Thế giới chống gian lận trong học tập thế nào?
Sau dịch Covid-19, tình trạng gian lận trong các trường đại học tại Anh, Mỹ hay Australia càng trở nên phổ biến.
Câu hỏi đặt ra hiện nay là làm thế nào để xử lý các sai phạm một cách thỏa đáng?
Bình thường hóa gian lận
Tại Australia, khi sinh viên đi dạo trong khuôn viên trường đại học, họ có thể bắt gặp những tờ quảng cáo ở khắp mọi nơi từ nhà vệ sinh, khu vực ăn uống đến các không gian sinh hoạt chung hay cột điện báo.
Tất cả tờ bướm đều có nội dung hỗ trợ làm bài tập về nhà hoặc dạy kèm. Các thông tin trên còn lan truyền trên các mạng xã hội phổ biến với người trẻ như Facebook hay Instagram, thậm chí trong mục thư rác của email.
Tuy nhiên, chỉ một số ít trong những dịch vụ này thực sự là giúp đỡ sinh viên trong học tập. Đa phần, những trung tâm đứng sau quảng cáo sẽ trực tiếp làm bài thay sinh viên nếu sinh viên đồng ý thoả thuận. Hoạt động này còn tên gọi khác là gian lận hợp đồng.
Gian lận hợp đồng là khi có một bên thứ ba làm bài tập thay cho sinh viên. Đó có thể là một gia sư chuyên viết bài luận, một dịch vụ trực tuyến giúp giải quyết những câu khó trong bài kiểm tra hoặc toàn bộ. Thậm chí, sinh viên có thể thuê người khác học hộ, thi hộ và lấy bằng hộ.
Là Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học New South Wales, Australia (UNSW), chị Nayonika Bhattacharya nhận xét những quảng cáo gian lận như vậy có mặt ở khắp mọi nơi. Nó thậm chí còn phổ biến hơn với sinh viên năm nhất.
“Bạn sẽ gặp rất nhiều sự trùng hợp. Ví dụ, nhiều người giả vờ vô tình biết bạn đang tham gia một khóa học và gặp khó khăn khi làm bài tập. Họ lại tình cờ biết và giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ học tập liên quan đến khóa học đó”, chị Bhattacharya cho biết.
Dù vấn đề gian lận trong các trường đại học Australia không mới nhưng sau dịch Covid-19, dịch vụ gian lận đã phát triển với quy mô toàn cầu. Từ năm 2021, Cơ quan Tiêu chuẩn và Chất lượng Giáo dục đại học Australia (Teqsa) đã chặn quyền truy cập vào 152 trang web thương mại bị nghi ngờ là tạo điều kiện cho sinh viên gian lận.
Các chuyên gia cũng cảnh báo xu hướng bình thường hóa việc mua bán bài luận từ những trang web gian lận thương mại. Ngay cả tại kỳ thi tốt nghiệp trung học ở Australia, các báo cáo về gian lận đã tăng 25%.
GS Cath Ellis, nhà nghiên cứu về gian lận học tập tại UNSW cho biết luôn có 6 - 10% sinh viên gian lận trong học tập. Hành vi này xuất hiện từ cuối những năm 1960. Các nhà nghiên cứu hoài nghi rằng, liệu xu hướng bùng nổ hiện nay xuất phát bởi sự gia tăng trường hợp gian lận hay khả năng phát hiện gian lận được cải thiện.
Dù thế nào, dịch Covid-19 cũng là một trong những chất xúc tác khiến hành vi này ngày càng phổ biến. Học trực tuyến đã gia tăng hình thức kiểm tra trực tuyến, tăng mức độ không hài lòng về các khóa học, các vấn đề sức khoẻ tinh thần lẫn tài chính... Những điều này thúc đẩy việc gian lận.
Theo Bhattacharya, mọi sinh viên đều biết gian lận là xấu nhưng họ chưa nhận thức rõ ràng gian lận là gì và bao gồm những hành vi nào, đặc biệt là trong dịch Covid-19.
“Sự xáo trộn và gián đoạn do chuyển sang học trực tuyến khiến nhiều sinh viên không hiểu rõ việc làm bài kiểm tra cùng người khác có cấu thành hành vi gian lận hay không, hoặc việc tìm kiếm câu trả lời trên một trang web có phải là gian lận hợp đồng hay không”, nữ sinh này phân tích.
