Thảm cảnh nhà nghỉ, nhà thuê trong "bão COVID-19": Cho thuê – đi thuê đều "méo mặt"
Rất nhiều khó khăn xảy đến đối với chủ nhà cho thuê và người đi thuê trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ nhiều ngày nay khắp các con phố, ngõ nhỏ bắt đầu xuất hiện những tấm biển "cho thuê…" hoặc "sang nhượng…" treo trước cửa. Thảm cảnh này không chỉ diễn ra ở phân khúc nhà trọ, mà những mặt bằng kinh doanh hàng quán hoặc nhà nghỉ và khách sạn cũng chung cảnh ngộ.
Có nhà cho thuê cũng phải than nghèo kể khổ
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Vân trên phố Quan Nhân, quận Thanh Xuân cho hay, những ngày cuối tháng vừa qua đã phải đi vay mượn khắp nơi để đóng tiền nhà cho chủ (bà Bằng là thứ cấp).
Theo bà Vân, cách đây 3 năm gia đình bà ký hợp đồng dài hạn với một ông chủ, thuê lại căn nhà 5 tầng (30 phòng) để cho thuê lại.
"Ký hợp đồng 10 năm, đóng tiền 1 năm/ lần thì người ta mới cho sửa sang. Khi mới hoạt động được hơn 1 năm thì xảy ra đợt dịch năm ngoái, nghĩ rằng sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này, ai ngờ tiếp theo một lần nữa", bà Bằng cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công nhân và sinh viên về quê, hiện tại chỉ còn lại 3 phòng có người trụ lại nhưng họ vẫn phải nợ tiền nhà.
"Mình phải đi thuê lại để kinh doanh, đề xuất khó khăn với chủ nhà nhưng không được. Họ nói rằng; hai ông bà chỉ có chút tiền cho thuê nhà để sinh sống, nếu mình không thuê thì họ cho người khác thuê…", bà Vân chia sẻ.
Không đến nỗi khó khăn như bà Vân, nhưng một ông chủ hiện có hơn 20 phòng trọ rẻ tiền trong khu vực đất chờ giải tỏa trên địa bàn quận Hoàng Mai cho hay, hiện nay những người thuê chủ yếu là dân lao động, tài xế taxi. Do khó khăn không có việc làm nên người thuê đã bỏ về quê, không biết họ có quay lại không nhưng khóa cửa cả tháng nay, tiền nhà vẫn chưa trả.
"Mỗi năm đầu tư vài chục triệu để sửa sang, bảo trì nhưng thu lại cũng không đáng bao nhiêu. Tiền nhà không thu được một cục của người thuê, mà chủ yếu tháng nào thu tháng đấy. Hai năm trở lại đây thu tiền nhà rất khó khăn, có những phòng đóng cửa cả tháng, tôi nghĩ rằng người thuê sẽ không quay lại, treo biển nhưng chẳng có ai hỏi han gì", ông Thọ cho biết, số tiền cho thuê phòng thu được thì tới đây chỉ đủ để sửa sang lại những căn phòng ọp ẹp.
Nhiều chủ nhà cho thuê mặt bằng kinh doanh buôn bán cũng vậy, theo chia sẻ của chị Luyến chủ nhà trên phố cổ, gia đình chị cho người Hàn Quốc thuê để mở nhà hàng. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 hồi năm ngoái, chủ nhà hàng thua lỗ nên xin giảm giá từ 100 triệu xuống còn 60 triệu, nhưng tiếp tục bị đóng cửa theo chỉ thị giãn cách nên tiện thể đã giải thể.
"Hơn 1 năm nay đóng cửa, hồi ban đầu hy vọng sẽ hết dịch nên không cho người khác thuê, có người đề xuất cho thuê cả nhà 30 triệu/ tháng. Tôi nghĩ số tiền này chẳng đủ để tu sửa, bảo trì nên không cho thuê, cứ chập chờn vậy mà đã 1 năm nay bỏ không rồi", chị Luyến cho hay.
Chị Thu Trang ở quận Cầu Giấy, người đi thuê lại 2 căn nhà ở trong ngõ để kinh doanh nhà nghỉ cũng có nguy cơ phá sản vì không có khách.
"Mặc dù dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn không bị cấm nhưng gần như không có người đến thuê. Trước đó tôi thường xuyên nhận được các tốp khách từ tỉnh lẻ về họp, hội nghị, hội thảo, bây giờ thì họ online rồi. Ngoài ra nhiều lý do khác khiến khách không dám vào nhà nghỉ, bởi vì sợ hệ lụy đến lịch trình. Thậm chí, có khách vào đến cửa còn quy ra, họ sợ rằng không may có ai đó liên quan thì chỉ cần trích xuất là ra hết…", chị Trang chia sẻ và cho biết, cả năm kinh doanh được lại đồng nào thì vào tay chủ nhà hết.
Bỏ của chạy lấy người
Còn người đi thuê thì sao?
Anh Trần H,. trên phố Trương Định chia sẻ, vợ chồng anh thuê ngôi nhà trong ngõ rồi đầu tư thiết bị chuyên về giáo dục để cho thuê, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phải đóng cửa.
"Hai năm nay, cứ hoạt động được một vài tháng lại phải đóng cửa, bây giờ thì chịu rồi. Do không có tiền trả cho chủ nhà nên vợ chồng tôi chưa thể đàm phán được với họ, số thiết bị đã đầu tư ra bây giờ không thể lấy lại được vì đã bị chủ nhà chốt nợ nên đành phải bỏ của và hủy hợp đồng", anh H chia sẻ.
Anh Trần M. tài xế taxi, trú tại Hoàng Mai chia sẻ khó khăn: "Dịch lần này đúng thời điểm nắng nóng, tiền điện 4 triệu/ số, tiền nhà không giảm đồng nào. Khi liên hệ với chủ nhà để xin giảm thì người ta cũng thể hiện sự khó khăn không kém, họ nói rằng nhiều phòng cho thuê không lấy được tiền và nhiều phòng không có người thuê, trong khi đó thuế má lại tăng", anh M. cho biết, riêng khu trọ của anh có khoảng 20 người làm nghề taxi, hiện tại chỉ còn vài tài xế trụ lại.
"Thậm chí nhiều cặp vợ chồng đã phải cuốn gói, mang con nhỏ về quê để xin học rồi. Ở trên này rất khó khăn, không có tiền thuê người trông con...", anh M nói thêm.
Hơn 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch
Ngày 29/6, Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6.2021 với nhiều quyết định quan trọng, mang tính đột phá.
Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 bổ sung thêm nhiều nội dung mới so với Nghị quyết 42 năm 2020 của Chính phủ. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tổng kinh phí hỗ trợ khoảng hơn 26.000 tỷ đồng.
Về nội dung này, Thủ tướng yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan bám sát, thực hiện nghiêm túc các kết luận của Bộ Chính trị. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bảo đảm chính sách phủ kín được những người cần hỗ trợ, trong đó bổ sung thêm đối tượng hỗ trợ là lao động tự do.
Thủ tướng nhấn mạnh, Nghị quyết này phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, khách quan, công bằng, đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số người dân và đòi hỏi của thực tiễn. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát chặt chẽ, xử lý nghiêm các sai phạm, không để xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện chính sách.
Đồng thời, căn cứ tình hình thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung về đối tượng, thời gian, mức hỗ trợ bảo đảm thỏa đáng, phù hợp tình hình.