‘Thánh nữ dọn nhà’ Marie Kondo gây sốt toàn thế giới, nhưng đây là 9 lý do lối sống của cô không phù hợp ở Singapore
Với những lối sống, văn hóa đặc trưng, nhiều người Singapore cho rằng phong cách dọn dẹp tối giản của Marie Kondo không hề phù hợp với họ.
*Được dịch theo quan điểm riêng của tác giả bài viết đăng trên tạp chí Singapore Home Decor
Sau khi nổi lên như một hiện tượng vì xuất hiện trên series hot nhất Netflix Tidying up with Marie Kondo (Dọn Dẹp Cùng Marie Kondo), cô gái xinh đẹp người Nhật Bản Marie Kondo đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người nhờ khả năng dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc ngăn nắp đâu ra đấy của mình. Đặc biệt, lối sống tối giản với một căn nhà gọn gàng thông thoáng, không nhiều đồ thừa thãi chính là mục tiêu chính mà "thánh nữ dọn nhà" Marie Kondo luôn hướng tới.
Tuy nhiên, bên cạnh việc khiến cho cả nước Mỹ hay Úc phát cuồng và lao vào dọn dẹp nhà cửa, nhiều ý kiến vẫn cho rằng lối sống của Marie Kondo nói riêng hay lối sống tối giản nói chung không phù hợp với nhiều đất nước, điển hình như Singapore, khi mà đồ cũ vẫn luôn chiếm một phần quan trọng trong cuộc sống của người dân, không phải nói vứt là vứt đi được.
Dưới đây là 9 lý do mà người Singapore cho rằng phương pháp dọn nhà của Marie Kondo hay còn được gọi là KonMari không thể áp dụng được ở nơi họ đang sống:
1. Không thể vứt ô đi
Nằm ở khu vực khí hậu có độ ẩm cao, mưa nhiều, những chiếc ô luôn là vật bất ly thân với người Singapore để giúp họ sẵn sàng đối phó với những cơn mưa bất chợt. Người Singapore cũng rất thích mua ô, đặc biệt là khi thời tiết thường không thể đoán định trước. Họ có thói quen chuẩn bị sẵn vài cái trong nhà để đề phòng có nhỡ để quên ở đâu đó lúc trời tạnh mưa và về nhà tay không. Do đó, mọi người cho rằng có thể tối giản bất cứ điều gì, nhưng trước mắt là không thể nào tối giản ô trong nhà người Singapore.
2. Điện thoại cũ hỏng cũng không thể vứt
Người Singapore rất yêu thích và trân trọng những thiết bị công nghệ của họ, một phần vì chúng có giá rất cao. Có thể dễ dàng tìm thấy trong ngăn kéo của nhiều người ở đảo quốc sư tử một chiếc điện thoại di động lỗi thời (hoặc thậm chí là máy nhắn tin). Mặc dù hiện tại, nhiều khi chúng không còn "mang lại niềm vui" nữa, theo phong cách KonMari thì bạn phải chia tay với những chiếc điện thoại đó. Nhưng chúng vẫn là thứ người Singapore muốn giữ lại để làm kỉ niệm. Và biết đâu một ngày tình cờ mở điện thoại cũ lên, bạn lại tìm được những tin nhắn cũ, ghi chú cũ từ những người mà mình không bao giờ có thể gặp lại nữa.
3. Áo rách, cũ thì làm đồ ngủ
Đây chắc hẳn là câu trả lời quen thuộc của một thanh niên Singapore nào đó khi bố mẹ bắt họ phải vứt đi chiếc áo mình từng mặc tham gia cuộc thi Marathon. Hơn nữa, dám chắc là không phải ai cũng có nhu cầu muốn mua một bộ pyjama chuyên mặc ngủ đâu.
4. Đồ miễn phí dại gì không lấy
Đây là tâm lý chung của cả người Singapore và ngay cả người Việt Nam, khi đi mua đồ ở siêu thị, khi bạn mua một bộ bát đĩa và rồi được tặng thêm mấy lon coca cola. Nó được gọi là Kiasu - văn hóa "keo kiệt, ích kỷ" của người Singapore. Họ ghét bị bỏ lỡ và thích một món hời. Họ sẽ xếp hàng dài vô tận cho các dòng điện thoại mới nhất hay chỉ là một phiên bản Hello Kitty có hạn từ chương trình Happy Meal của McDonald’s.
5. Không thể bỏ lỡ đợt giảm giá sốc chỉ diễn ra trong 1 ngày
Đương nhiên, điều này cũng không nằm ngoài văn hóa Kiasu. Chỉ một ngày duy nhất giảm từ 50, thậm chí 70% cho các món đồ gia dụng khiến người Sing tranh nhau đến mua từng thùng nước rửa bát hay hàng chục lốc giấy vệ sinh về dùng dần. Trong những ngăn tủ bếp nhà họ luôn cần được đầy ắp những thứ này thì làm sao có thể tối giản được đây?
6. Tôi phải vứt bỏ bộ sưu tập Hello Kitty quý giá của mình sao?
Trở lại câu chuyện người Sing có thể xếp hàng dài vô tận để không bỏ lỡ phiên bản Hello Kitty có hạn từ chương trình Happy Meal của McDonald’s. Và khi đã rất khó khăn để có được thì không có lý nào họ lại nỡ lòng vứt đi chỉ vì nó "không mang lại niềm vui" nữa.
7. Tâm lý "cứ mua đi, không bao giờ phí"
Người Singapore đương nhiên thích những món hời và đợt giảm giá bất ngờ. Và khi một thứ gì đó được giảm giá với hơn 80%, phản ứng tự nhiên của người Singapore là mua nó trước. Bởi vì, họ nghĩ rằng ai biết được, chắc chắn sẽ có lúc nó được sử dụng. Tất nhiên, thời điểm đó có thể không bao giờ đến.
8. Cần dự trữ mì gói cho những ngày mưa to gió lớn không ai chịu ship hàng cho
Họ muốn chắc chắn trong gia đình mình sẽ luôn có một tủ chứa đầy mì ăn liền phòng trường hợp thời tiết xấu. Mặc dù đống mì có thể hết hạn trước khi người ta kịp ăn hết chúng, nhưng người Sing vẫn thấy thật thoải mái khi biết có thực phẩm để ăn nếu bỗng nhiên những anh shipper đình công chẳng hạn.
9. Giữ lại những túi nilon từ lần mua hàng trước
Một trong những biểu tượng bên trong nhà bếp của người Singapore là ngăn kéo phía dưới hoặc khu vực dưới kệ bếp được lưu giữ đầy những túi nilon được nhét từ những lần đi mua hàng siêu thị hoặc túi có logo sư tử Singapore. Đương nhiên, chúng là công cụ đắc lực mỗi khi dọn dẹp nhà cửa, vì họ không bao giờ muốn chi tiền cho việc mua túi đựng rác.
(Theo Homeanddecor)