Thanh minh ăn món này là tốt lành nhất: Vừa ấm kinh mạch, trừ ẩm lại tăng cường miễn dịch
Bánh ngải cứu được nhiều người ăn vào dịp Thanh minh, vừa thơm ngon lại tốt cho sức khỏe.
Thanh minh sắp đến, chỉ còn vài ngày nữa thôi, không khí mùa xuân như đang tràn ngập khắp nơi. Trong tiết Thanh minh, người Việt thường chuộng những món ăn theo mùa để bổ trợ sức khỏe, tăng cường miễn dịch đồng thời gửi gắm hy vọng cùng may mắn. Một trong những món ăn được nhiều người ưa thích trong dịp này chính là bánh ngải cứu.
Đây là món bánh thường được làm từ lá ngải cứu kết hợp với bột nếp, ở Trung Quốc nó được gọi với cái tên quen thuộc là bánh thanh đoàn hoặc bánh Thanh minh. Ở nước ta, Lạng Sơn chính là "quê hương" của món bánh ngải nổi tiếng. Ngải cứu từ lâu đã được xem là một trong những loại rau dại quý giá nhất, không chỉ mang hương vị thơm nồng đặc trưng mà còn có tác dụng tuyệt vời: Xua tan cái lạnh, trừ ẩm, ấm kinh mạch, cầm máu và nâng cao sức đề kháng. Chỉ cần hái một nắm ngải cứu tươi, chần qua nước sôi, xay nhuyễn thành hỗn hợp mịn, trộn cùng bột nếp, nhào với nước nóng, rồi thêm nhân tùy thích, bạn sẽ có ngay những chiếc bánh ngải xanh mướt, tỏa hương thơm dịu nhẹ. Cắn một miếng, cảm giác mềm dẻo, ngọt ngào hòa quyện cùng mùi thơm thoảng của cỏ cây khiến người ta không khỏi xuýt xoa, thèm thuồng.
Ngày nay, bánh ngải cứu không còn chỉ gói gọn trong nhân đậu đỏ hay mè đen. Người ta sáng tạo đủ loại nhân từ ngọt đến mặn, từ nhân thịt, trứng muối, măng xuân. Trong nhiều lựa chọn ấy, bánh ngải nhân mè đen cùng đậu phộng vẫn được ưa chuộng nhất. Một miếng bánh nhỏ mà chứa đựng hương thơm nồng nàn, không chỉ ngon miệng mà còn bổ dưỡng. Mè đen giàu protein và axit linoleic, giúp nuôi dưỡng tóc chắc khỏe, đồng thời chứa lượng vitamin E dồi dào – "vũ khí" chống lão hóa hiệu quả nhờ khả năng kháng lại quá trình oxy hóa lipid tự do. Ăn bánh này không chỉ để thưởng thức mà còn là cách chăm sóc sức khỏe, đặc biệt dành cho các chị em yêu cái đẹp, muốn giữ gìn thanh xuân. Thanh minh mà được tự tay làm bánh ngải cứu ở nhà, vừa lành mạnh, không chất phụ gia, lại đơn giản, chỉ cần nắm rõ cách làm là ai cũng có thể trổ tài.
Nguyên liệu cần chuẩn bị làm bánh ngải cứu
- 500g lá ngải cứu tươi, 350g bột nếp, 70g bột mì.
- 1 thìa cà phê muối nở (baking soda), 1 bát mè đen, 1 bát đậu phộng rang, 1 bát đường trắng (có thể giảm đường tùy thích), 30g dầu đậu phộng.
Cách làm bánh ngải cứu chi tiết
1. Chuẩn bị nhân: Đầu tiên, cho mè đen vào chảo, rang trên lửa nhỏ đến khi hạt vừng nảy lên đều và tỏa hương thơm thì tắt bếp. Sau đó, dùng máy xay để nghiền vừng thành bột mịn. Với đậu phộng rang, nếu mua loại đã bóc vỏ thì chỉ cần xay nhỏ; còn nếu còn vỏ, bạn nhớ chà sạch vỏ trước khi xay. Đường trắng cũng được xay thành bột để dễ hòa quyện.
2. Trộn nhân: Trộn đều bột mè đen, đậu phộng xay và đường bột, sau đó thêm 30g dầu đậu phộng vào, khuấy đều đến khi hỗn hợp quyện thành một khối dẻo thơm.
3. Tạo hình nhân: Dùng túi nilon sạch, cân từng viên nhân khoảng 25g, vo tròn thành những quả bóng nhỏ, rồi để vào tủ lạnh bảo quản, vừa tiện lợi vừa không dính tay.

4. Xử lý ngải cứu: Rửa sạch lá ngải cứu ít nhất 2 lần để loại bỏ hết đất cát. Cho lá vào nồi, đổ nước ngập lá, đun sôi trên lửa lớn. Khi nước sôi, thêm 1 thìa cà phê muối nở để giữ màu xanh tươi của ngải, rồi vớt ra.
5. Xay ngải cứu: Cho ngải cứu đã luộc vào máy xay, giữ lại một ít nước luộc để máy dễ hoạt động, xay nhuyễn thành hỗn hợp mịn.
6. Nhào bột: Trộn 350g bột nếp với 70g bột mì trong âu lớn, từ từ thêm hỗn hợp ngải cứu đã xay, vừa đổ vừa khuấy đều. Điều chỉnh lượng ngải cho đến khi thu được khối bột mềm mại, không dính tay.

7. Tạo hình bánh: Chia bột thành những phần đều nhau, vo tròn, ấn dẹt, cho viên nhân vào giữa, khéo léo gói kín rồi nắn lại thành hình tròn. Đem bánh hấp trên lửa lớn khoảng 10 phút là chín.
Vậy là bạn đã có những chiếc bánh ngải cứu thơm ngon, hấp dẫn! Nhân mè đen đậu phộng này đặc biệt hợp khẩu vị, nhưng bạn hoàn toàn có thể thay bằng nhân đậu đỏ, thịt hay bất kỳ loại nhân nào mình thích. Tự làm ở nhà vừa vui vừa tiết kiệm, lại đảm bảo vệ sinh, bạn hãy thử ngay nhé!
Mẹo nhỏ:
- Chần ngải cứu trước khi xay không chỉ làm lá mềm mà còn giảm bớt vị chát, đừng bỏ qua bước này. Thêm muối nở giúp bánh giữ màu xanh đẹp mắt hơn.
- Bánh làm xong mà ăn không hết, hãy phết một lớp dầu mỏng, bọc kín từng chiếc bằng màng bọc thực phẩm, bảo quản trong tủ lạnh. Khi ăn lại, hấp nóng để bánh mềm dẻo như ban đầu.
Chúc bạn thành công và tận hưởng hương vị mùa xuân qua món bánh ngải cứu tuyệt vời này!