Thầy giáo hỏi nên chọn 3,5 tỷ hay điểm tối đa, câu trả lời của học sinh tiểu học khiến dân mạng phục sát đất
Đến người lớn chưa chắc đã có những cách trả lời thông minh thế này!
Người Do Thái có một chuyện vui cười nói về vai trò của kiến thức và của cải như sau: Có hai học giả nói chuyện với nhau. Một người nói: "Kiến thức và tiền bạc cái nào quan trọng hơn?" Người kia trả lời: "Tất nhiên là kiến thức quan trọng hơn!". Vị học giả đáp lại: "Vậy tại sao người có kiến thức lại phải làm việc cho người giàu có nhiều tiền bạc. Người giàu có lại không phải phục vụ người có kiến thức!?".
Mới đây, câu hỏi gây nhiều tranh cãi: Kiến thức và Tiền bạc cái nào quan trọng hơn cũng được một giáo viên đến từ Lan Châu, tỉnh Cam Túc (Trung Quốc) đặt ra cho học sinh. Đoạn video sau đó gây bão mạng xã hội.
Trong video, thầy giáo đã đặt câu hỏi cho học sinh của mình là: "Các em nên chọn 100 điểm hay 1 triệu tệ (3,5 tỷ đồng)?".
Một nữ sinh trả lời: "Em chọn 100 điểm, bởi 100 điểm có thể khiến mẹ em vui lòng". Em học sinh khác thì thật thà: "Em chọn 1 triệu tệ (3,5 tỷ đồng), bởi em không thể nào thi đạt 100 điểm".
Xúc động hơn, một nam sinh nghẹn ngào cho biết: "Em chọn 100 điểm, bởi khi em đạt 100 điểm thì mẹ sẽ đến thăm em". Lý do người mẹ không thể thường xuyên đến thăm con không được tiết lộ, nhưng có thể khẳng định một điều là em học sinh rất mong mỏi được gặp mẹ. Câu nói của em khiến ai nấy thương xót và đau lòng.
Câu trả lời được đánh giá khôn ngoan nhất thuộc về một nữ sinh khi cho biết: "Em chọn 100 điểm, thành tích tốt quan trọng hơn tiền bạc". Bạn nữ khác cũng tiết lộ: "Em chọn 100 điểm, bởi 100 điểm có thể giúp em kiếm nhiều hơn 1 triệu tệ (3,5 tỷ đồng)".
Những câu trả lời vừa thông minh vừa xúc động của các em học sinh thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nhiều người cho rằng, mỗi em một hoàn cảnh, có lẽ thầy giáo cũng không ngờ nghe được câu trả lời thành thật như thế của các em.
Trên thực tế, kiến thức và tiền bạc đều có vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Song yếu tố nào quan trọng hơn, yếu tố nào chi phối yếu tố còn lại là lựa chọn và hoàn cảnh của mỗi người. Trong dân gian người ta vẫn thường nói "miệng ăn núi lở", nên nếu ai đó không biết làm cho tài sản của mình sinh sôi thì tiền dẫu có chất cao như núi rồi cũng có ngày hết.
Bởi thế, chỉ những người thực sự có trí tuệ mới hiểu rõ được giá trị của đồng tiền và họ biết cách dựa vào trí tuệ để làm ra nhiều của cải, dùng trí tuệ của mình để làm ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Nếu tri thức mà không được áp dụng vào thực tiễn, không thể chuyển hóa thành của cải thì cũng là loại tri thức uổng phí.