Vấn đề chung của nhiều nền giáo dục
Trong một cuộc khảo sát của Trường Đại học Curtin, Australia vào năm 2020, gần 70% sinh viên sợ bị trường đại học phát hiện gian lận đến mức họ “thà bị tống tiền còn hơn”.
Từ khoảng 10 năm trước, việc gian lận hợp đồng đã có sự thay đổi lớn trong cách thức hoạt động. Giao dịch quốc tế trở nên dễ dàng hơn thông qua các hệ thống như PayPal, lĩnh vực phần mềm dưới dạng dịch vụ bùng nổ, từ đó thúc đẩy hoạt động thuê gian lận từ nước ngoài như Kenya, Ấn Độ, Philippines...
GS Ellis nhận định: “Gian lận là ngành công nghiệp quy mô lớn, phức tạp và chuyên nghiệp. Nó đang phục vụ thị trường sinh viên khổng lồ, dù đáng lẽ sinh viên nên cảm thấy thất vọng và lo lắng khi tình trạng gian lận diễn ra phổ biến”.
Tương tự Australia, Mỹ cũng cảnh báo về tình trạng sinh viên gian lận hợp đồng gia tăng với sự hỗ trợ từ Kenya. Theo đó, thanh niên Kenya muốn kiếm thêm thu nhập đã giúp đỡ sinh viên Mỹ gian lận thông qua các trang web hỗ trợ học tập trực tuyến, từ đó, tạo nên ngành công nghiệp gian lận trị giá hàng tỷ USD cho Kenya.
Sinh viên Mỹ thường sẽ ký hợp đồng với một “gia sư” người Kenya, sau đó người này sẽ giao lại nhiệm vụ làm bài tập, viết luận, thậm chí là bài cuối khóa, cho cấp dưới. Sinh viên thuê làm bài tập thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau từ Lịch sử, Kỹ thuật đến Y học. Phạm vi gian lận cũng rất rộng, từ các trường cao đẳng đến các trường đại học lớn.
Với mỗi bài tập thuê, sinh viên phải trả từ 20 - 50 USD/trang viết thuê và ký hợp đồng gian lận. Người làm trung gian nhận mức hoa hồng lên đến 75% và ký hợp đồng phụ, chia công việc cho những người làm thuê khác. Mỗi người có thể nhận ít nhất 5 USD/trang.
Những hình thức gian lận này là bất hợp pháp ở 17 bang tại Mỹ, nhưng nó không nằm trong luật pháp liên bang nên rất hiếm trường hợp sinh viên bị tố cáo và bị phạt. Bộ Giáo dục Mỹ cho biết, họ không được phép kiểm soát các vấn đề liên quan đến chương trình giảng dạy hoặc chính sách học thuật của các cơ sở giáo dục.
GS David Rettinger, Trường Đại học Mary Washington, Mỹ, chia sẻ: “Tình trạng gian lận tại các trường đại học, cao đẳng ngày càng nghiêm trọng. Gian lận dẫn đến băng hoại xã hội vì sản sinh ra đội ngũ chuyên gia không có năng lực trong lĩnh vực họ làm việc”.
Còn tại Anh, theo thống kê từ năm 2018, cứ 7 sinh viên thì có một sinh viên trả tiền cho bên thứ ba để viết bài luận thay họ. Trong năm 2021, khi các trường chuyển sang dạy trực tuyến, số lượng yêu cầu hỗ trợ làm bài tập về nhà trên một trang web gian lận đã tăng 196%.
Tuy nhiên, câu chuyện gian lận không kết thúc khi đối tượng gian lận bị phát hiện. Điều gì sẽ xảy ra khi người gian lận bị bắt? Nếu các trường đại học là môi trường học tập và xây dựng sự liêm chính, việc kỷ luật có thể thực hiện cả hai điều này? Quy trình xử lý gian lận nào sẽ hiệu quả? Liệu có thể khoan dung với những trường hợp này?
Học hỏi từ sai lầm
Tại Anh, chính phủ thông báo sẽ ban hành luật cấm việc viết luận thay sinh viên nhưng không rõ tính hiệu quả của hành động này do hầu hết các trang web thuê viết luận đều có trụ sở ở nước ngoài và hoạt động ngoài phạm vi xử lý của Vương quốc Anh.
Hơn nữa, cách làm này được đánh giá là phù hợp với cách giải quyết vấn đề bằng trừng phạt thay vì giải quyết từ nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Gian lận là xấu nhưng nó đã, đang và sẽ xảy ra. Do đó, sẽ hiệu quả hơn nếu đánh giá được lý do tại sao sinh viên lại muốn gian lận.
