Thảm họa động đất: Số người tử vong gần chạm dự báo tử thần của Mỹ

Anh Thư,
Chia sẻ

Số người thiệt mạng vì thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria tiếp tục tăng chóng mặt trong khi các chuyên gia cho rằng lực lượng cứu hộ còn rất ít thời gian.

Theo The New York Times, chỉ riêng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã có 6.000 tòa nhà đổ sập và gần 7.000 người thiệt mạng tính đến chiều 8-2; trong khi Syria báo cáo con số tử nạn hiện khoảng 2.500 người.

Như vậy, số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới 9.500 người - gần chạm mốc mà Cơ quan Khảo sát địa lý Mỹ (USGS) dự báo trước đó. Dựa trên các mô hình động đất lịch sử, USGS cho rằng 47% khả năng số tử nạn sẽ lên tới 10.000 người. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra một dự báo u ám hơn - khoảng 20.000 nạn nhân thiệt mạng.

Báo cáo từ các lực lượng cứu hộ cho biết đã giải cứu hơn 8.000 người bị mắc kẹt chỉ riêng tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng nhiệt độ xuống dưới mức đóng băng khiến thời gian để hy vọng còn rất ít.

Thảm họa động đất: Số người tử vong gần chạm dự báo tử thần của Mỹ - Ảnh 1.

Một phụ nữ ôm mặt khóc bên cạnh một tòa nhà bị sập ở Kahramanmaras - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8-2 - Ảnh: REUTERS

Vào đầu ngày 8-2, một đội cứu hộ động đất từ Trung Quốc với 82 thành viên, 20 tấn vật tư và thiết bị y tế - cứu hộ, 4 chú chó nghiệp vụ, đã hạ cánh xuống sân bay Adana, thuộc tỉnh Adana - Thổ Nhĩ Kỳ để tiếp ứng.

Ở Thổ Nhĩ Kỹ, các nỗ lực cứu hộ kéo dài hàng trăm km qua 10 tỉnh bị thiệt hại gặp khó khăn nghiêm trọng vì những con đường bị hư hại nặng nề đến mức không thể sử dụng.

Hải quân Thổ Nhĩ Kỳ đã điều các tàu chở máy móc hạng nặng, chăn, máy phát điện, thực phẩm... đến vùng thảm họa. Cơ quan ứng phó tình trạng khẩn cấp nước này cũng điều thêm 16.000 nhân viên, 3.000 máy móc và 600 cần cẩu riêng cho nhiệm vụ di dời các mảnh vỡ.

Thảm họa động đất: Số người tử vong gần chạm dự báo tử thần của Mỹ - Ảnh 2.

Nhân viên cứu hộ dìu một người đàn ông đang khóc ra khỏi khu vực đổ nát ở Hatay - Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8-2 - Ảnh: REUTERS

"Chúng ta đang đối mặt với một trong những thảm họa lớn nhất từ trước đến nay trong khu vực" - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu từ thủ đô Ankata khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng tại các tỉnh bị ảnh hưởng.

Một sự cố khác cũng làm gián đoạn việc vận chuyển hàng tiếp tế đến Thổ Nhĩ Kỳ, đó là đám cháy lớn bùng phát hôm 7-2 tại một trong các cảng lớn của nước này.

Tại Syria, các nỗ lực cứu hộ gặp nhiều khó khăn bởi vị trí của các khu vực động đất, vốn bao gồm cả vùng chính phủ kiểm soát và phe đối lập kiểm soát. Chưa kể cửa khẩu viện trợ duy nhất được Liên Hiệp Quốc (LHQ) phê duyệt giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đóng do thiệt hại từ động đất.

Tuy nhiên, vẫn có hy vọng viện trợ tiếp cận được các khu vực do phiến quân kiểm soát bằng các tuyến đường mới được mở hôm 7-2 bằng một tuyên bố đặc biệt từ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Syria Faisal Mekdad.

Chia sẻ