Thế giới mang thai hộ ngầm ở Trung Quốc: Với giá gần 3 tỷ đồng, khách hàng sẽ có một đứa con khỏe mạnh "bao thành công, bao giới tính"
Vốn dĩ việc mang thai hộ trong nước ở Trung Quốc là không được phép, tuy nhiên với nhu cầu và lợi ích đã vô tình góp phần tạo nên một ngành công nghiệp ngầm như thế này.
“Một ca thay thận, hai ca bệnh tim bẩm sinh, ba ca sinh non”, Trần Hạo, người điều hành một công ty mang thai đang thống kê những “sản phẩm thất bại” trong số hơn 100 đứa trẻ được tạo ra bởi công ty mang thai hộ vào năm ngoái. Trước đó, công ty của họ đã phải đối mặt với một bệnh nhi bị rách hậu môn thiếu một quả thận.
Sự ra đời của những đứa trẻ này đồng nghĩa với việc giao dịch thất bại. Khách hàng sẽ không nhận những đứa trẻ này và sẽ không trả số tiền còn lại. Vốn dĩ việc mang thai hộ trong nước là không được phép, tuy nhiên với nhu cầu và lợi ích đã vô tình góp phần tạo nên một ngành công nghiệp ngầm như thế này.
Chuỗi ngành công nghiệp mang thai hộ bao gồm khách hàng, công ty mang thai hộ, người hiến trứng, người mẹ mang thai hộ, bác sĩ theo dõi hoạt động mang thai và bệnh viện cấp giấy khai sinh.
Trong ngành công nghiệp này, đứa trẻ là “hàng hóa” được sản xuất, bạn có thể lựa chọn được giới tính, sinh một lần hoặc sinh nhiều lần, nếu có khiếm khuyết thì có thể bị bỏ rơi. Những hành vi mang thai hộ thương mại ngầm này đã thách thức trật tự sinh đẻ truyền thống và đạo đức làm người.
Vào cuối tháng 8/2020, The Paper đã đến thăm một số công ty mang thai hộ thương mại ở Quảng Châu, Thâm Quyến và những nơi khác. Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, nên việc tìm kiếm mang thai hộ ở nước ngoài đã bị chặn, và ngành trong nước bắt đầu nổi lên.
Các công ty mang thai hộ trong nước đã nhận thấy được nhu cầu lớn của khách hàng, lượng đơn đặt hàng cũng tăng lên đáng kể, các khoản phí như bồi thường cho người hiến trứng (được gọi là “chị đại” trong ngành) và hoa hồng cho các bà mẹ mang thai hộ cũng tăng lên.
Thậm chí có những công ty mang thai hộ trước đó đang bị điều tra, họ cũng thay đổi địa điểm để trở lại công việc kinh doanh cũ.
Đằng sau những hứa hẹn về “hợp đồng thành công” của những người trung gian này là sự hỗn loạn và rủi ro về đạo đức và pháp lý như “tráo trứng”, phi sinh học, che giấu bệnh tật của thai nhi, khuyết tật sinh tồn.
Những lợi ích đằng sau việc “bao thành công, bao giới tính”
Tại phòng 911, lô D phía Đông tòa nhà Galaxy World, ở quận Long Hoa, thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, Tiết Úy đang vuốt màn hình điện thoại di động và xem các nhóm làm việc trên WeChat cũng như những người người gửi tin nhắn riêng cho anh ta.
Trong số những tin nhắn đó, đa số là tin nhắn của những khách hàng hỏi anh ta ý kiến về việc mang thai hộ. Thông thường, khi có khách hàng có nhu cầu, họ sẽ tạo một nhóm chat bao gồm Tiết Úy, nhân viên hậu cần, bác sĩ,... sẽ chịu trách nhiệm giải quyết từng vấn đề trong việc mang thai hộ.
Tiết Úy, người có kinh nghiệm 12 năm trong việc cung cấp dịch vụ mang thai hộ cho các bệnh viện sinh sản ở nước ngoài và các khách hàng có nhu cầu ở trong nước.
Kể từ khi thành lập vào năm 2008, công ty của Tiết Úy đã phục vụ hơn 8000 gia đình và sinh thành công hơn 10.000 trẻ sơ sinh khỏe mạnh. Sau khi trao đổi cụ thể, Tiết Úy thừa nhận hầu hết các công ty trung gian mang thai hộ ở nước ngoài đều “treo đầu dê bán thịt chó” và phạm vi kinh doanh của họ cũng rất ảo, bởi lẽ đa số các ca mang thai hộ đều được thực hiện ở Trung Quốc. Do năm nay có dịch bệnh nên những người dự định mang thai hộ ở nước ngoài đều chuyển sang thị trường Trung Quốc.
