Thảm họa sập cầu ở Baltimore: Ai sẽ chịu trách nhiệm đền bù?
Vụ sập cầu được cho là sẽ gây ra thiệt hại kinh tế và nêu bật vấn đề chất lượng cơ sở hạ tầng của Mỹ.
Vụ sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Mỹ sau khi bị tàu container Dali đâm vào hôm thứ Ba đã đặt ra những câu hỏi cấp bách về vụ việc xảy ra như thế nào và tại sao nó lại có tác động lớn như vậy.
Thống đốc bang Maryland là Wes Moore đã ban bố tình trạng khẩn cấp khi lực lượng cứu hộ tìm kiếm những người mất tích sau khi cây cầu sập xuống sông Patapsco.
Finantial Times nêu ra một số điểm quan trọng sau thảm họa xảy ra vào khoảng 1h30 sáng (giờ địa phương).
Kiểu va chạm này có hay xảy ra không và nguyên nhân là gì?
Câu trả lời là hiếm. Tuy vậy, theo báo cáo năm 2018 của Hiệp hội Cơ sở hạ tầng Giao thông Đường thủy Thế giới, Mỹ chiếm phần lớn trong số 35 vụ sập cầu do tàu hoặc sà lan gây ra từ năm 1960 đến năm 2015.
Rủi ro va chạm cao hơn khi thương mại hàng hóa quốc tế tăng lên và tàu ngày càng lớn hơn.
Dali là một trong những loại tàu lớn được thiết kế để có thể tận dụng bộ âu tàu lớn hơn của Kênh đào Panama hoàn thành vào năm 2016. Kích thước của con tàu có thể là yếu tố quan trọng dẫn đến vụ va chạm.
Các cạnh lớn và dốc của các tàu container này cũng có thể khiến tàu dễ bị ảnh hưởng trước gió lớn.
Việc vào và rời cảng là những thời điểm nguy hiểm trong hành trình của tàu, vì vậy các tàu điều hướng trong vùng nước hạn chế thường có một hoa tiêu hiểu rõ về địa hình nơi đó.
Cây cầu có chịu được tác động tốt hơn không?
Robert Benaim, thành viên của Học viện Kỹ thuật Hoàng gia Vương quốc Anh, cho biết vụ tai nạn cho thấy mức độ bảo vệ xung quanh các trụ cầu khỏi tác động mạnh các con tàu còn yếu.
Các chuyên gia cho biết, cầu Francis Scott Key được thông vào năm 1977 và do đó có thể không được thiết kế với quy mô của các tàu container hiện đại. David Knight, cố vấn chuyên môn của Viện Kỹ sư Xây dựng Vương quốc Anh cho biết: “Tác động của tàu là yếu tố quan trọng cần cân nhắc trong việc thiết kế các cây cầu nhịp lớn và hiện đại ở các khu vực giao thông đông đúc”.
Cơ sở hạ tầng cầu ở Mỹ đang có vấn đề?
Chín năm trước, Bộ Giao thông vận tải Mỹ cảnh báo về tình trạng cầu và đường “xuống cấp nghiêm trọng”. Báo cáo của Hiệp hội Kỹ sư Xây dựng Hoa Kỳ năm 2021 cho thấy 42% cây cầu ở Mỹ có tuổi thọ hơn 50, và 7,5% được đánh giá là “thiếu kết cấu.”
Các cây cầu với tuổi thọ ngày càng tăng đang gồng mình trước tải trọng lớn và thiếu kinh phí để sửa chữa.
Sự cố gần giống với thảm họa cầu Francis Scott Key diễn ra vào năm 1980, khi tàu chở hàng rời Summit Venture đi chệch hướng và va chạm với cầu Sunshine Skyway ở Tampa, Florida. Vụ tai nạn gây sập cầu và khiến 35 người thiệt mạng.
