Thay vì "hội chứng sợ bỏ lỡ", nhiều dân văn phòng đang sợ cảm giác buồn vì bị bỏ lại giữa tập thể

Bích Loan,
Chia sẻ

Không phải sợ bỏ lỡ, đúng hơn là dân văn phòng sợ cảm giác "không thuộc về".

Hội chứng FOMO (Fear of missing out - Hội chứng sợ bỏ lỡ) là một khái niệm về mặt tâm lý khá quen thuộc với dân văn phòng cũng như người trẻ. Mọi người thường có tâm lý nhìn về đám đông, chạy theo những gì người ta làm được, những thông tin người ta biết được... vì sợ mình bị bỏ lỡ hay thua kém. Phóng chiếu trong môi trường công sở, dân văn phòng cũng có sự so sánh ngầm với đồng nghiệp, với hội chứng FOMO, nên mới có thi đua cạnh tranh lành mạnh.

Thế nhưng trong một podcast gần đây, Trainer & Coach - Thạc sĩ Lương Ngọc Tiên đã chia sẻ thực ra cái đầu tiên mà mọi người cảm thấy ở cuộc sống quá nhanh của hiện tại không phải là FOMO mà là SOMO - Sad of missing out (cảm giác buồn khi bỏ lỡ), ví dụ khi ai đó đi chơi không rủ mình, mình khoan sợ, mà mình bị buồn vì mình cảm thấy giống như mình "không được thuộc về".

Thay vì "hội chứng sợ bỏ lỡ", nhiều dân văn phòng đang sợ cảm giác buồn vì bị bỏ lại giữa tập thể - Ảnh 1.

Chị Thanh Ngân

Có nhiều dân văn phòng thừa nhận về cảm giác SOMO này, như chị Thanh Ngân - nhân viên kế toán chia sẻ: "Thực chất mình luôn có mặt trong các cuộc nói chuyện nhóm dù đôi khi dở tay vì công việc, tan làm có mệt nhưng vẫn muốn đi chơi cùng đồng nghiệp... không hẳn vì mình sợ bỏ lỡ những cuộc vui phía trước, kích thích mình phải nắm bắt mọi hoạt động cùng đồng nghiệp... mà thực chất nếu mình không có mặt, mình sẽ cảm thấy khó chịu, buồn khi bị "tách lẻ" trong nội bộ."

Anh Đăng Nguyễn, 24 tuổi, làm việc tại một công ty truyền thông TP.HCM cũng bộc bạch: "Gần đây mình phát hiện những người đồng nghiệp mình chơi thân thiết trong công ty có một nhóm chat riêng không có mình, và đợt Tết vừa rồi, họ có rủ nhau đi du lịch miền Tây mà mình không hề hay biết. Thật sự lúc phát hiện mình vô cùng buồn, không phải bởi vì mình sợ không biết thông tin hay drama nào được bàn luận trong nhóm chat, bỏ lỡ điều gì vui vẻ trong chuyến đi, mà mình cảm thấy mình bị bỏ lại."

Không "hoà nhập" không hẳn là câu chuyện buồn

Mặt tiêu cực của hội chứng FOMO thì ai cũng thấy, các diễn biến cảm xúc như áp lực, tự ti... sẽ đẩy mọi người chạy theo đám đông nhiều hơn, mà không đếm tới các giá trị bên trong bản thân đang cần nuôi dưỡng. SOMO tương tự, cảm giác buồn bã sẽ khiến mọi người "một mình" trong tâm thế tiêu cực, nếu dân văn phòng không hoà vào đám đông mọi lúc, họ sẽ cho rằng mình bị cô lập và sợ câu chuyện ở một mình.

Thay vì "hội chứng sợ bỏ lỡ", nhiều dân văn phòng đang sợ cảm giác buồn vì bị bỏ lại giữa tập thể - Ảnh 2.

Chị Uyên Nhi

Thế nhưng, câu chuyện để bản thân ở một mình có rất nhiều mặt tích cực và cần thiết, nhất là trong cuộc sống chạy theo số đông hiện nay.

"Đôi khi mình thấy có những cuộc vui không rủ mình lại hay, vừa lúc mình cũng không muốn đi lắm nhưng lại câu nệ việc từ chối. Thay vì tan làm đi nhậu cùng đồng nghiệp, mình về nhà ăn uống lành mạnh và đến phòng tập, vừa tránh nạp thực phẩm có hại vừa rèn luyện sức khoẻ bản thân." - Chị Uyên Nhi, hiện đang làm sản xuất nội dung chương trình chia sẻ.

Anh Cường Nguyễn nói thêm: "Mỗi người có những cá tính khác biệt, mối quan tâm riêng, nên không phải lúc nào nhập hội chung trong bất kì vấn đề gì mới là hay. Hồi mới đi làm, mình cũng hay bị buồn vì không sở hữu những thứ giống mọi người, những thứ mọi người biết, mọi người làm được sao mình không làm được. Bây giờ mình tỉnh táo hơn, hiếm khi để bản thân bị cuốn theo FOMO, nên SOMO tất nhiên cũng không thường gặp."

Làm thế nào để tránh cảm giác SOMO?

Cảm giác SOMO hiện hữu nhiều chính vì áp lực phấn đấu làm việc, áp lực đang sống trong một cuộc sống rất nhanh, từ buồn bã đến lo sợ rằng nếu ngưng kết nối với mọi người, mình sẽ bị bỏ lại so với xung quanh, nên dân văn phòng không để ý - thực chất bản thân có thể nghỉ ngơi tốt nếu tận dụng tình huống "một mình" mà đồng nghiệp đem lại.

Một số giải pháp được tổng hợp để dân văn phòng tránh cảm giác SOMO trong môi trường công sở:

- Đưa ra các kế hoạch sử dụng thời gian rảnh của mình như tập thể dục nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, trò chuyện với bố mẹ, hẹn gặp những người quen thân thiết đã lâu ngày chưa hỏi thăm...

- Phân tán suy nghĩ, sự tập trung về vấn đề mà bản thân đang buồn bã vì sợ bỏ lỡ bằng cách đọc sách, xem phim, nghe podcast...

- Tập trung để bản thân nghỉ dưỡng bằng cách thả lỏng cơ thể, không làm gì cả, ngưng sử dụng điện thoại, ngồi thiền hoặc có chuyến nghỉ dưỡng, ra ngoài và yên lặng để quan sát nhiều hơn.

- Tìm kiếm các mối quan hệ thật sự, thân thuộc để bày tỏ, sẻ chia và giải toả cảm giác cô đơn, lạc lõng.

Thay vì "hội chứng sợ bỏ lỡ", nhiều dân văn phòng đang sợ cảm giác buồn vì bị bỏ lại giữa tập thể - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ - nguồn: pexels

Chia sẻ