Mùa rau khúc và món bánh trứ danh "gói" cả một trời thương nhớ!

Kỳ Vân Dương,
Chia sẻ

"Xôi lạc, bánh khúc đây!".

Không chỉ sáng sớm mùa đông trời đục mờ hơi sương, khi những vạt rạ trơ gốc sau gặt lúa mùa, người ta mới được hái những ngọn rau khúc xanh non mơn mởn mà rau khúc mọc vào tháng 3 cũng là một "bản tình ca" không thể thiếu được của mùa xuân.

Mùa rau khúc tháng Ba gói cả một trời thương nhớ - Ảnh 1.

Khúc nếp có lá và cành tươi tốt hơn nhiều so với rau khúc tẻ, với lá và thân phủ lớp lông tơ mềm mại, xốp và trắng mịn. Khi dùng để làm bánh, vỏ bánh sẽ dai hơn và thơm ngát hơn. Đặc biệt, chỉ những lá rau khúc được hái vào sáng sớm, khi còn ngậm những giọt sương đêm, mới có thể chế biến thành món bánh khúc thơm ngon tuyệt vời nhất. Rau khúc vừa dẻo lại vừa mềm. Khi ngắt một ngọn nhỏ, xoa nhẹ trong tay, bạn sẽ cảm nhận được mùi thơm đặc trưng, ngào ngạt, hòa quyện cùng làn sương mai tinh khôi.

Thực tình thì cái gì tươi mới cũng ngon hơn cả, rau khúc cũng vậy. Rau mới hái mang về làm bánh ngay mùi vị sẽ thơm ngon hơn nhiều. Rau để lâu héo và có "mùi ôi", làm bánh hương vị không được ưng ý.

Những đêm tối mùa đông hay những ngày se lạnh, ở Hà Nội, ai mà chẳng đôi ba lần nghe thấy tiếng rao: "Tôi là bánh khúc đây!". Đó là một sự nhầm lẫn thú vị hằn sâu vào ký ức nhiều người. Tiếng rao ấy nói đúng hơn phải là: "Xôi lạc bánh khúc đây"!

Dù mùa đông lạnh lẽo, gió rét cắt ngang đôi gò má hay những sớm tinh mơ của mùa xuân mới, rau khúc vẫn mang nhiều nét thương nhớ. Đôi khi, người ta nhớ mùi vị của rau khúc "phát điên lên được". Những người lớn lên ở nông thôn, tuổi thơ gắn bó với đồng ruộng, có ai mà không nhớ đến mùa rau khúc tháng 3.

Đôi chân lấm lem len qua những khúc ruộng, nhặt nhạnh những nhành khúc non trên triền đê, bờ ruộng. Hái đầy cả những giỏ mang về cho mẹ, cho bà làm bánh, làm xôi. Ấy thế mà, rau khúc phải hái vào sáng sớm mới ngon, khi trời vẫn ủ những giọt sương đêm trên cành lá màu trắng đục như nhung ấy.

Quê mình gọi thân thương là rau khúc, ở Trung Quốc mùa này người ta cũng thích ăn rau khúc lắm, nhưng ở xứ tỷ dân, người ta gọi là rau/cỏ Thanh minh, cỏ tai chuột. Người dân mộc mạc mình thường gọi rau khúc là thứ "lộc trời cho". Mưa xuân thấm đất, nảy nở lên những ngọn lá xanh tươi mơn mởn ở bờ mương, ruộng cạn. Rồi cũng chỉ quanh quẩn vài bữa là hết nên ai nấy cũng thi nhau hái về trữ đông để cả năm dùng dần.

Kể cũng lạ, chỉ vài nguyên liệu quen thuộc, gần gũi trong căn bếp, các bà, các mẹ làm ra được thứ bánh khúc thơm ngon quện mùi rau khúc nức nở như vậy. Nhân bánh đầy đặn được bọc trong nếp, người thì gọi là bánh khúc, người thì gọi là xôi, nhưng dù cách nào thì món ngon mùa này của rau khúc cũng khiến người ta thương nhớ.

Bột, gạo nếp, đỗ xanh lòng vàng, thịt lợn và dăm ba loại gia vị cùng rau khúc. Dưới đôi tay khéo léo của các bà, các mẹ, bánh khúc nóng hổi ra lò sao mà chân phương và thơm ngon đến thế. Rau khúc khi hái về rửa sạch, giã nhuyễn rồi trộn với bột nếp, nhào thật kỹ để vỏ bánh dai và thơm. Đỗ hạt chắc, mẩy, đều nhau. Thịt lợn cũng là thịt ba chỉ nửa nạc, nửa mỡ ướp cùng hạt tiêu để không quá ngấy mà cũng không quá xác. Dàn đều viên bột ra thêm nhân đậu xanh thịt vào. 

Cứ một lớp gạo một lớp bánh đặt xen kẽ nhau trong chõ đồ xôi. Những hạt nếp ngậm no hơi nước căng mẩy ôm lấy những chiếc bánh khúc dẻo thơm. Thứ mùi thơm nức, ngào ngạt ấy bay lên mới hấp dẫn làm sao.

Bánh chín, mở vung ra từng lớp xôi nếp trắng tinh, viên bánh tròn màu xanh xanh lá khúc... Lót bánh vào lớp lá chuối, cắn một miếng ngập chân răng, người ta có thể cảm nhận được rõ vị dẻo của gạo nếp, vị bùi tơi của đỗ xanh hòa quyện với vị thơm cay của tiêu xay, vị béo ngậy của thịt ba chỉ chín mềm, đọng lại sau cùng là vị rau khúc thơm nức hơi thở mùa xuân. Nhiều người còn ăn kèm thêm hành phi hay muối lạc vừng.

Món xôi khúc tuy dân dã, chân phương ấy lại gói ghém cả nỗi nhớ, niềm thương hồn quê mỗi người, và cả tuổi thơ một thời trong đó. 

Thế nên, mỗi mùa tháng 3 về, rau khúc nở vàng trên triền đê, những giọt sương đêm lấp lánh còn đọng trên thân khúc bạc như nhung, người ta lại thổn thức: Những cây "rau dại" bé bỏng đến thế lại giữ được hồn quê, bảo bọc được tuổi thơ của bao người...

Chia sẻ