả hai chúng tôi đều không thực sự muốn điều đó. Tôi thấy điều đó rất dễ xảy ra nếu chúng tôi có con vì con đường sự nghiệp và lối sống của chúng tôi. Như vậy sẽ thiệt thòi cho đứa trẻ".
Lim là đại diện cho thế hệ người trẻ ở đảo quốc sư tử Singapore đang ngày càng "lười sinh con" ngay cả khi những người lớn tuổi - và các chính trị gia - tiếp tục thúc giục các cặp vợ chồng thực hiện “nghĩa vụ” của họ.
"Để làm gì?", là câu trả lời mà Candice Wang đưa ra, khi bị bạn bè hoặc người thân chất vấn về lập trường kiên định của cô ấy đối với việc sinh con. Ngay sau đó, cô sẽ đưa ra một loạt các lập luận đã được soạn sẵn.
Khi còn là một thiếu niên vào những năm 2000, cô đã hình dung ra cuộc hôn nhân ở độ tuổi ngoài 20, sau đó là khả năng có 1, hoặc thậm chí 2 đứa con. “Hồi đó, khi tôi muốn có con, tôi không đặt câu hỏi “tại sao”… Đơn giản là vì tôi chỉ làm theo những gì mọi người nói”, cô Wang nói.
Wang, năm nay 27 tuổi, vẫn độc thân, dù đã có vài ba lần cô gắng tìm kiếm bạn đời trên các ứng dụng hẹn hò. “Không phải là tôi không thích trẻ con. Tôi rất thích trẻ con”, cô nói.
Wang cho biết thêm, các bậc cha mẹ cũng phải xem xét cách họ muốn nuôi dạy con cái trong một xã hội ngày càng nhiều cạnh tranh khốc liệt. “Một số người nói rằng 'chỉ cần hạnh phúc là có thể' nhưng trong thế giới này, tôi nghĩ bạn không thể… Bạn cần tham vọng hơn một chút để tồn tại”.
Những con số bất ngờ
Một cuộc khảo sát năm 2021 do Ban Nhân tài và Dân số Quốc gia (NPTD) - trực thuộc Nhóm Chiến lược tại Văn phòng Thủ tướng Singapore - thực hiện cho thấy 92% người đã kết hôn muốn có 2 con trở lên. Nhưng trên thực tế, khoảng một nửa trong số họ, hay 51%, có một con hoặc không có con.
Đối với nhóm độc thân, đa số 77% cho biết họ muốn có con. Vậy là, tất cả mới chỉ dừng lại ở chữ "muốn". Còn thực tế hoàn toàn khác.
Trong một cuộc thăm dò của YouGov (công ty phân tích dữ liệu và nghiên cứu thị trường dựa trên Internet quốc tế, có trụ sở tại Anh) vào tháng 3 năm nay, 25% trong số 1.023 người được hỏi từ 18 đến trên 55 tuổi nói rằng - giống như cô Lim và Wang - họ không có con và cũng không muốn có con trong tương lai.
Các chỉ số nhân khẩu học tiêu chuẩn cũng cho thấy dấu hiệu cảnh báo. Tổng tỷ suất sinh (là ước tính số con trung bình mà một phụ nữ có trong những năm ở độ tuổi sinh nở - từ 15 đến 49) của cư dân Singapore đạt mức thấp nhất mọi thời đại là 1,05 vào năm 2022, giảm xuống dưới mức kỷ lục trước đó là 1,1 vào năm 2020 và 1,12 vào năm 2021 – cách xa mức sinh thay thế 2,1 cần đạt được.
Mức sinh thay thế là mức sinh mà trung bình một phụ nữ trong toàn bộ cuộc đời sinh đẻ của mình sinh đủ số con gái để thay thế mình thực hiện chức năng sinh đẻ, duy trì nòi giống.
Giống như một số quốc gia phát triển khác, tổng tỷ suất sinh của Singapore đã giảm trong nhiều năm, trong khi tuổi thọ ngày càng tăng. Tuổi thọ bình quân tính từ lúc sinh hiện nay đã tăng lên hơn 83 tuổi, tăng từ 72 tuổi vào năm 1980. Khoảng 1/4 công dân Singapore sẽ ở độ tuổi từ 65 tuổi trở lên vào năm 2030.
Các quốc gia như Hàn Quốc - hiện có tổng tỷ suất sinh thấp nhất thế giới ở mức 0,78 - cũng đang phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng của tỷ lệ sinh giảm và dân số già. Tại Nhật Bản, một trợ lý của Thủ tướng Fumio Kishida cảnh báo rằng đất nước sẽ “biến mất” nếu tình hình không được cải thiện.
Trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp với CNA, một trong những quan chức chính phủ cấp cao nhất của Singapore được giao nhiệm vụ giám sát vấn đề này đã nói một cách chắc chắn: “Chúng ta sẽ không bao giờ đạt được mức sinh thay thế”.
Tuy nhiên, khoảng 40% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của YouGov ở độ tuổi dưới 35 cho biết họ không quan tâm đến hậu quả của việc Singapore có tỷ lệ sinh thấp, trong khi 18% số người được hỏi từ 35 tuổi trở lên có cùng quan điểm.
Chính phủ Singapore đã nói rằng họ sẽ cần chào đón những người nhập cư trở thành công dân nhập tịch hoặc là một phần của lực lượng lao động tạm thời. Bà Khoo nói: “Với cấu trúc của xã hội hiện nay, đó là điều không thể tránh khỏi. Chúng tôi hầu như đã chấp nhận nó… Tôi có thể nói rằng xu hướng chung (về tỷ lệ sinh đang giảm dần) là rất khó đảo ngược".
