Than thân trách phận là chuyện vô dụng nhất trên đời này!
Thái độ quyết định cuộc sống. Miệng nói lời hay, đời dần chuyển tốt.
Trong cuộc sống này, hẳn rằng ai cũng ghét nghèo khổ và thích giàu sang hạnh phúc, nhưng ít người biết được cái nghèo cũng từ miệng mà ra.
Người xưa có câu: Một tiếng than, nghèo ba năm. Thật vậy! Than thân trách phận là chuyện vô dụng nhất trên đời này. Nó không mang lại bất kỳ lợi ích nào, mà còn khiến chúng ta lãng phí thời gian, hao mòn tinh thần, nhụt chí sống tiếp, hơn nữa còn ảnh hưởng tiêu cực đến người xung quanh.
1. Người than nghèo, ngày càng nghèo hơn
Chúng ta thường nghe một vài người xung quanh than oán trách móc về cuộc sống của họ: “Sao nghèo quá? Không có tiền, mua không nổi”, “Cuộc sống sao khó khăn quá! Làm gì mới có nhiều tiền đây?”...
Những người suốt ngày treo chữ nghèo lên cửa miệng này thật ra đang trải qua năm tháng vô nghĩa. Vừa không thể chịu đựng được cái khổ của cuộc sống, lại vừa không sẵn lòng nỗ lực để thoát khỏi vòng luẩn quẩn kia.
Nghèo cũng có hai loại: Nghèo chủ động và nghèo bị động.
Bản thân không có ưu thế về kinh tế, vậy nên mới cố gắng hơn người bình thường gấp trăm lần. Chiến đấu đến cùng mới là người không biết cam chịu số phận. Đây chính là sự nỗ lực chủ động để thay đổi vận mệnh. Đó chính là lý do vì sao xã hội ngoài kia có rất nhiều người, mặc dù không có đủ cái ăn cái mặc nhưng họ vẫn trao cho đời nụ cười. Cười, có thể thật lòng, cũng có thể miễn cưỡng, nhưng chí ít, họ đã dám dùng thái độ lạc quan nhất để sống và hy vọng.
Song, biết rằng bản thân đang ở trong nghịch cảnh, nhưng không chuyên tâm tìm cách vượt qua, mà chỉ biết ngồi đó than thân trách phận, đây là biểu hiện của sự bất lực bị động. Nghèo vẫn hoàn nghèo. Miệng than nghèo kể khổ, đa phần là vì chưa biết đủ với những gì đang có.
Trong tâm có khổ, cả đời không thể nếm được vị ngọt của hạnh phúc.
2. Cuộc đời được tạo nên từ lời ăn tiếng nói
IKEA (hãng nội thất nổi tiếng của Thụy Điển) đã thực hiện thí nghiệm tại một trường học ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).
IKEA đã mang đến trường 2 chậu cây xanh đặt trong lồng kính, được chăm sóc giống nhau với cùng lượng nước, phân bón và ánh sáng mặt trời.
Họ kêu gọi học sinh, sinh viên của ngôi trường này tới dọa nạt, mắng chửi, chê bai một chậu cây bên trái, đồng thời dành những lời khen ngợi cho chậu cây bên phải.
Hai cây giống hệt nhau, nhưng nghe hai ngôn ngữ hoàn toàn khác nhau mỗi ngày. Kết quả sau 30 ngày, chậu cây bị dọa nạt trở nên héo úa, còn chậu cây bên phải phát triển xanh tươi.
Qua đó có thể thấy, ngôn ngữ có sức mạnh khủng khiếp như thế nào. Con người cũng giống hai chậu cây kia. Cách bạn sử dụng ngôn từ đối xử với thế giới sẽ quyết định cuộc sống của chính bạn.
Người ta có câu: “Người nghèo không thể nhiều lời”. Hiện thực phũ phàng thế đấy! Khi bạn thua thiệt về kinh tế, tự nhiên không có người quan tâm, nói nhiều đến mấy cũng thành vô nghĩa…
Thật ra, nghèo không đáng sợ, mà đáng sợ nhất là cái nghèo nàn đến từ tiềm thức và tư duy. Tâm mà nghèo thì số mệnh cũng chẳng thể khấm khá.
Thái độ quyết định cuộc sống. Miệng nói lời hay, đời dần chuyển tốt.
3. Muốn đời phú quý, trước tiên nuôi dưỡng cái miệng biết nói lời hay
Không phải tự nhiên ông cha ta có câu: "Ngôn từ chính là tiếng lòng của một người".
Muốn biết một người có số phú quý hay không, quan sát cách họ nói năng đối xử với đời thì biết ngay!
Nói lời hay ý đẹp, giữ nguyên tắc tôn trọng, không xúc phạm, không mỉa mai châm biếm, phú quý tự nhiên còn mãi. Lời nói ra không sạch sẽ, khiến người khác tổn thương, làm nhiều việc thiện đến mấy cũng vô ích.
Mỗi lời nói thiện lành đều giúp bạn tích phúc, tu tâm dưỡng tính. Con người muốn giàu sang hạnh phúc, vậy thì hãy nuôi dưỡng trái tim biết yêu thương, biết nói lời hay, làm việc thiện. Số mệnh ra sao, âu cũng do mình tạo ra!
Nguồn: Zhihu