Những con số giật mình cho thấy giá trị gia đình của người Á Đông đang thay đổi: Kết hôn sinh con hay phụng dưỡng bố mẹ đều không còn là bắt buộc

CHI CHI,
Chia sẻ

Hơn một nửa phụ nữ Hàn Quốc cho biết kết hôn và sinh con không phải là một phần thiết yếu trong cuộc sống của họ.

Không còn coi hôn nhân là “bắt buộc” 

Ở Á Đông, quan niệm truyền thống luôn đề cao giá trị và tầm quan trọng của gia đình. Tuy nhiên, những quan điểm của thế hệ trẻ về gia đình giờ đây dường như đang thay đổi dần dần. 

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Nghiên cứu Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc được công bố ngày 27/2, chỉ có 4% phụ nữ được hỏi cho biết kết hôn và sinh con là "bắt buộc", trong khi 12,9% nam giới trả lời như vậy.

Cuộc khảo sát tiến hành trên 281 đàn ông và phụ nữ độc thân trong độ tuổi từ 20 đến 34, với tỷ lệ phụ nữ tham gia là 45%.

Những con số giật mình cho thấy giá trị gia đình của người Á Đông đang thay đổi: Kết hôn sinh con hay phụng dưỡng bố mẹ đều không còn là bắt buộc - Ảnh 1.

Những kỳ vọng về vai trò giới tính truyền thống trong xã hội Hàn Quốc đã dần thay đổi (ảnh minh hoạ)

Ở đất nước tỷ dân Trung Quốc, năm 2022 đã chứng kiến tỷ lệ kết hôn và sinh con thấp kỷ lục. Trước đó, chỉ trong 6 năm, số người Trung Quốc kết hôn lần đầu đã giảm 41%, từ 23,8 triệu năm 2013 xuống còn 13,9 triệu năm 2019, theo dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố. Sang năm 2022, con số này tiếp tục giảm xuống chỉ còn 11,6 triệu. Dù chính quyền Trung Quốc đã nỗ lực tạo ra nhiều chính sách khuyến khích sinh đẻ nhưng trước mắt chưa đủ hấp dẫn để giới trẻ “chịu” kết hôn, sinh con. 

Những con số giật mình cho thấy giá trị gia đình của người Á Đông đang thay đổi: Kết hôn sinh con hay phụng dưỡng bố mẹ đều không còn là bắt buộc - Ảnh 2.

(Ảnh minh hoạ)

Nghiên cứu cho rằng tầm quan trọng của hôn nhân và sinh con dường như có liên quan đến nhận thức của người trả lời về xã hội Hàn Quốc.

Những người được hỏi đánh giá cao chất lượng cuộc sống và xã hội của họ có xu hướng nghĩ rằng hôn nhân và sinh con là "quan trọng", nghiên cứu cho biết trong phần phân tích cuộc khảo sát. Điều này ngụ ý rằng những người có niềm tin xã hội cao, tin rằng cộng đồng họ sống có khả năng cung cấp nhiều cơ hội và bình đẳng hơn có xu hướng coi hôn nhân và sinh con là những lựa chọn hấp dẫn.

Cả Nhật Bản và Hàn Quốc - 2 đất nước phát triển ở khu vực Á Đông đều đã phải “đau đầu” đối mặt với tình hình dân số già hóa. Các viện dưỡng lão ngày càng mọc lên nhiều thay thế nhà trẻ. Và đất nước đông dân nhất thế giới Trung Quốc cũng đang đi theo sau trong “cuộc đua” không ai mong muốn này. 

Những con số giật mình cho thấy giá trị gia đình của người Á Đông đang thay đổi: Kết hôn sinh con hay phụng dưỡng bố mẹ đều không còn là bắt buộc - Ảnh 2.

Nguyên nhân khiến thế hệ trẻ không kết hôn khá đa dạng. Bên cạnh yếu tố xã hội cạnh tranh, tài chính để nuôi dạy con cái đắt đỏ thì yếu tố tư tưởng thay đổi cũng góp phần quan trọng. Người trẻ hiện có nhiều lựa chọn hơn bố mẹ, ông bà mình khi xã hội ngày càng có nhiều người không kết hôn sinh con, giảm bớt tư tưởng truyền thống “đóng khung” cuộc đời rằng một người phải bắt buộc lập gia đình mới gọi là “trọn vẹn”.

Ngay cả quan điểm về việc phụng dưỡng bố mẹ cũng thay đổi

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng ngày càng ít người trẻ Hàn Quốc, bao gồm cả phụ nữ và đàn ông coi việc phụng dưỡng cha mẹ là nghĩa vụ bắt buộc.

Theo một cuộc khảo sát do Viện Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc thực hiện trên tổng số 7.865 hộ gia đình từ tháng 3 đến tháng 7 năm 2022, khoảng 21% số người được hỏi cho rằng con cái nên sống với cha mẹ và chăm sóc họ, giảm mạnh so với tỷ lệ 52,6% của 15 năm trước. 

Sự xuất hiện và phát triển của các cơ sở viện dưỡng lão trong những năm qua cũng phản ánh xu hướng này. Trước đây, người cao tuổi đều mặc định sẽ chung sống và được con cái, họ hàng chăm sóc. Ngày nay, họ có thêm lựa chọn sống trong viện dưỡng lão hoặc tự mình sống độc lập nếu vẫn đủ sức khỏe. 

Những con số giật mình cho thấy giá trị gia đình của người Á Đông đang thay đổi: Kết hôn sinh con hay phụng dưỡng bố mẹ đều không còn là bắt buộc - Ảnh 3.

Số người được khảo sát đồng ý với nhận định “người mẹ nên ở nhà chăm sóc trẻ nhỏ” cũng giảm dần trong 15 năm qua. Tỷ lệ người được hỏi cho rằng các bà mẹ nên ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con cái của họ là 64,7% trong cuộc khảo sát năm 2007, nhưng giảm xuống còn 39,6% vào năm 2022.

Nếu như trước đây, việc chăm sóc, hỗ trợ người già và trẻ em được coi là nghĩa vụ của gia đình thì hiện nay, ngày càng có nhiều người coi xã hội và nhà nước mới là bên có trách nhiệm chăm sóc những nhóm người này.

Chia sẻ