20% dân số thế giới chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn với mong ước hạnh phúc, bình an
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang rất cận kề. 1/5 dân số thế giới đang đón Tết với nhiều hình thức khác nhau.
Các nước có truyền thống đón Tết Âm lịch và các cộng đồng kiều dân gốc Á đang chuẩn bị đủ đầy nhất cho một năm mới với mong ước hạnh phúc, bình an.
Tết Nguyên đán là dịp lễ đầu năm mới theo âm lịch tại nhiều nước Đông Á, những quốc gia thuộc nền văn minh nông nghiệp lúa nước để mở đầu mùa canh tác, gieo trồng hàng năm. Chu kỳ gồm 12 con giáp cứ nối tiếp nhau vào mỗi khi năm mới tới. Năm nay đến lượt linh vật rồng lên ngôi vị đặc biệt.
Tại Trung Quốc, năm mới âm lịch - năm Giáp Thìn - đang đến gần trong tuyết, mưa băng và băng giá. Giao thông tắc nghẽn ở miền Trung và miền Đông, trong khi hàng tỷ người hối hả về nhà trước Tết.
Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 6/2 đưa tin hàng trăm chuyến tàu đã bị hoãn hoặc đình chỉ và rất đông hành khách bị mắc kẹt tại các ga đường sắt ở thành phố Vũ Hán. Thời tiết khắc nghiệt dự kiến sẽ còn kéo dài trong vài ngày nữa với dự báo sẽ có mưa và tuyết trên quy mô lớn.
Khi Lễ hội mùa xuân đang đến gần cũng là lúc người dân trên khắp Trung Quốc bắt đầu chuẩn bị các đồ ăn thức uống ngon đón Tết. Tại Đài Loan (Trung Quốc), người mua sắm đang đổ về một trong những con phố thương mại lâu đời nhất để tìm kiếm các món quà lễ hội truyền thống. Họ xếp hàng mua những câu đối mùa xuân để xua đuổi tà ma và chào đón năm con Rồng.
Các cộng đồng kiều dân đón Tết âm lịch trên khắp thế giới cũng đang vào chặng nước rút chuẩn bị đón năm Giáp Thìn. Dù đang định cư ở đâu, Tết vẫn là truyền thống đặc biệt mà họ truyền từ đời này sang đời khác. Năm nay, Tết Nguyên đán của một số quốc gia châu Á đã được tôn vinh rộng rãi hơn trên thế giới, khi vào tháng 12/2023, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lấy Tết Nguyên đán làm ngày nghỉ của Liên hợp quốc kể từ năm 2024.
Tại Mỹ, không khí đón Tết Nguyên đán đã rộn ràng khắp các khu phố có người gốc Á sinh sống. Đặc biệt tại các bang như New York, California, những nơi đã công nhận Tết nguyên đán như một ngày lễ, biểu tượng hình rồng trang trí xuất hiện tại nhiều địa điểm.
Thành phố San Francisco thậm chí còn trưng bày bộ sưu tập 5 bức tượng hình rồng bằng gỗ điêu khắc được thiết kế 3D theo phong cách truyền thống kết hợp hiện đại để chào đón Tết Nguyên đán 2024.
Tại Luxembourg, nhiều gian hàng trên phố trưng bày các tác phẩm nghệ thuật truyền thống châu Á gồm thư pháp, nghệ thuật cắt giấy cũng như những món quà lưu niệm rực rỡ, thu hút rất đông người dân địa phương và du khách đến chia sẻ không khí lễ hội.
Niềm vui hân hoan chào đón Tết nguyên đán cũng được lan tỏa thông qua sự kiện diễn hành và múa lân tại công viên dưới chân tòa tháp Burj Khalifa tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. Đây là dịp để một ngày lễ châu Á được lan tỏa tại mảnh đất Trung Đông đầy nắng và cát.
Không khí lễ hội cũng diễn ra dọc đại lộ Champs-Elysees ở Paris, Pháp hay ở đất nước xa xôi Ethiopia, sắc màu Tết Nguyên đán cũng đã lan tỏa khắp nơi.
Trước đó, người dân đã đổ về khu Chinatown ở thủ đô Manila, Philippines, dự lễ thắp sáng cây rụng tiền. Cây rụng tiền còn có tên là cây thịnh vượng, biểu tượng phong thủy thường được sử dụng để thu hút năng lượng tích cực đem lại giàu sang, may mắn, tài lộc, bình an, thịnh vượng.
Khu phố người Hoa ở Manila trải qua 430 năm phát triển, thường tổ chức nhiều hoạt động như múa lân, bắn pháo hoa mỗi dịp Tết đến.
So với Việt Nam, phong tục đón Tết âm lịch của người Trung Quốc có nhiều điểm tương đồng như đón giao thừa, lì xì hay đi chùa đầu năm… nhưng cũng có một số khác biệt nhất định. Tết âm lịch truyền thống của Trung Quốc được gọi là "Xuân tiết", thường bắt đầu từ ngày 23, 24 tháng Chạp cho đến Rằm tháng Giêng. Trước Tết, người Trung Quốc thường trang hoàng nhà cửa, dán câu đối và chữ phúc ngược trước cửa nhà bởi chữ phúc dán ngược hay "phúc đảo" có âm đọc trong tiếng Trung gần giống với "phúc đáo" tức là phúc đến.
Về ẩm thực, dịp năm mới, người Trung Quốc thường ăn những món ăn tượng trưng cho đoàn viên, hạnh phúc và tài lộc như sủi cảo, bánh trôi hay mỳ trường thọ. Ở nhiều địa phương phía Bắc Trung Quốc có phong tục cho một đồng tiền xu vào sủi cảo, ai ăn trúng sủi cảo có đồng tiền xu sẽ được coi là người hạnh phúc nhất nhà trong năm đó. Còn ở miền Nam, người dân có phong tục ăn bánh niên cao làm từ gạo, tượng trưng cho sự ngọt ngào và thịnh vượng của cuộc sống trong năm mới. Ngày Tết, người Trung Quốc cũng thích ăn cá, vì "ngư" đồng âm với "dư", có nghĩa là sung túc, dư dả.
Bên cạnh đó, cùng với sự phát triển của dịch vụ ăn uống, ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc lựa chọn ăn bữa cơm tất niên tại nhà hàng để có thêm thời gian quây quần bên nhau hơn.