13 năm trước, nam sinh bị đàm tiếu vì từ chối vào trường ĐH danh giá, kết quả sau đó khiến ai nấy im lặng
Nam sinh này chỉ dựa vào một câu nói mà xây đắp ước mơ của mình. Với nhiệt huyết và quyết tâm, cuối cùng cậu đã làm được.
Cách đây 13 năm, Lý Chá Viên, một học sinh ở Phúc Kiến (Trung Quốc) đã từ chối đề nghị vào học tại Đại học Thanh Hoa - ngôi trường danh giá hàng đầu của Trung Quốc và Châu Á. Dù giáo viên và gia đình có thuyết phục thế nào cũng vô ích, Lý Chá Viên vẫn giữ vững lập trường tự nộp đơn vào trường đại học mong muốn.
"Con sẽ là người đầu tiên"
Năm Lý Chá Viên 9 tuổi, cha mẹ ly hôn. Mẹ Lý Chá Viên tuy là giảng viên đại học nhưng không có nhiều thời gian ở bên con. Bà gửi Chá Viên đến sống với ông nội. Dưới sự giám sát của ông, kết quả học tập của cậu bé ở trường trung học cơ sở và trung học phổ thông luôn khiến ai nấy ngưỡng mộ.
Một hôm, Lý Chá Viên đang ở nhà mẹ, đúng lúc bà mời các sinh viên đến chơi. Trong lúc trò chuyện, một sinh viên nói: "Tôi dự định sau khi tốt nghiệp sẽ đến Yale để học tiếp". Và chính câu nói này khiến Lý Chá Viên mãi không thể quên. Sau khi học trò của mẹ rời đi, cậu vội vàng hỏi mẹ: "Yale là gì?".
Bà mẹ nói: "Yale là một trường đại học khó vào hơn Thanh Hoa. Ở Phúc Kiến chưa có sinh viên đại học nào được nhận thẳng vào Yale cả". Lý Chá Viên vô tư nói: "Vậy thì con sẽ là người đầu tiên!".
Học kỳ 2 của năm cuối cấp 3, Lý Chá Viên được tiến cử vào Đại học Thanh Hoa nhờ điểm số xuất sắc. Hiệu trưởng và giáo viên rất hào hứng, nhưng ngay sau đó ai nấy tức giận vì học trò của mình thẳng thừng từ chối. Mục tiêu của Lý Chá Viên không phải Thanh Hoa. Như mộng ước từ ngày nghe câu nói "định mệnh" ấy, cậu quyết tâm sẽ vào Yale.
Nhiều người cho rằng cậu quá dại dột, cứ vào Đại học Thanh Hoa, sau đó mới tìm đường đến Đại học Yale có phải an toàn hơn không? Nhưng nam sinh này vẫn kiên định.
Trong hơn 100 ngày "nước rút" chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh đại học, cậu xin nghỉ học dài ngày để tập trung cho mục tiêu. Trước khi có kết quả, nhiều người cho rằng Chá Viên nhất định không thi đỗ. Lý Chá Viên lúc này cũng không nhận ra rằng câu chuyện của mình đã được lan truyền trong trường như một trường hợp tiêu cực "không biết trời cao đất dày".
Ai ngờ sau đó, nam sinh này lại trở thành niềm tự hào của cả trường và dòng họ. Lý Chá Viên cuối cùng được nhận vào Yale.
Phương pháp học tập hiệu quả của Lý Chá Viên
Câu chuyện của Lý Chá Viên đã được truyền miệng khắp các trường đại học ở Trung Quốc. Cậu được các đàn em gọi là "tiền bối quốc dân".
Muốn trúng tuyển vào trường Yale của Mỹ trước hết phải chinh phục được 4000 từ vựng, lúc đó chỉ còn 4 tháng nữa là đến kỳ thi. Rõ ràng là không thể học vẹt, vì vậy Lý Chá Viên đã hỏi ý kiến giáo viên, đọc nhiều thông tin của những học sinh giỏi nhất trên Internet, tổng hợp phương pháp học tập của họ. Điều đáng kinh ngạc nhất là Lý Chá Viên đã thực sự thuộc lòng 4000 từ chỉ trong một tháng.
Đây tất nhiên không phải là một quá trình đơn giản. Trong giai đoạn này, Lý Chá Viên không ngừng ghi nhớ các từ, nhưng luôn quên trước quên sau. Sau một hồi tổng kết, Lý Chá Viên nhanh chóng tìm ra phương pháp học phù hợp với mình.
Cậu chọn phương pháp đọc chuyên sâu trong 5 phút, phương pháp đọc 5W2H, phương pháp ghi chú Cornell để nâng cao hiệu quả ôn tập... Cuối cùng, Lý Chá Viên đạt điểm cao 2200 trong kỳ thi SAT1 (tương đương 1470 của điểm SAT mới); điểm SAT2 tối đa và điểm xuất sắc 116/120 trong bài kiểm tra TOEFL.
Lý Chá Viên thực sự đã làm được. Cậu trở thành sinh viên đầu tiên của tỉnh Phúc Kiến được nhận vào Đại học Yale. Học xong Yale, Chá Viên đến Harvard để học Tiến sĩ và giành được danh hiệu Thanh niên xuất sắc toàn cầu ở tuổi 23. Ở tuổi 28, Lý Chá Viên được chọn là một trong 30 người ưu tú dưới 30 tuổi của Forbes Trung Quốc.
Các chuyên gia giáo dục từ lâu đã chỉ ra rằng khoảng cách giữa người bình thường và những người được gọi là bậc thầy học thuật không nằm ở chỉ số IQ mà chủ yếu là ở năng lực học tập và cách vận dụng phương pháp học tập. Để giúp nhiều sinh viên, Lý Chá Viên đã dành hai năm để viết ra mọi thứ về phương pháp học tập của mình cũng như những suy nghĩ và tiến bộ của anh tại Yale, Harvard... Cuốn sách có tên "Tự học".