“Bao giới tính, bao thành công”, đó là thỏa thuận của Tiết Úy khi chào mời các khách hàng có nhu cầu mang thai hộ. Anh ta đưa ra hai gói 580.000 NDT (hơn 1,9 tỷ đồng) và 880.000 NDT (hơn 2,9 tỷ đồng), cả hai gói này đều hứa hẹn khách hàng sẽ có một đứa con trai khỏe mạnh trong vòng 2 năm.
Trước đây, giá thành rẻ hơn, khoảng 300.000 NDT (hơn 1 tỷ đồng), và nếu việc mang thai hộ không thành công thì sẽ phải trả thêm phí để bắt đầu lại quá trình mang thai hộ. Mang thai hộ ra đời do sự phát triển và ứng dụng của công nghệ hỗ trợ sinh sản. Và trong nhiều trường hợp, nó được so sánh trực tiếp với việc “vay con qua bụng”.
Theo những người trong ngành, mang thai hộ có thể chia thành 3 loại:
Một, tinh trùng và trứng được cung cấp bởi người có nhu cầu, chuyển phôi được thực hiện sau khi thụ tinh trong ống nghiệm, sử dụng tử cung của người mẹ mang thai hộ
Hai, chỉ có tinh trùng đến từ người có nhu cầu, trứng được cung cấp bởi người hiến trứng, việc thụ thai được thực hiện bởi một người mẹ đại diện.
Ba, chỉ có trứng được cung cấp từ người có nhu cầu, sau khi thực hiện thụ tinh nhân tạo dị hợp với tinh trùng của bên thứ 3, việc thụ thai được thực hiện bởi một người mẹ đại diện.
Loại khách hàng thường lựa chọn chính là loại thứ 2, khách hàng cung cấp tinh trùng khỏe mạnh, công ty mang thai hộ tìm nguồn trứng, nuôi cấy phôi và cấy vào người mẹ được chọn để mang thai, sau cùng là đạt mục đích “vay con qua bụng”.
Mang thai hộ trong nước về cơ bản là áp dụng phương pháp chẩn đoán và sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGD/ PGS), dùng để chỉ kỹ thuật phân tích di truyền của giao tử hoặc phôi dựa trên công nghệ thụ tinh trong ống nghiệm, để phát hiện xem có khiếm khuyết về gen hay không và chọn phôi không có bất thường để cấy vào tử cung.
Hỗn loạn trong thế giới mang thai hộ ngầm
Đa số những người đứng đầu một số công ty mang thai hộ đều ngần ngại khi đề cập đến những “rủi ro” có thể phát sinh trong quá trình mang thai hộ, họ chỉ nói rằng không có sự an toàn tuyệt đối.
Theo một người trong ngành, bản thân ngành công nghiệp mang thai hộ là một ngành công nghiệp ngầm, và rất khó để các công ty mang thai hộ xác thực và minh bạch 100%. Trong đó, phổ biến nhất là nạn lừa đảo khách hàng, chủ yếu ở hai khía cạnh đó là tráo trứng và che giấu bệnh tật của trẻ sơ sinh.
Một số công ty trung gian mang thai hộ cho biết, khi họ phát hiện vấn đề sức khỏe trong quá trình mang thai hộ, để tránh thiệt hại, họ sẽ giấu nhẹm tình trạng bệnh tật của đứa trẻ hoặc cung cấp đầy đủ báo cáo sức khỏe. Một vài tuần hoặc vài tháng sau khi khách hàng nhận được con, một số bệnh sẽ xuất hiện, nhưng lúc này công ty mang thai hộ sẽ không nhận trách nhiệm.
Trong trường hợp xảy ra tranh chấp, hợp đồng hoặc thỏa thuận được ký kết giữa công ty mang thai hộ và khách hàng sẽ bị coi là vô hiệu do vi phạm pháp luật hiện hành và trật tự công cộng cũng như thuần phong mỹ tục, và khách hàng chính là bên chịu thiệt thòi. Nhưng cũng có lúc công ty cũng gặp phải chịu những rủi ro.
Trần Hào tiết lộ rằng công ty của anh đã thực hiện gần 100 ca mang thai hộ vào năm ngoái, một trong số những đứa trẻ sinh ra, có một đứa bị thay thận, hai đứa bệnh tim bẩm sinh và ba đứa trẻ sinh non. Trước đó, họ cũng từng có một bệnh nhi bị rách hậu môn và thiếu một quả thận.
Khi được hỏi, liệu khách hàng sẽ như thế nào nếu như một đứa con mà họ mong chờ không được khỏe mạnh, và phía công ty phải sắp xếp thế nào nếu giao dịch thất bại. Trần Hạo im lặng và từ chối trả lời thêm.
(Nguồn: The Paper)