Thạp dưa Thạch Sanh
Nhà nghèo không biết gọi tên món ăn là có thật, huống chi đó lại là món ăn ngày Tết! Thấm thoát đã hơn 30 năm, tôi chưa lần nào được ăn lại món ăn ấy, nhưng hương và vị vẫn in trong trí nhớ tôi.
Chiếc thạp muối dưa
Hoặc giả có được ăn lại thì cách thức chế biến cũng không thật giống. Món ăn đó do dì tôi làm. Nó chứa trong cái lu đất nhỏ, gọi đúng là cái thạp hay cái khạp. Khi ăn thì mở nắp, lần mở thêm một lớp ni lông được ràng kín trên miệng thạp, mùi thơm tỏa ra nức nồng.
Dùng đũa sạch gắp ra những miếng thịt sụn được xắt lát mỏng, ửng đỏ hồng lắp xắp trong nước. Sắp chung trong đó là dưa kiệu, dưa leo và cà rốt. Dưa kiệu là loại tươi, lấy cả cọng, làm dối để giữ chút phần chân rễ.
Dưa leo bỏ ruột, xắt bằng dao răng cưa thành lát xéo, áo qua nước muối loãng cho giòn rồi phơi vừa đủ héo. Còn cà rốt thì bào sợi lớn. Vị của nó là vị mặn, ngọt và chua dịu.
Những lát thịt thơm phức đó về sau tôi mới biết là tai heo, khi luộc sao đó mà phần bì sụn và phần mỡ rất giòn, để cho ngấm trong hỗn hợp nước mắm đường đã được đun sôi và hớt bọt kỹ. Ngấm càng lâu thịt càng ửng đỏ. Trộn lẫn trong nước mắm đường là tiêu hột đập giập, một ít tỏi, ớt nguyên trái.
Thạp dưa đậy kín bưng để nơi mát hồi nào tôi chẳng biết, chỉ biết nó dành để ăn "3 ngày Tết". Nói là 3 ngày nhưng tôi có cảm giác thạp dưa "Thạch Sanh", dành cho những gia đình đông con cháu! Mỗi lần ăn là gắp ra những đũa dày dưa với thịt, thế mà vẫn còn mãi!
Có một sự thật là thạp dưa vào những ngày cuối đã bị đứa nhỏ là tôi thọc tay nhón vụng! Tôi nhớ mình đã khua tay vào cái thạp tối bưng để vớt những lát thịt sau cùng, để được mút ngón tay còn nồng mùi nước mắm!
Không sao hết thòm thèm cho đến tận miếng cuối! Tôi thề là trên đời không có cọng kiệu dưa nào ngon lạ lùng như cọng kiệu dưa còn cả rễ tôi ăn ngày ấy! Tôi không biết món đó từ đâu tên gọi là gì, ai bày cho dì hay dì tự nghĩ ra.
Chỉ biết là nó ngon đặc sắc, cũng đặc biệt hơn những món ngày Tết tôi vẫn trông thấy. Cắn vào miếng thịt, đưa thêm miếng dưa kiệu. Cái mằn mặn, chua chua, giòn ngọt đã đánh bay cái ngán của bánh tét nếp hạt đậu đỏ, hay những bánh mứt ngọt ngắt ngơ.
Món ăn trong cái thời mà đến chiếc bánh mì chỉ có kẹp rau dưa không thịt thôi mà bọn trẻ chúng tôi cũng phải đợi Tết mới có tiền lì xì để ăn! Sau này dì lập gia đình, đi xa. Ở xứ người, chẳng biết dì có bao giờ làm lại món dưa thịt đó!
Cái món làm nức lòng đứa con nít là tôi, nó khiến tôi Tết phải canh ngày chợ rộ lên thứ kiệu bán nguyên bó, khi những người bận rộn không còn đủ thời gian để làm hũ kiệu đường phơi ngoài nắng nữa.
Tôi cũng nản lòng với vài lần thất bại khi làm món tai heo, nó không giòn và nhất là nó không chín tự nhiên trong nước mắm, ửng hồng như dì tôi đã làm. Nước đường cũng bị lên men nhanh, chứ không thanh đậm như khạp dưa của dì.
Đủ thấy là muốn làm món ăn gì đó để dành ăn lâu, người làm phải chăm chút, tỉ mẩn. Cảm thấy các mẹ, các dì luôn vén khéo, để gia đình dù giàu dù nghèo cũng có bữa ăn sum vầy ngày Tết!