"Tháo chạy" khỏi nhà chồng tương lai
Có những bà mẹ chồng hụt kinh khủng tới mức, chuyện xảy ra có khi cũng đã lâu mà các cô con dâu hụt của họ mỗi khi nhớ tới vẫn không khỏi rùng mình ớn lạnh…
Sau 4 năm kể từ buổi ra mắt nhà bạn trai cũ, đôi khi nhớ lại, chị Hường (30 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) vẫn thấy choáng váng và giật mình thon thót. “May mà ngày xưa mình không cố sống cố chết về làm dâu nhà ấy, chứ nếu không thì giờ này làm gì có thời gian mà ở đây, chắc đang tất bật công việc của 1 ô sin rồi ấy chứ!” - chị Hường cười trêu đùa.
Chị kể, hôm ra mắt đó, chị rất lo sợ khi bước chân vào trong nhà người yêu thì đã thấy 1 bữa ăn thật thịnh soạn đã được bày biện sẵn. Gia đình anh từ bà nội, bố mẹ cho đến cô, dì, chú, bác, tất cả đều có mặt đầy đủ và đã ngồi sẵn vào vị trí thứ bậc, chả là người yêu của Hường là cháu đích tôn của cả họ mà. Hường được xếp chỗ ngồi giữa mẹ và anh.
“Trong bữa ăn, mình có gắp thức ăn cho bác gái ngồi cạnh nhưng thể hiện thái độ như là không quen biết mình. Bác gắp thức ăn mời tất cả mọi người , riêng mình thì không. Bác cũng không trò chuyện hoặc nhắc mình: ‘Cháu ăn đi đừng làm khách!’, hay gắp đồ ăn cho mình gì cả” - chị Hường nhớ lại cảm giác tủi thân và lạc lõng lúc ấy.
Tàn tiệc, chị Hường lui hui rửa bát một mình còn các chị, các cô họ của người yêu Hường không hề dọn giúp mà đứng nói chuyện ríu rút ở bên cạnh. Thi thoảng họ chỉ tay năm ngón sau Hường làm việc noi việc kia. Không những vậy, họ còn "rào" trước rằng "Nhà gần đây thì phải thường xuyên qua giúp đỡ mẹ chồng. Tập làm dần đi sau này lấy về thì nấu nướng thành thạo, dọn rửa thành thục, cứ thế mà làm thôi". “Trước khi về, bà nội anh còn dặn mình rằng là sau về làm dâu nhà này rồi thì phải theo thói nhà này!” - chị Hường kể lại.
Chị Hường bảo, trước đó, bản thân người yêu chị cũng thường nói với chị, sau này lấy nhau chị phải yêu quý mẹ anh, không được cãi lời bố mẹ chồng, phải thương yêu các cô của anh vì các cô vất vả hơn. Lúc ấy, nghe những lời đó chị thấy cũng bình thường, nhưng khi trực tiếp về nhà anh thì chị mới tá hỏa, không khỏi rùng mình ớn lạnh trước thái độ của mẹ chồng tương lai cũng như những người trong họ nhà người yêu.
“Nếu chuyện chỉ dừng ở đó thì có lẽ mình cũng chưa đến mức 'xách dép' chạy mất. Mình tới nhà người yêu là buổi trưa, thì tối đó, khi về tới nhà mình nhận được điện thoại của mẹ anh. Mẹ anh không rào trước đón sau gì cả, thẳng thừng nói luôn mình không hợp làm con dâu nhà anh, nhưng trước mặt đông người mẹ anh không muốn nói thẳng” – chị Hường nhớ lại.
“Con dâu bác, 1 phải là con nhà giàu có, bề thế, 2 là phải đảm đang, tháo vát gấp 10 lần cháu, làm được chu toàn hết mọi việc trong nhà, phục vụ từ bà nội tới em chồng. Cháu đều không thuộc 2 tiêu chuẩn đó, chưa nói tới chuyện cháu cười hở lợi, mà người nào như thế thì số khổ, bác không muốn con bác khổ lây đâu” - chị Hường thuật lại lời nói của mẹ chồng tương lai khi ấy.
Thấy cuộc hôn nhân trước mắt nếu có cố gắng để đạt được thì cũng sẽ đầy rủi ro, chị Hường mặc dù vẫn còn tình cảm nhưng vẫn quyết định tháo chạy. Hiện tại, chị đã yên bề gia thất bên 1 người chồng tốt và đặc biệt, mẹ chồng, gia đình chồng rất yêu thương chị, chứ không hề khiến chị rùng mình ớn lạnh mỗi khi nghĩ tới như bà mẹ chồng hụt kia.