Từ giữa năm 2019 đến năm 2021, số sinh viên bị bắt quả tang gian lận tại UNSW đã tăng từ 1.116 lên 2.551 người. Các trường hợp gian lận hợp đồng từ năm 2020 đến năm 2021 đã tăng 162%. GS George Williams, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trước năm 2019, những sinh viên bị nghi ngờ gian lận sẽ nhận được lá thư cảnh cáo. Sinh viên có thể bị đưa ra tòa và đối mặt với án tù.
“Theo quy trình, đầu tiên, nhà trường sẽ sinh viên một lá thư cảnh cáo dài trong đó, sinh viên nằm ở thế bị động. Trong thế phòng thủ, họ thường đấu tranh để bác bỏ cáo buộc dù họ biết mình đã làm sai”, GS George nói.
Kể từ năm 2019, UNSW đã triển khai hoạt động Courageous Conversations (tạm dịch: Đối thoại can đảm), chương trình dựa trên các nguyên tắc tư pháp phục hồi. Những người hướng dẫn được đào tạo đặc biệt sẽ trò chuyện trực tiếp với sinh viên gian lận.
Các câu hỏi xoay quanh vấn đề như lý do sinh viên gian lận, tác động của hành vi này đối với bản thân sinh viên và những người xung quanh cũng như hoàn cảnh dẫn đến gian lận.
Tuy nhiên, các hình phạt vẫn được áp dụng. Sinh viên có thể bị điểm 0, bị đánh trượt môn hoặc thậm chí là đuổi học. Nhưng các cuộc thảo luận vẫn mang ý nghĩa lớn. Theo ông George, hoạt động Courageous Conversations được thiết kế để giáo dục sinh viên rằng mọi người đều mắc sai lầm. Nhưng nếu học hỏi từ sai lầm, các em vẫn có khả năng làm lại.
“Đôi khi những người phạm sai lầm và học hỏi từ nó là những người chính trực nhất”, ông George bày tỏ.
Theo đánh giá của UNSW, tác động của Courageous Conversations là rất lớn. Thông thường, 2 trong 3 sinh viên đối thoại sẽ nhận lỗi ngay lập tức. Thời gian trung bình để xử lý các trường hợp gian lận đã giảm từ 69 xuống 25 ngày.
Đáng chú ý, qua các cuộc đối thoại, nhà trường đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hành vi gian lận và những sinh viên có vấn đề về sức khoẻ tinh thần hoặc khó khăn tài chính. Dự án đã hướng sinh viên tìm đến các dịch vụ tài chính hoặc chăm sóc sức khoẻ tinh thần. Nhìn chung, Courageous Conversations vừa giải quyết gốc rễ vấn đề vừa xử lý thỏa đáng các trường hợp gian lận.
Đồng tình với cách làm việc của Courageous Conversations, chị Bhattacharya cũng bày tỏ ủng hộ hoạt động trên. Nữ sinh nhận định cách làm này xóa bỏ định kiến rằng việc bị trường đại học kỷ luật sẽ huỷ hoại toàn bộ cuộc đời của sinh viên.
Nỗi sợ kỷ luật là có thật. Dù chưa có thống kê cụ thể, nhiều lo ngại rằng các trung tâm gian lận hợp đồng sẽ tống tiền hoặc đe dọa tố cáo hành vi gian lận của sinh viên nếu họ không trả thêm tiền. GS Ellis cho biết có giả thuyết rằng đối với một trung tâm gian lận hợp đồng, doanh thu từ việc tống tiền thậm chí còn cao hơn doanh thu từ việc gian lận.
Khi các nền giáo dục vật lộn với việc ngăn chặn hành vi gian lận, mọi sự chú ý đổ dồn về UNSW và Courageous Conversations. Hoạt động này mới đây được đưa ra chia sẻ và thảo luận về tính khả thi tại Hạ viện Vương quốc Anh. Từ năm 2022, Trường Đại học Galway, Ireland, đã thành lập một hoạt động tương tự, được cho là lấy cảm hứng từ UNSW.
Cũng theo Phó Hiệu trưởng UNSW, George Williasm, cho biết nhà trường đang thảo luận với các tổ chức giáo dục khác về việc nhân rộng mô hình. Điều này đặt ra niềm tin việc xử lý các hành vi gian lận, nhất là gian lận hợp đồng, sẽ ngày một mang lại hiệu quả tích cực trên toàn cầu.