Thế hệ "sinh ra từ vạch đích" của Hàn Quốc: Rich kid ngày một nhiều, khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rộng
Xét trong độ tuổi 20, khoảng cách tài chính giữa thanh niên nghèo và thanh niên giàu Hàn Quốc đang là 320 triệu won (tương đương 6 tỷ đồng).
Và yếu tố quyết định sự chênh lệch này không nằm ở trình độ học vấn hay nghề nghiệp, mà hoàn toàn do chuyển giao tài sản.
Giàu nhờ cha, sang nhờ mẹ
Hàn Quốc là một trong các quốc gia có sự chênh lệch giàu nghèo trầm trọng nhất thế giới. Theo số liệu từ Thống kê Hàn Quốc, khoảng cách tài chính trong độ tuổi 20 - 30 đã liên tục gia tăng và ngày càng kéo giãn hơn.
Thanh niên giàu Hàn Quốc đang nhiều hơn thanh niên nghèo 846 triệu won (tương đương 16,3 tỷ đồng)
Vào năm 2019, chênh lệch tài chính trung bình giữa giới trẻ giàu và giới trẻ nghèo Hàn Quốc là 776 triệu won (tương đương 14,9 tỷ đồng). Sang năm 2020, con số này tăng lên 846 triệu won (tương đương 16,3 tỷ đồng).
Xét riêng trong độ tuổi 20, chênh lệch tài chính trung bình giữa giới trẻ giàu và giới trẻ nghèo Hàn Quốc thấp hơn, rơi vào 320 triệu won (tương đương 6,12 tỷ đồng). Chênh lệch thu nhập giữa tuổi 20 giàu và tuổi 20 nghèo cũng tương đối lớn, trung bình 31 triệu won (tương đương 596 triệu đồng).
Có điều, so với chênh lệch thu nhập thì xuất thân mới chính là nhân tố quyết định khoảng cách tài chính giữa giới trẻ Hàn Quốc. Các "thìa vàng" nghiễm nhiên thừa kế hoặc được cha mẹ thượng lưu chuyển giao tài sản, bất động sản.
Cũng theo báo cáo từ Thống kê Hàn Quốc, trong năm vừa qua, tổng giá trị tài sản mà giới trẻ giàu đứng tên sở hữu đã tăng 8,8%, lên 874 triệu won (tương đương 16,8 tỷ đồng). Cùng thì, ở giới trẻ nghèo chỉ tăng 2,6%, lên 25 triệu won (tương đương 481 triệu đồng).
"Con vua" thì trợ cấp thôi việc cũng 5 tỷ won
Cuối tháng 9/2021, toàn Hàn Quốc chấn động vì tin tức Kwak Byeong-chae (32 tuổi), con trai của chính trị gia quyền lực Kwak Sang-do (61 tuổi) rời khỏi công ty Hwacheon Daeyu, sau bê bối Dự án Phát triển Phường Daejang. Cái khiến họ bàng hoàng không phải chuyện nghỉ việc của Byeong-chae, mà là ưu đãi thôi việc "khủng" không tưởng: 5 tỷ won (tương đương 96,23 tỷ đồng).
Con trai của chính trị gia Kwak Sang-do gây sốc nặng với tiền thôi việc 5 tỷ won
"Tháng 6 năm ngoái, tôi đã tái ký hợp đồng với Hwacheon Daeyu, với mức lương 500 triệu won/năm (tương đương 9,6 tỷ đồng) bao gồm cả trợ cấp thôi việc," - Byeong-chae giải thích. "Sau khi khấu trừ thuế, tôi chỉ còn 2,8 tỷ won (tương đương 53,8 tỷ đồng), và số tiền này đã được chuyển vào tài khoản vào ngày 30/4/2021".
