Thách thức kép từ dân số già tại Đông Nam Á

Ban Thời sự,
Chia sẻ

Trong những thập niên tới, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, trong đó châu Á là khu vực có cơ cấu dân số đang già đi nhanh hơn bất kỳ châu lục nào.

Đặc biệt, khu vực Đông Nam Á đang chứng kiến sự già hóa dân số nhanh chóng, với tỷ lệ số lượng người trong độ tuổi lao động trên tổng dân số được cho là sẽ bắt đầu giảm trong năm nay. Trong khi đó, có một thực tế là các hệ thống an sinh xã hội vẫn chưa tốt tại một số quốc gia trong khu vực.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tại 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đạt đỉnh 68% vào năm 2023. Tỷ lệ này đã đạt đỉnh tại Thái Lan vào năm 2013 và Việt Nam vào năm 2014. Tại Indonesia, quốc gia với dân số 270 triệu - lớn nhất Đông Nam Á và lớn thứ tư thế giới, tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt đỉnh vào năm 2030, chấm dứt giai đoạn lợi tức dân số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Năm 2019, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên trong khu vực đạt 7%, ngưỡng được coi là "xã hội già hóa". Tỷ lệ này dự kiến sẽ đạt 14% vào năm 2043, đưa khu vực vào nhóm "dân số già".

Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số giữa các quốc gia có sự khác nhau. Tuổi trung bình ở Singapore đã tăng lên 41,5, tương đương với Nhật Bản và các nước châu Âu lớn, trong khi Philippines vẫn ở mức thấp 29,3.

Thách thức kép từ dân số già tại Đông Nam Á  - Ảnh 1.

(Ảnh: AFP)

Tình trạng già hóa xã hội dường như không thể tránh khỏi, nhưng nhiều quốc gia Đông Nam Á lại chưa có sự chuẩn bị tốt.

Theo Nikkei Asia, những khoản chi tiêu cho an sinh xã hội chưa đến 10% GDP ở các nền kinh tế Đông Nam Á. Tại Indonesia, chưa đến 30% dân số trong độ tuổi lao động được hưởng lương hưu công, theo dữ liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổng hợp vào năm 2021. Ngay cả ở Singapore, tỷ lệ này cũng dưới 60%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của OECD là 87%. Ngoài ra, nhiều quốc gia ở Đông Nam Á có độ tuổi nghỉ hưu sớm - ví dụ như 55 tuổi đối với người lao động bình thường ở Thái Lan và Malaysia.

Theo giới chuyên gia, nếu bị cản trở bởi lực lượng lao động giảm sút, các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng về phát triển kinh tế - xã hội. Khi đó, khu vực này sẽ phải đối mặt với thách thức khó khăn trong việc đối phó với tình trạng dân số già đi kèm suy giảm tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan là nơi có dân số già hoá cao hơn so với nhiều nước khác. 16% dân số là từ 65 tuổi trở lên. Tuy nhiên, nguồn thu nhập, tiết kiệm và mức lương hưu hạn chế đồng nghĩa với việc nhiều người già tại quốc gia này đang phải chịu cảnh sống nghèo khổ. Đây được xem là gánh nặng tài chính lớn cho nước này.

Ước tính đến năm 2029, Thái Lan sẽ gia nhập danh sách các xã hội siêu già hóa với hơn 20% dân số trên 65 tuổi. Tuy nhiên, quốc gia này vẫn chưa đạt được mức độ giàu có như một số xã hội già hóa khác như Nhật Bản hay Đức. Dân số già ngày càng tăng cũng đồng nghĩa với việc số lượng người cao tuổi không có người chăm sóc chu đáo cũng tăng theo. Trong vài thập kỷ tới, cơ hội để người già Thái Lan nương tựa vào con cháu sẽ giảm đi do tỷ lệ sinh giảm.

Thách thức kép từ dân số già tại Đông Nam Á  - Ảnh 2.

(Ảnh: AFP/Getty)

Chính phủ các nước Đông Nam Á có cách tiếp cận ở mức độ cụ thể khác nhau, nhưng nhìn chung thì đều coi trọng, quan tâm đến chế độ chính sách đối với người cao tuổi. Hiện nay các nước tập trung vào ba ưu tiên chính gồm:

- Tăng cường hệ thống y tế, nâng cấp cơ sở hạ tầng về y tế và cộng đồng, tập trung cải tạo và xây mới bệnh viện, trung tâm chăm sóc người già, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư để tạo sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. 

- Nâng độ tuổi làm việc và nghỉ hưu, tạo điều kiện để người già làm việc phù hợp với nguyện vọng và năng lực, để có thu nhập, tránh làm gánh nặng cho gia đình, vừa tạo niềm vui. 

- Nâng phụ cấp chế độ cho người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những gia đình từng có nhiều đóng góp cho xã hội; đưa ra các gói ưu đãi mua hàng , khám bệnh giảm giá…

Ủy ban Các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc trong năm 2023 đã xác định già hóa dân số là một xu hướng mang tính toàn cầu. Tuy nhiên, nếu có chính sách hỗ trợ phù hợp cùng việc thay đổi cách nghĩ, lối sống từ chính người cao tuổi, những khó khăn, thách thức sẽ phần nào được giải quyết, thậm chí là có thể tận dụng những lợi ích mà già hóa dân số mang lại.

Chia sẻ