Thấy mẹ mải mê cày phim và ngắm diễn viên Hàn, 2 con trai buông lời "cà khịa" khiến bố cười sung sướng còn mẹ giận tím người
Đừng tưởng cứ con trai là sẽ bênh mẹ nhé. Mẹ cứ mải mê theo đuổi những mối tình vu vơ trong phim Hàn Quốc thế này thì con trai sẵn sàng ra tay cảnh cáo thay cho bố.
Dàn diễn viên tuyệt sắc, lời nói và hành động đốn tim, tình tiết hấp dẫn, khung cảnh lãng mạn... đó là những lý do khiến cho phim Hàn Quốc luôn khiến chị em phát cuồng từ trước đến nay. Tuy nhiên, khi còn trẻ thì niềm đam mê "trai đẹp" sẽ không bị ai kiểm soát nhưng đã có chồng có con thì các mẹ sẽ không được thoải mái, thậm chí phải dè chừng.
Câu chuyện của chị Phan Thúy Thảo, sống tại Hà Nội là một ví dụ. Không phải bị chồng ghen tuông, khó chịu mà chị bị chính 2 cậu con trai (12 tuổi và 8 tuổi) can thiệp vào niềm đam mê của mình. Những câu chuyện nhỏ chị Thảo kể ra khiến ai cũng cười chảy nước mắt vì 2 cậu nhóc đáng yêu.
Chuyện là thời gian gần đây chị Thảo đắm chìm với những bộ phim của diễn viên Huyn Bin đóng. "Tình yêu" với nam diễn viên này của chị Thảo bắt đầu từ phim "Hạ cánh nơi anh" và bây giờ là "Thế giới họ đang sống". Chị Thảo kể:
"Sau khi chứng kiến mẹ cày hết 16 tập phim, 2 con trai đã thở dài cà khịa:
- 16 tập phim, là 16 tiếng đồng hồ đấy! Sao mẹ không dùng thời gian đấy mà làm việc gì cho nó có tri thức, cứ cày phim vớ vẩn thế này!
- Mẹ còn kêu điện thoại đầy dung lượng nữa không? Điện thoại toàn ảnh trai Hàn, bảo sao không đầy bộ nhớ!
Ối làng nước ơi! Tình địch của Hyun Bin còn không mở miệng câu nào, mà 2 ông con 12 tuổi và 8 tuổi rưỡi thi nhau nói tôi?
Kiếp cày phim như tôi nào có sung sướng gì đâu. Mùa Covid, lẽ ra vua thời gian, nhưng chỉ cuối tuần tôi mới dám công khai xem giữa ban ngày. Còn lại cứ phải rình sau 12h đêm, khi chúng nó ngủ say rồi, tôi mới dám mò lên mạng. Lén lén lút lút đến thế mà vẫn còn bị nhiếc mắng không thương tiếc".
Một lần khác, khi chị Thảo đang xem phim thì con trai út của chị bảo: "Sao mẹ được cày phim mà bọn con lại phải làm bài tập?".
Con trai đầu thì ra dáng người lớn: "Mẹ xem phim nhiều quá, mẹ xem 1 ngày bằng tổng thời gian bọn con xem nửa tháng".
Tương tự vào một hôm, lúc 12 rưỡi đêm, đã lên giường rồi nhưng con trai lớn lại mở cửa ra dòm mẹ đang xem phim: "Thế này thì còn lâu mẹ mới đi ngủ đây". Mẹ chống chế: "Đấy là mẹ tranh thủ trong khi chờ các con ngủ" - "Thế sao mẹ không tranh thủ làm việc đi? Mẹ còn đầy bài đang nợ mà?". Chị Thảo chỉ còn biết im lặng.
Một hôm khi cả nhà đang ngồi quây quần bên nhau, chị Thảo kêu ca với con dạo này nhiều tóc bạc. Chớp thời cơ ngay, con trai lớn của chị lý giải rất logic: "Do mẹ thức đêm xem phim nhiều nên mới bạc thế đấy". Khỏi phải nói, chồng chị đã cười sung sướng thế nào khi được 2 con nói hộ lòng mình.
Có lần, thấy nói nhiều mà dường như niềm đam mê trai đẹp trong màn ảnh của mẹ không có dấu hiệu thuyên giảm, 2 anh em liền chọc nhau kêu gào gọi mẹ chú ý. Tưởng mẹ sẽ chạy ra can thiệp nhưng không ngờ mẹ chỉ liếc nhìn rồi lại quay vào xem phim. Chán nản, cậu em liền thở dài: "Sao mẹ cứ cày phim mà quên hết cuộc sống xung quanh thế? Mẹ không quan tâm gì đến cuộc sống xung quanh đang tiếp diễn như thế nào là sao?".
Hai con trai lém lỉnh trong câu chuyện của chị Thảo là Hoàng Đạt, học lớp 6 tại trường Archimedes Đông Anh và Hoàng Minh, học lớp 3 tại Tiểu học Đô thị Sài Đồng, Long Biên. Chị Thảo là Nhà báo và từng được mọi người biết đến là bà mẹ có cách dạy con độc đáo: Con bị điểm kém, thành tích đứng cuối lớp nhưng vẫn làm một điều đặc biệt. Đó là dù điểm con thấp lè tè nhưng chị vẫn dẫn cả nhà đi ăn một bữa ở nhà hàng vì để các con được vui vẻ, nhẹ nhõm sau khi hoàn thành một kỳ thi quan trọng.
Từng là học sinh giỏi Văn, chị Thảo nhận thức rất rõ tầm quan trọng của việc đọc sách. Với cậu cả Hoàng Đạt đang thích ở nội trú, chị đặt định mức, nếu mỗi tuần đọc hết một nửa cuốn sách Sherlock Holmes gần 700 trang thì con tiếp tục được ở nội trú. Cậu bé sau đó miệt mài đọc sách để nhận được phần thưởng của mẹ.
Còn về cậu út Hoàng Minh, vì chỉ mới đọc viết thông thạo nên chị Thảo cho định mức nhẹ nhàng hơn. Nếu muốn xem tivi hay làm gì đó, cậu bé phải đọc một câu chuyện hoặc cuốn sách mỏng.
Cách làm này của chị đã giúp cho các con lúc đầu chỉ là đọc để nhận thưởng nhưng dần dần lại yêu thích những trang sách như mẹ.