Nhiều vụ va chạm gần đây được cho là do lỗi thiết kế hoặc do bảo trì kém, hoặc là cả hai. Trong số đó có vụ sập cầu Interstate 35W bắc qua sông Mississippi năm 2007, khiến 13 người thiệt mạng. Nguyên nhân được cho là do cầu yếu do tải trọng quá lớn.
Năm 2022, cây cầu Fern Hollow ở Pittsburgh bị sập. Các nhà điều tra cho rằng nguyên nhân là do thiếu công tác kiểm tra và bảo trì.
Theo Hiệp hội Xây dựng Đường bộ và Giao thông Hoa Kỳ, hơn một phần ba nhịp cầu tại Mỹ cần được sửa chữa và thay thế, và việc này sẽ tiêu tốn hơn 319 tỷ USD.
Ai sẽ đền bù cho thiệt hại?
Theo Tổng thống Joe Biden, Chính phủ liên bang sẽ chịu trách nhiệm. Tuy vậy, chi phí vẫn chưa được tiết lộ.
Ngành bảo hiểm cho rằng đó sẽ một khoản chi phí khổng lồ. Một số người trong ngành nói với Financial Times rằng vẫn còn quá sớm để đưa ra ước tính, nhưng các công ty bảo hiểm có thể bồi thường những tổn thất lớn như hư hỏng cây cầu, gián đoạn cảng và tổn thất về người.
Nhiều người cho biết trọng tâm có thể sẽ là bảo hiểm bảo vệ và bồi thường cho con tàu – một loại bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc nhằm chi trả cho các vụ tai nạn, tràn dầu và các thảm họa khác. Một chuyên gia bảo hiểm hàng hải cho biết khoản chi trả bảo hiểm trách nhiệm, bao gồm cả hư hỏng cầu, có thể tương đương với khoản tiền kỷ lục 1,5 tỷ USD được trả vụ tai nạn tàu du lịch Costa Concordia năm 2012.
Tác động kinh tế của vụ tai nạn là gì?
Các quan chức bang Maryland cho biết hôm thứ Ba rằng hoạt động vận chuyển ra vào cảng sẽ bị đình chỉ cho đến khi có thông báo mới.
Theo văn phòng thống đốc Maryland, mặc dù cảng này nhỏ hơn so với New York và New Jersey, nhưng đây là cảng nhập cảnh chính ở bờ đông dành cho ô tô nhập khẩu.
Năm 2023, lượng hàng hàng hóa quốc tế xử lý hàng ngày tại cảng cao kỷ lục 52,3 triệu tấn với tổng trị giá 80 tỷ USD. Trong số này có hơn 847.000 ô tô và 1,3 triệu tấn máy móc nông nghiệp và xây dựng. Đây cũng là cơ sở xuất khẩu than nhộn nhịp thứ hai của Mỹ. Khoảng 140.000 việc làm liên quan đến cảng được tạo ra.
Các hãng ô tô bao gồm General Motors và Ford cho biết hôm thứ Ba rằng họ sẽ định tuyến lại các chuyến hàng đến các cảng gần đó, trong khi Nissan cho biết họ không nghĩ sẽ có gián đoạn quá lớn. Toyota cho biết một số hoạt động xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng, trong khi Volvo và JLR cũng sử dụng cảng này.
Các nhà phân tích cảnh báo rằng thảm kịch xảy ra vào thời điểm ngành vận tải biển đang gặp khó khăn bởi các vấn đề như hạn hán ở kênh đào Panama và xung đột ở Biển Đỏ.
“Có khả năng các cảng bờ biển phía đông lớn hơn của Hoa Kỳ như New York/New Jersey và Virginia lân cận có thể xử lý thêm lượng container nhập khẩu nếu không thể tiếp cận Baltimore. Điều này có thể hạn chế tác động đến giá cước vận chuyển hàng hóa đường biển”, Emily Stausbøll, nhà phân tích thị trường tại Xeneta, nhận định.
“Tuy nhiên, công suất cảng hiện chỉ còn rất ít và điều này sẽ khiến chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương trước bất kỳ áp lực nào nữa”, người này nói.
Theo FT