Thầy giáo chỉ ra: Đây là yếu tố then chốt để thành thạo tiếng Anh, ngó lơ sẽ dễ mất phương hướng
Như một điều tất yếu, khoảng 80% công sức của người học nên và phải tập trung vào việc học từ vựng.
Khi bàn đến việc học từ vựng tiếng Anh, trên một số diễn đàn xuất hiện ý kiến từ vựng không quan trọng. Cụ thể, nhiều người học tiếng Anh lâu năm, lượng từ vựng nhiều nhưng vẫn không thành thạo giao tiếp được.
Tuy nhiên, thầy giáo tiếng Anh Đỗ Cao Sang, thạc sĩ chuyên ngành Quản lý giáo dục, đồng thời là một diễn giả về giáo dục và tâm lý học cho rằng, bản chất của tất cả các ngôn ngữ đều cấu thành từ kho từ vựng. Vấn đề của ngôn ngữ và học ngôn ngữ là ở việc nghiên cứu và học từ vựng, không phải ở ngữ pháp. Ngữ pháp gồm có trật tự từ, thì, thể, giống, số và cách. Ngữ pháp tiếng Anh không khó, lại không thay đổi qua hàng trăm năm. Bởi thế, ngữ pháp không hề mất thời gian để học và cũng không hề phức tạp.
"Bạn có thấy những đứa trẻ giao tiếp ra sao không? Chúng có thể giao tiếp được sành điệu mặc dù chúng không hề được dạy chút xíu gì về ngữ pháp. Hay những người đi du lịch nước ngoài cũng thế. Họ giao tiếp khá thành công những chủ đề đời thường dù không học qua bất cứ bài ngữ pháp nào.
Điều này nói lên rằng, từ vựng mới là vấn đề then chốt của tiếng Anh nói riêng và ngôn ngữ nói chung. Do đó, như một điều tất yếu, khoảng 80% công sức của người học nên và phải tập trung vào luyện từ vựng, nâng vốn từ. Học càng nhiều từ càng tốt!", thầy Sang nói.
Học từ mới chiếm khá nhiều công sức của người học. Học từ mới bao gồm học: Chính tả, phát âm (chú ý trọng âm), nghĩa thực và cách dịch, các từ đi kèm (collocations), và cách dùng.
Các bạn trẻ học từ thường chỉ chú tâm vào chính tả và cách dịch. Nên nhiều khi bạn chỉ biết một nửa từ chứ chưa hẳn đủ một từ thực sự.
Học từ vựng nên tận dụng mọi lúc mọi nơi, mọi nguồn. Muốn vậy, hãy luôn nghĩ mình đang học tiếng Anh, ngay cả khi không đến lớp. Thấy gì lạ là phải tra, hoặc ghi lại, tra sau. Ăn cái kẹo cũng nên đọc vỏ kẹo xem có từ nào lạ. Lọ dầu gội đầu, chai nước lọc… cho đến phim, báo, internet đều có tiếng Anh cả. Không cứ phải đến lớp mới là học.
Khi học 1 từ cần dựa trên 5 phương diện sau đây: 1. Viết như thế nào (How to spell?)/ 2. Phát âm ra sao (How to pronounce?)/ 3. Từ loại gì: danh từ, tính từ, động từ, trạng từ... 4, 5. Nghĩa và dịch (Meaning and translation).
Ngoài ra, cần lưu ý những điều sau:
1. Muốn học từ mới mọi lúc mọi nơi cũng cần có thẻ từ vựng
Cách lập thẻ từ vựng: Mua thẻ hoặc cắt mảnh bìa cứng thành từng miếng như quân bài. Mỗi quân bài đó chỉ ghi một từ. Nhưng ghi đủ collocations phổ biến (cách kết hợp các từ với nhau thành các cụm từ theo thói quen của người bản ngữ), gạch chân trọng âm.
Nên dùng chữ to, nét to, có màu ấn tượng; Dùng sơ đồ hình con nhện để ghi. Trung tâm là từ gốc, các nhánh phụ là collocations; Đọc đi đọc lại, mọi lúc, mọi nơi. Đố vui với bạn học.
2. Nguồn từ vựng không nên chỉ bó buộc ở một nguồn
Có thể qua nghe, qua đọc, qua nói chuyện, qua xem phim, nghe bài hát, bản tin, quảng cáo, công viên, sở thú.
3. Tận dụng học từ qua xem phim phụ đề. Xem đi xem lại cho đến khi tắt hết cả phụ đề vẫn nghe được từng từ. Thậm chí tắt cả tiếng, cả phụ đề, nhìn môi nhân vật, nhớ họ nói câu gì. Muốn vậy, phải xem cái gì mình thích nhất. Không xem nếu thấy phim không hấp dẫn và ý nghĩa.
4. Cụm phổ biến (collocation):
Đây cũng là điểm mà người Việt rất hay "bỏ quên" hoặc lười học. Nhưng khi chúng ta học theo cụm từ thì một từ sẽ tương đương với rất nhiều từ và bạn cũng sẽ học luôn cả cách dùng của từ. Như vậy mỗi ngày bạn học cho thuộc năm hay mười từ thì đã có giá trị như cả trăm từ rồi. Phần lớn người Việt chúng ta chỉ quan tâm tới học viết từ như thế nào, dịch là gì nên khi cần sử dụng từ mới bị "loạn".
"Nguyên nhân người học lười học từ mới là vì từ vựng khó học và học cực kỳ mất thời gian. Người học Anh Văn bị mất phương hướng, không biết vấn đề then chốt của ngôn ngữ chính là cóp nhặt từ vựng một cách bền bỉ, lâu dài và kiên trì như con ong lấy mật, như con chim xây tổ", thầy Sang nói.