Chị Ngọc được chứng kiến thêm nhiều chuyện về sự phân biệt đối xử, coi con mình là vàng là ngọc, con nhà người khác là lá mít lá đa của bác ấy mà chị đã quyết định "xách dép" chạy lấy người (Ảnh minh họa).
Chị Ngọc (32 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng từng có một bà mẹ chồng hụt “ác mộng” như chị Hường. “Mỗi khi nghĩ tới bác ấy, mình vẫn toát cả mồ hôi hột!” - chị cười khổ nói.
Chị Ngọc cho hay, hồi đó chị và người yêu quê xa nên chị cũng ít có dịp tiếp xúc với bố mẹ, họ hàng nhà người yêu. Chỉ khi 2 người quyết định tính chuyện cưới xin thì gia đình nhà anh mới gọi điện xin phép nhà chị cho chị vào ra mắt. Vì đường xa nên chị Ngọc và em trai đã cùng vào đợt đó.
“Ở nhà anh ấy, trước bữa ăn mẹ anh ấy thường hỏi: ‘Hai cục cưng của mẹ ăn gì để mẹ nấu?’. Hai 'cục cưng' chính là người yêu mình và em gái anh ấy. Sáng dậy bác ấy gọi rất trìu mến: ‘Hai cục cưng của mẹ dậy uống sữa mẹ pha sẵn rồi đấy!’. Sau bữa ăn, 2 viên ngọc của bác ấy lại được hai cốc nước hoa quả cho đủ vitamin, mà cục cưng lớn gần 3 chục tuổi đầu còn cục cưng bé kém 6 tuổi. Còn 2 chị em mình thì bị bác ý coi như không khí” - chị Ngọc vẫn còn bàng hoàng kể lại.
Sau ngày chị Ngọc vào 1 hôm thì người yêu chị bận đi ăn cỗ đám cưới bạn, nhà chỉ còn mẹ anh và cô em gái của anh. Bữa cơm, 1 mình chị loay hoay nấu nướng, có em trai chị thỉnh thoảng làm chân sai vặt. Khi mâm cơm dọn ra, chị vẫn còn trong bếp dọn thêm thức ăn, mẹ chồng chị ngồi xới cơm ra bát, nhưng chỉ xới cho 2 người, còn lại bát của chị và em trai chị trống không. “Mình sốc toàn tập, đành rằng mình có 'phận' xới cơm cho cả nhà nhưng lúc đấy mình đang bận, không ngờ bác xới cơm nhưng lại chừa bát của khách ra thì đến… bó tay. Hôm đó mình ăn có nửa bát cơm mà nuốt không trôi, cảm thấy tủi vô cùng, em trai mình thì đòi về bằng được” - chị Ngọc chia sẻ.
Sau này, thêm vài lần mẹ của người yêu xuống thành phố chơi với con trai, chị Ngọc được chứng kiến thêm nhiều chuyện về sự phân biệt đối xử, coi con mình là vàng là ngọc, con nhà người khác là lá mít lá đa của bác ấy mà chị đã quyết định "xách dép" chạy lấy người mặc dù đám cưới đã được lên kế hoạch. “Anh chàng ấy là mối tình đầu của mình, lại đã xác định đến với nhau, phải nói lời chia tay, thực sự mình cũng rất đau khổ. Nhưng giá kể anh ấy không quá đứng về phía mẹ, biết đúng biết sai thì có khi mình sẽ nghĩ lại, chứ đằng này anh ấy còn dự định đón mẹ lên thành phố ở cùng sau khi em gái anh lấy chồng, cuộc sống chung với nhà chồng và mẹ chồng như thế, mình tưởng tượng thôi cũng khiếp đảm rồi” - chị Ngọc trần tình.
Chị kể thêm, sau khi chia tay, anh chàng ấy còn kết hôn trước chị, nhưng nghe đâu giờ vợ chồng họ đang lục đục, sắp li hôn đến nơi mà nguyên cớ cũng là do cô vợ không thể chịu nổi tình yêu vô bờ bến của chồng dành cho mẹ cũng như sự phân biệt đối xử của mẹ chồng - người từng là mẹ chồng hụt của chị.