Cụ bà Nhật Bản chia sẻ 10 bí quyết tiết kiệm đơn giản, sống 'tận dụng chắt chiu' nhưng vẫn sang
Bà Yoko được nhiều tạp chí liên hệ phỏng vấn, chia sẻ cho độc giả bí quyết tiết kiệm. Phong cách sống của bà trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bạn trẻ Nhật Bản.
Nhật Bản có một người phụ nữ “siêu tiết kiệm”, còn được lên cả sóng truyền hình bởi 40 năm qua mỗi ngày chỉ tiêu khoảng 1.000 yên (hơn 170 nghìn đồng).
Được biết, một bát cơm bình thường trong quán ăn gia đình Nhật khoảng 700 yên (gần 120 nghìn đồng), một bát mì ramen đơn giản cũng hết 600 yên (hơn 100 nghìn đồng), xâu đồ chiên 100 yên (hơn 17 nghìn đồng), vé xem phim thông thường khoảng 1.800 yên (hơn 300 nghìn đồng).
Đối với một đất nước có mức sống cao, vật giá leo thang như Nhật Bản thì con số chi phí của bà Ogasawara Yoko (72 tuổi) bỏ ra mỗi ngày đã là rất khiêm tốn.
Theo tư liệu thống kê của Nhật Bản, mức chi tiêu trung bình của một người Nhật 2.378 yên/ngày (hơn 400 nghìn đồng). Thế mà bà Yoko chỉ sống với 1.000 yên mỗi ngày trong suốt 40 năm đấy!
Bà Yoko được nhiều tạp chí liên hệ phỏng vấn, chia sẻ cho độc giả bí quyết tiết kiệm. Ly hôn từ năm 30 tuổi, bà Yoko sống một mình nhưng vẫn cảm thấy vui vẻ. Cuộc sống tối giản nhưng vẫn “rất sang” của bà được nhiều người trẻ Nhật Bản học tập theo.
Năm 2021, bà Yoko đã tiết lộ 10 bí quyết tiết kiệm tâm đắc trong chương trình buổi sáng Mezamashi 8.
1. Nhiều người Nhật Bản thích uống trà và hầu như ai cũng pha trà bằng ấm. Bà Yoko thì khác, bà cho lá trà trực tiếp vào cốc với lượng vừa đủ trong một lần uống. Lá trà ngâm xong còn có thể ăn với cơm. Bữa ăn chỉ sử dụng một cái bát để tiết kiệm bát đĩa và tiền nước.
2. Thay thế hộp khăn giấy bằng giấy vệ sinh hình ống. Một cuộn giấy vệ sinh ở Nhật Bản có giá khoảng 25 yên (hơn 4 nghìn đồng). Yoko đã sử dụng giấy vệ sinh thay khăn giấy thông thường với giá 60 yên (hơn 10 nghìn đồng), vì nhiều và rẻ hơn.
3. Giữ lại hóa đơn siêu thị để làm giấy ghi chú đơn giản.
4. Sử dụng triệt để các nhu yếu phẩm hàng ngày, đặc biệt là những thứ có bao bì hình ống khó tận dụng hết như kem đánh răng, sữa rửa mặt. Bà Yoko cắt đôi khi tuýp kem gần hết và sử dụng đến khi sạch sẽ mới vứt đi.
5. Sử dụng tờ rơi, giấy báo miễn phí để lót bàn. Một, không cần phải tốn tiền mua khăn trải bàn. Hai, bị vấy bẩn thì có thể vứt luôn, không cần tốn thêm công đoạn lau chùi và rửa sạch. Hơn nữa, hình ảnh mỹ thực trên tờ quảng cáo cũng giúp bà ngon miệng hơn mặc dù chỉ ăn cơm với lá trà đạm bạc.
6. Bà Yoko chưa từng tốn tiền cho gia vị nấu ăn. Khi ăn natto (đậu tương lên men) và mì, bà thường giữ lại những gói gia vị và nước sốt để dùng vào những lúc nấu ăn sau đó.
7. Giữ lại vỏ cam và chanh, sau đó phơi khô, tự chế thành mứt dùng để uống trà.
8. Bà Yoko đặt ra quy định sử dụng số tiền nhất định trong mỗi ngày và mỗi tuần. Dùng ghim kẹp xấp tiền giấy để nhắc nhở bản thân không tiêu xài lung tung.
9. Mua sắm theo danh sách đã liệt kê trước đó, kiên quyết chỉ mua trong giới hạn. Đi nhanh trong siêu thị, không đi chậm rãi xem xét vì nó sẽ khiến lòng muốn mua sắm trỗi dậy và trở nên tùy tiện. Đến quầy tính tiền, ép buộc bản thân trả lại một món hàng để nhắc nhở mình phải tiết kiệm hơn.
10. Sử dụng lại hộp nhựa đựng thức ăn còn dùng tốt, thay thế cho bát đĩa thông thường.
Nhiều người cho rằng bà Yoko sống chắt chiu như vậy thì quá mức kham khổ, môi trường sống tạm bợ. Song sự thật không phải vậy. Bà Yoko vẫn rất "chill" trong căn nhà nhỏ vô cùng ngăn nắp, sạch sẽ, tối giản và vẫn rất "thời thượng".