Thách thức thời đại từ bức ảnh hai người đàn ông ôm nhau
Ấn Độ ngày nay gần như không còn hà khắc với đồng tính luyến ái. Tuy nhiên, trở lại những năm 1980, đó là điều cấm kỵ. Nhiếp ảnh gia Sunil Gupta thách thức thời đại bằng bức ảnh hai người đàn ông ôm nhau nơi công cộng.
Bức ảnh hai người đàn ông ôm nhau
Đối với nhiều người, bức ảnh hai người đàn ông ôm nhau bên cạnh công trình mang tính biểu tượng của New Delhi là Cổng Ấn Độ không ấn tượng. Tuy nhiên, trở lại năm 1986, khi bức ảnh ra đời, nhiếp ảnh gia Sunil Gupta dường như tạo ra được một tác phẩm mang tính cách mạng cho đồng tính luyến ái.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN từ Vương quốc Anh, Sunil Gupta kể về quá trình chụp ảnh. Ông cho biết việc đàn ông có những cử chỉ thân thiết ở nơi công cộng không gây nhiều chú ý bởi nó khá phổ biến và không mang ý nghĩa lãng mạn, chỉ đơn thuần là đùa giỡn nhau. Thậm chí, Gupta còn thu hút ánh mắt tò mò hơn từ người đi đường vì “tôi đứng đó với giá 3 chân và máy ảnh”.
Tuy nhiên, mọi người không biết Gupta đang tạo ra một tác phẩm nghệ thuật có sức mạnh lật đổ cái mà ông mô tả là “bầu không khí nghẹt thở” của Ấn Độ vào thập niên 1980. Thời điểm đó, đồng tính luyến ái bị cấm tại quốc gia Nam Á. Việc quan hệ tình dục đồng giới có sự đồng thuận cũng bị coi là hành vi phạm tội trái tự nhiên.
Bức ảnh nằm trong bộ ảnh có tên Exiles của Gupta. Exiles lần đầu tiên được giới thiệu công khai ở Anh vào năm 1987 và hiện đang được trưng bày tại Hội chợ Nghệ thuật Ấn Độ ở New Delhi (9-12/2).
Cảnh trong bộ ảnh chủ yếu được chụp ngoài trời tại những địa điểm xung quanh thủ đô của Ấn Độ. Những người đồng tính nam thường ngồi trên các băng ghế hoặc xuất hiện ở những nơi công cộng phổ biến với những người có nhu cầu tìm bạn tình. Khu vườn của đài tưởng niệm chiến tranh nổi tiếng là một trong những nơi như vậy. Gupta biết được điều này nhờ quãng thời gian 11 năm sống New Delhi và thường xuyên đi qua khu vực Cổng Ấn Độ để tới trường.
Vì lý do riêng tư và an toàn cho các nhân vật, Gupta thường không chụp mặt hoặc để họ quay lưng với máy ảnh. Ông xem các nhân vật như cộng tác viên để tránh tình huống bị lộ. Sau khi chụp ảnh và hoàn thiện ở London, ông trở lại quê nhà, liên lạc với các nhân vật để đảm bảo họ thoải mái với những bức ảnh mà ông chọn cho buổi triển lãm riêng.
Về bức ảnh chụp ở Cổng Ấn Độ, dù có nhiều bức ảnh thể hiện rõ nét hơn về đồng tính nam, Gupta cố tình chọn bức ảnh ở mức độ vừa phải đưa vào trong bộ ảnh. Ông cũng bỏ tâm giải thích cho nhân vật hiểu rằng hình ảnh thân mật của họ không được xuất bản tràn lan, mà phải xem trên tạp chí độc quyền.
Sứ mệnh lịch sử
Dù Exiles cho thấy hình ảnh hiếm hoi về cuộc sống của người đồng tính ngoài phương Tây, Gupta thực chất muốn hướng đến người xem ở London. Kỳ thị đồng tính tràn lan ở Anh vào những năm 1980. Nhiếp ảnh gia sinh năm 1953 cho biết phải đối mặt với nhiều sự thù địch ở trường nghệ thuật vì thực hiện các tác phẩm liên quan đến giới tính.
“Tôi không thể tạo ra tác phẩm đồng tính, đặc biệt là tác phẩm đồng tính về Ấn Độ. Không có tài liệu nào trong thư viện để tham khảo. Vì vậy, tôi nghĩ mình đang thực hiện sứ mệnh là tạo ra một số, không phải cho Ấn Độ mà cho cả hệ thống – chúng ta cần có những người Ấn Độ đồng tính trong thư viện hay trong các trường nghệ thuật”, Gupta nói với CNN .
Một số bức ảnh của Gupta sau đó được Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại của New York (Mỹ) mua để bổ sung vào bộ sưu tập về nhiếp ảnh đương đại. Tuy nhiên, Gupta phải mất nhiều năm mới đạt được thành công đó. Theo nghệ sĩ Ấn Độ, bộ ảnh không được đón nhận ngay lần đầu tiên ra mắt. Ông giải thích nó còn quá sớm so với thời đại.
Đến những năm 1990, cùng với mức độ quan tâm đến các tác phẩm của Gupta ngày càng tăng, nghệ thuật được tạo ra bởi và về những người đồng tính da màu mới trở nên phổ biến ở phương Tây. Ngày nay, khi Exiles được trưng bày ở Ấn Độ, Gupta nhận được nhiều lời tán thưởng, minh chứng cho những thay đổi tại quốc gia này.
Gupta cho biết dù cộng đồng LGBTQ+ vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị đáng kể, nhưng quan hệ tình dục đồng tính nam đã được xem là hợp pháp hóa vào năm 2018. Những kiểu gặp gỡ lén lút, tình cờ gần như không có, thay vào đó là các ứng dụng hẹn hò dành cho LGBTQ+ như Grindr. Bối cảnh hiện đại và sức mạnh của nhận thức thổi luồng sinh khí mới cho những bức ảnh.
“Tôi nghĩ chúng đủ để trở thành lịch sử đối với những người tò mò về cuộc sống của người đồng tính trước khi có Grindr và internet. Mọi người nghĩ tất cả đều là sự diệt vong và u ám. Họ dường như không trông đợi vào việc chúng tôi cũng biết cách xoay xở để có cuộc sống đúng với bản ngã vào thời điểm đó”, Gupta chia sẻ.
Nhiếp ảnh gia cho thấy điều ngược lại những lầm tưởng của người hiện đại về quá khứ. Ông mang đến bầu không khí thoải mái, vui vẻ và tràn ngập ánh sáng Mặt trời. “Đó là một ngày đẹp trời và tôi đã đi chơi với những người đang có khoảng thời gian vui vẻ”, ông kể.
Theo CNN