Tại sao người Singapore không muốn sinh con?
Ngoài cuộc khảo sát của YouGov, phóng viên CNA đã nói chuyện với 20 người - cả độc thân và đã kết hôn. Họ đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau.
Hầu hết mọi người đều nhắc đến các yếu tố thực tế như chi phí nuôi con, bất kể ý kiến của họ là gì. Điều này phù hợp với những gì mà cả cuộc khảo sát của YouGov và NPTD đã phát hiện ra: Sự an toàn về tài chính và những lo ngại về khả năng chi trả là những cân nhắc quan trọng nhất khi quyết định có con hay không.
Nhưng những người khác cũng nhấn mạnh những lý do như: lo lắng về tình hình thế giới và xã hội Singapore; thiếu mong muốn làm cha mẹ; và miễn cưỡng thay đổi lối sống vì lợi ích của trẻ em.
Nhà xã hội học Tan Poh Lin, người nghiên cứu về tỷ lệ sinh của Singapore, cho biết có 3 khía cạnh khiến mọi người quyết định có con hay không:
- Trẻ em đóng góp như thế nào vào hạnh phúc gia đình từ góc độ kinh tế.
- Giá trị tình cảm của việc có con.
- Ảnh hưởng của vai trò làm cha mẹ đối với địa vị xã hội.
Trợ lý giáo sư tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) cho biết thêm: "Nếu bạn nhìn từ cả 3 khía cạnh, thì giá trị của việc (có) con cái đã thực sự giảm sút".
Đối với Marsiat Jahan, việc xây dựng một gia đình với những đứa trẻ vẫn nằm trong kế hoạch – nhưng chỉ sau khi đạt được thu nhập ổn định và một nơi để ở. Cô gái 27 tuổi đang gây dựng sự nghiệp của mình trong khi vị hôn phu của cô hiện đang sống ở Qatar để quản lý công việc kinh doanh. Anh hy vọng sẽ cùng cô sang Singapore định cư.
Jahan cho biết: "Chi phí sinh hoạt ở Singapore rất cao, vì vậy việc có con là không khả thi nếu chỉ có thu nhập của cha hoặc mẹ. Nếu bạn muốn mang lại một tương lai tốt đẹp cho con mình. Bạn phải bắt đầu với một số vốn".
Cô vẫn muốn trở thành một bà mẹ nội trợ nhưng lo lắng rằng mình sẽ bị áp lực do những chi phí lớn liên quan đến việc nuôi dạy con cái. "Sau đó, tôi sẽ phải đối mặt với sự căng thẳng của một công việc toàn thời gian, sự căng thẳng của việc làm mẹ, sự căng thẳng của việc chăm sóc con cái và mọi thứ… Điều đó sẽ khiến tôi càng muốn trì hoãn việc có con hơn".
Các nhà chức trách Singapore đã cố gắng khuyến khích sinh sản bằng một loạt các biện pháp hỗ trợ hôn nhân và làm cha mẹ cho các cặp đôi.
Trong kế hoạch Ngân sách tháng 2/2023, chính phủ đã tăng khoản trợ cấp tiền mặt "Tiền thưởng cho Trẻ sơ sinh" (Baby Bonus) thêm 3.000 đô la Singapore (hơn 52 triệu đồng) và điều chỉnh lịch thanh toán trợ cấp 6 tháng một lần, đều đặn cho đến khi đứa trẻ tròn 6 tuổi rưỡi.
Về lĩnh vực nhà ở, các khoản trợ cấp dành cho các gia đình lần đầu tiên mua căn hộ để bán lại đã được huy động lên tới 30.000 đô la Singapore (hơn 520 triệu đồng); trong khi các cặp vợ chồng trẻ đã kết hôn được trao thêm suất mua nhà.
Chính sách "Baby Bonus" đóng một vai trò trong quyết định kết hôn của nhà trị liệu thẩm mỹ Thessa Young khi cô vẫn còn là sinh viên. Cô và bạn trai lỡ "dính" bầu khi chưa học xong.
"Chúng tôi phải bỏ học, vì vậy chúng tôi gặp khó khăn về tài chính. Chúng tôi dự định kết hôn vì tiền thưởng Baby Bonus để trang trải chi phí trong thời gian này", cô nói.
Hiện đã ly hôn và được toàn quyền nuôi con gái, người phụ nữ 31 tuổi nhận tiền cấp dưỡng từ chồng cũ và cố gắng hết sức để cho đứa trẻ - hiện đang học tiểu học.
"Thường thì tôi sẽ chỉ chi tiêu cho con gái, còn tôi phải kiềm chế mua cho bản thân để tránh rơi vào nợ nần", cô Young nói và cho biết thêm rằng cô đã đăng ký thành công mua một căn hộ đứng tên cô và con gái.
"Tôi nghĩ bây giờ tôi là một người tốt hơn", Young nói. Cô từng là người vô tư lự, ham chơi đến mức không về nhà nhiều ngày liền. Mặc dù ban đầu việc thay đổi lối sống rất khó khăn, nhưng với tư cách là một bà mẹ trẻ, Young quá bận rộn nên không nhận ra rằng mình đã thay đổi cách sống vì con gái.
Young cười khúc khích nói: "Trước đây con bé đã hỏi tôi tại sao tôi lại sinh ra nó. Tôi không biết phải trả lời như thế nào".