Cũng theo tiết lộ từ Byeong-chae, anh gia nhập Hwacheon Daeyu từ tháng 6/2015, với mức lương chưa trừ thuế thu nhập cá nhân là 2,33 triệu won/tháng (tương đương 45 triệu đồng). Tháng 2 năm 2018, mức lương của Byeong-chae tăng lên 3,33 triệu won/tháng (tương đương 64 triệu đồng) và từ tháng 9/2018 - 1/2020 thì là 3,83 triệu won (tương đương 74 triệu đồng).
Người giới thiệu Byeong-chae vào Hwacheon Daeyu chính là Sang-do. Byeong-chae bắt đầu từ vị trí trợ lý giám đốc bộ phận lương thưởng.
Thế hệ phụ thuộc vào của cải cha mẹ
Cuối năm 2020, Hàn Quốc báo cáo thu nhập trung bình là 37,91 triệu won/người (tương đương 729,6 triệu đồng). Xét ra, mức lương mà Hwacheon Daeyu trả cho Byeong-chae trong khoảng 2015 - 2020 không có gì đặc biệt.
Mọi chuyện chỉ trở nên bất thường khi Byeong-chae đột ngột được chuyển hợp đồng sang mức lương 500 triệu won, đẩy trợ cấp thôi việc lên đến tận 5 tỷ won. "Công nhân viên bình thường, cho dù có bị thiệt mạng hoặc tàn tật nặng do tai nạn lao động, cũng không thể mơ tới số tiền 5 tỷ won," - 1 tài khoản ẩn danh chia sẻ sự bức xúc trên mạng xã hội Blind.
Thanh niên nghèo Hàn Quốc ít có cơ hội đổi đời
"Tôi cảm thấy mình thật bất hạnh, vì đã không được sinh ra trong gia cảnh bề thế, giàu sang tột bậc như thế," - một người khác ngán ngẩm.
Đầu tháng 10/2021, Viện Seoul báo cáo kết quả khảo sát 676 công dân thủ đô tuổi từ 18 - 34. Họ cho thấy, 53% chỉ có thể mua nhà ở dưới sự trợ giúp tài chính từ cha mẹ. Trên toàn quốc, con số này là 44%. Chưa hết, 44% còn dựa dẫm toàn bộ vào tiền của cha mẹ (trên toàn quốc là 34,3%). Nó cho thấy, sự phụ thuộc nghiêm trọng của giới trẻ Hàn Quốc vào mẹ cha.
Cũng trong số 676 người tham gia khảo sát của Viện Seoul, 15% từ bỏ mơ mộng mua nhà riêng và hầu hết đều vì cha mẹ nghèo. Trên cả nước, con số này là 10,9%.
Không ít thanh niên Hàn Quốc oán trách số phận vì không được "xuất thân từ vạch đích"
Hàn Quốc có luật thừa kế, đánh thuế cao tài sản được kế thừa. Tuy nhiên, giới thượng lưu luôn tránh né bằng cách chuyển giao tài sản, bất động sản cho con cái qua hoạt động mua bán. Trên mặt pháp lý, họ là người bán còn con cái là người mua, sang tên đổi chủ hợp pháp. Có điều, tiền của người mua đều do người bán cấp.
Sau bê bối tiền thôi việc 5 tỷ của Byeong-chae, Hàn Quốc thực hiện một cuộc điều tra quy mô lớn chưa từng có. Họ nhắm vào 446 đối tượng "thìa vàng" từ 30 tuổi trở xuống có khả năng là tội phạm gian lận tài chính, trốn thuế bằng cách mua lại bất động sản gia đình bằng tiền của cha mẹ.
"Đã đến lúc kết thúc cái gọi là ‘kỷ nguyên vạch đích’ ở đất nước này," - Kim Hoe-jae, thành viên của Đảng Dân chủ hiện đang cầm quyền Hàn Quốc lên tiếng. "Khoảng cách giàu nghèo giữa giới trẻ Hàn Quốc không phải do chênh lệch thu nhập, mà là do sự chuyển giao của cải. Nó không công bằng và chúng ta nên có các biện pháp mạnh, giải quyết dứt điểm".
Tham khảo The Investor