Thảm họa vỡ đập thủy điện ở Lào: Người Việt ở Attapeu ra sao?
Người Việt đang sinh sống ở tỉnh Attapeu (Lào) chủ yếu sống ở vị trí cao và cách xa nơi xảy ra thảm họa vỡ đập thủy điện nhưng vẫn đang lo sợ nước sẽ lên cao và gây ngập lụt trong thời gian tới.
Liên quan đến vụ thảm họa vỡ đập thủy điện ở Lào khiến hàng trăm người chết và mất tích , tối 24/7 PV VTC News liên hệ chị Đoàn Thúy Vy (hiện đang sinh sống ở tỉnh Attapeu - nơi xảy ra thảm họa vỡ đập thủy điện) và được chị này thông tin về tình hình người Việt sinh sống ở Attapeu sau thảm họa vỡ đập thủy điện.
Theo chị Đoàn Thúy Vy, người Việt ở Attapeu chủ yếu sống ở cách xa dự án thủy điện bị vỡ đập nên không bị ảnh hưởng bởi ngập lụt. Những người Việt sống ở khu bị ảnh hưởng bởi thảm họa vỡ đập cũng đã được di tản đến những vị trí an toàn.
Những người Việt sinh sống ở khu vực bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ vỡ đập thuỷ điện ở Lào đang nỗ lực di chuyển đồ đạc, con người lên nơi an toàn.
Tuy nhiên, theo chị Đoàn Thúy Vy, hiện chính quyền địa phương đang cảnh báo nước lũ có thể dâng cao trong đêm và không ngoại trừ khả năng sẽ gây gập lụt ở những nơi có đông người Việt sinh sống.
Hiện bà con người Việt ở Attapeu vẫn sống trong lo lắng và luôn chuẩn bị tinh thần di dời đến nơi an toàn trong những tình huống khẩn cấp. "Dự kiến trong tối nay và ngày mai sẽ còn di dời nữa", chị Đoàn Thúy Vy thông tin.
Trong khi đó, chị Trần Thị Mười (quê huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế và hiện đang làm tại nông trường của Công ty Hoàng Anh Gia Lai ở Lào) cho biết, chị làm ở gần ngay khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng của thảm họa vỡ đập thủy điện khiến hàng trăm người chết và mất tích. Tuy nhiên, hiện tại chị và một số người khác đã được di dời về trụ sở của Công ty Hoàng Anh Gia Lai.
Chị Trần Thị Mười cho biết, hiện chưa có người Việt nào mất tích hoặc chết sau thảm họa vỡ đập thủy điện ở tỉnh Attapeu. Tuy nhiên, theo chị Mười, hiện vẫn còn rất nhiều công nhân của Công ty Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn ở khu vực nguy hiểm và chưa được di dời đến vị trí an toàn.
Chị Mười thông tin, chỉ tính riêng ở nơi chị làm việc có hơn 100 công nhân thì mới có hơn 20 người được di cư đến nơi an toàn. Số còn lại hiện vẫn đang phải sống ở vị trí cao trên nông trường nhưng nước đang lên cao và có thể gây nguy hiểm cho họ.
Trả lời báo chí, ông Lê Văn Hùng - Trưởng ban Ban Quản lý các dự án Nam Lào, Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Lào thành phố Đà Nẵng cho biết hiện đang nỗ lực rà soát, liên lạc với các đầu mối doanh nghiệp, và bà con Việt kiều để nắm tình hình sau sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Nam Noy (thuộc tỉnh Attapeu, Đông Nam Lào) bị vỡ vào tối 23/7.
Ông Hùng cho biết, vừa liên lạc với Tổng lãnh sự Việt Nam tại Pakse, tỉnh Champasack, Lào để nắm tình hình. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, vẫn chưa có thông tin nào cho biết bà con Việt kiều bị ảnh hưởng sau sự cố vỡ đập thủy điện.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, một chủ doanh nghiệp ở quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng có nhiều dự án tại các tỉnh Nam Lào, rất ít khả năng người Việt bị nạn trong sự cố vỡ đập.
Theo ông Thanh, khu vực bị ngập lũ sau sự cố vỡ đập chủ yếu người Lào sinh sống. Người Việt tại Nam Lào nói chung và Attapeu nói riêng thường chỉ sang buôn bán, khai khoáng, làm các dịch vụ liên quan đến khai thác, chế biến gỗ...
Tuy nhiên thời gian gần đây, chính quyền Lào đã siết chặt việc mua bán, khai thác gỗ, khai khoáng nên nhiều người Việt đã về nước. Mặt khác, công nhân tại các công ty cao su của Việt Nam cũng ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ, người Lào.
Hãng thông tấn nhà nước Lào (LNA) cho hay, vụ vỡ đập thủy điện xảy ra tại con đập ở phía đông nam tỉnh Attapeu đêm 23/7, khiến 5 tỷ m3 nước thoát ra ngoài, làm "nhiều người thiệt mạng và hàng trăm người mất tích.
Công ty thi công xây dựng đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy cho biết, nguyên nhân ban đầu gây vỡ đập là do mưa lớn kéo dài và lũ lụt gây ra.
Đập thủy điện Xepian-Xe Nam Noy đang được xây dựng bởi Công ty Năng lượng Xepian-Xe Nam Noy (PNPC). PNPC được thành lập vào tháng 3/2012 bởi SK Engineering & Construction (SK E&C), công ty Western Power của Hàn Quốc (KOWEPO), công ty điện lực Ratchaburi của Thái Lan (RATCH) và tập đoàn nhà nước Lào Laos Holding State Enterprise. (LHSE).
SK E & C hiện nắm giữ 24% cổ phần trong khi PNPC, LHSE 26%, RATCH và KOWEPO chia đều số cổ phần còn lại. Công trình thủy điện này, ước tính tiêu tốn 1,02 tỷ USD, là dự án BOT đầu tiên được thực hiện bởi các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Lào.
Sự cố vỡ đập thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy khiến hàng trăm người thiệt mạng và mất tích. Trong đó, 6 ngôi làng ở Sanamxay bao gồm Yai Thae, Hinlad, Mai, Thasengchan, Tha Hin, Samong. Thảm họa đã khiến khoảng 1.300 hộ dân mất nhà cửa.
Liên quan đến vụ việc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã hoãn các cuộc họp chính phủ để đến khu vực bị ảnh hưởng tại Sanamxay cùng giới chức cấp cao để giám sát nỗ lực khắc phục hậu quả, theo truyền thông nhà nước Lào.