Thận trọng với học bổng 'khủng'
Năm học 2023 - 2024, nhiều trường đại học tiếp tục tung các gói học bổng tuyển sinh “khủng” để thu hút thí sinh.
Quỹ học bổng ngày càng tăng
Năm học 2023 - 2024, dù tiếp tục không tăng học phí nhưng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn dành quỹ học bổng lên tới 50 tỷ đồng. Trong đó học bổng Khuyến học trị giá từ 5 - 7 triệu đồng/suất dành cho 2.000 sinh viên đại học chính quy nhập học đầu tiên của khóa 2023, áp dụng trước ngày 30/9.
Trường cũng dành học bổng Tiếp sức đến trường trị giá 6 triệu đồng/suất cho sinh viên trúng tuyển ngành Thanh nhạc, Piano, Kỹ thuật y sinh, Vật lý y khoa, Công nghệ sinh học; học bổng Nữ sinh giảm 20% học phí năm học đầu tiên cho thí sinh trúng tuyển vào các ngành kỹ thuật gồm Hệ thống công nghiệp, Công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, Công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, Kỹ thuật xây dựng, Thiết kế nội thất, Kiến trúc.
Với học bổng Tài năng, trường sẽ giảm 50% học phí năm học đầu tiên đối với sinh viên đoạt giải cao các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, quốc gia và các cuộc thi nghệ thuật quốc gia; sinh viên trúng tuyển ngành Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, với học bổng Nâng bước thủ khoa, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành giảm 100% học phí năm học đầu tiên đối với người học trúng tuyển là thủ khoa đầu vào của toàn trường với mức điểm xét đạt trên 26/30 điểm; giảm 100% học phí năm học đầu tiên đối với sinh viên trúng tuyển là thủ khoa đầu vào của mỗi khoa với mức điểm xét đạt trên 25/30 điểm.
Trường ĐH Văn Hiến tiếp tục thực hiện chính sách học bổng nhằm hỗ trợ sinh viên khó khăn, trong đó học bổng Tài năng sẽ miễn 100% học phí toàn khóa đối với 1 thủ khoa đầu vào cấp trường; Giảm 50% học phí toàn khóa đối với 2 á khoa đầu vào cấp trường, giảm 30% học phí toàn khóa đối với 30 thủ khoa đầu vào của 30 ngành. Đặc biệt, nhà trường hỗ trợ 70% học phí toàn khóa cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, con thương binh/bệnh binh hoặc người dân tộc thiểu số; hỗ trợ 50% học phí toàn khóa cho sinh viên mồ côi cha hoặc mẹ.
Bên cạnh đó, Trường ĐH Văn Hiến còn nhiều chương trình khác như: Chương trình “Kết nối niềm tin” hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, kết quả học tập trung bình - khá trở lên được vay học phí với lãi suất 0%; Học bổng Chắp cánh ước mơ, giá trị 130 triệu đồng/suất; Học bổng Đồng hành cùng Hùng Hậu giảm từ 15% đến 50% học phí toàn khóa; Học bổng Khuyến khích học tập, giá trị từ 2 đến 4 triệu đồng/suất….
Quỹ học bổng cho tân sinh viên năm học 2023 - 2024 của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn (SIU) là 93 tỷ đồng. Cụ thể, trường có 20 suất học bổng Chủ tịch SIU toàn phần, gồm học phí (trị giá khoảng 238-581,2 triệu đồng/suất) và sinh hoạt phí (trị giá 80 triệu đồng/suất) trong 4 năm dành cho học sinh xuất sắc của các trường THPT trên toàn quốc. Học bổng 100% học phí 4 năm tại SIU cho học sinh xét tuyển kết quả THPT tổ hợp 3 môn đạt từ 25 điểm trở lên (không cộng điểm ưu tiên khu vực, đối tượng); xét điểm học bạ lớp 12 với 3 môn tổ hợp đạt từ 27 điểm trở lên và có học lực giỏi cả năm lớp 12; xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM đạt từ 1.000 điểm trở lên.
Năm học 2023 - 2024, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) tiếp tục chính sách học bổng thu hút dành cho sinh viên theo học các ngành đặc thù của nhà trường gồm: Vật lý học, Hải dương học, Kỹ thuật hạt nhân, Địa chất học, Khoa học môi trường. Theo ThS Trần Vũ, Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh, nhà trường đã thực hiện chính sách cấp học bổng (toàn phần và bán phần) nhằm khuyến khích thí sinh lựa chọn khối ngành khoa học phục vụ cho sự phát triển đất nước nhưng ít người học và ít cơ sở đào tạo.
Tỉnh táo lựa chọn
Học bổng tuyển sinh của các trường đại học tung ra ít nhiều có tác dụng thúc đẩy, thu hút thí sinh đăng ký tham gia vào ngành học yêu thích. Tuy vậy, phần lớn chính sách học bổng tuyển sinh chỉ tham gia hỗ trợ tân sinh viên trong năm đầu, các năm học tiếp theo người học cần duy trì tốt thành tích học tập, nếu không sẽ không được xét, thậm chí nhiều trường có yếu tố nước ngoài chỉ xét cấp học bổng trong năm đầu tiên cho sinh viên. Hiện các điều kiện và tiêu chí được nhận 10%, 20%, 30% học bổng miễn giảm học phí ngày càng dễ, gần như “cào bằng” dành cho tất cả sinh viên. Vì vậy, nhiều chuyên gia tuyển sinh khuyên sinh viên cần cân nhắc.
Thực tế, không ít sinh viên vì ham mê chính sách ưu đãi học phí, học bổng từ các trường có chương trình liên kết quốc tế, chọn theo học, để rồi không thể xoay nổi tài chính trong năm học thứ hai. Nguyễn Hải Phương, sinh viên chương trình liên kết quốc tế với Mỹ của Trường ĐH Công nghệ TPHCM đã phải “làm lại từ đầu” khi không thể xoay đủ kinh phí để tiếp tục theo học chương trình liên kết ở năm 3, bởi việc làm ăn của gia đình rơi vào khủng hoảng tài chính.
Việc các trường đại học tung gói học bổng khủng để “hút” thí sinh theo học là cách thức không mới trong các mùa tuyển sinh gần đây. Ông Trần Anh Tuấn, chuyên gia tư vấn tuyển sinh và thị trường nhân lực cho biết, chính sách học bổng chủ yếu đến từ chính học phí của thí sinh được nhà trường tái đầu tư, nhất là trường công theo đuổi cơ chế tự chủ.
“Quỹ học bổng các trường ngày càng tăng, đây là điều đáng mừng. Học bổng trở thành bệ đỡ cho hàng trăm, hàng nghìn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục giấc mơ học tập. Tuy vậy, không ít trường xem học bổng như một “mồi nhử” thí sinh. Một số trường miễn giảm 50 - 100% học tập trong năm đầu để rồi gia tăng chi phí đào tạo và dịch vụ ở các năm sau để bù đắp lại.
Vì vậy, nếu sinh viên chỉ nhìn cái lợi trước mắt, không tính toán đường dài và lộ trình tài chính, sẽ đối diện nhiều khó khăn. Học bổng là chính sách tốt, nhưng trong cơ chế tự chủ tài chính toàn diện như hiện nay, việc giữ vững chính sách học bổng hàng chục tỷ đồng/năm cho từng sinh viên trong suốt quá trình đào tạo là điều không dễ dàng, do đó sinh viên cần phải cân nhắc thật kỹ”, ông Tuấn nói.