Thạc sĩ giáo dục chỉ ra 4 điều quan trọng mà cha mẹ cần nghe và nói với con về giới tính, tình dục

Thanh Hương,
Chia sẻ

Nếu cha mẹ đã có những sự quan tâm rồi mà con vẫn đáp lại bằng câu "Con cảm thấy bình thường" thì lúc này, chúng ta đừng vội nôn nóng, bắt ép con trả lời bằng được.

Giáo dục giới tính cho con là một đề tài không mới nhưng chưa bao giờ cũ. Nhiều bậc cha mẹ ngày nay có tư tưởng cởi mở nên đã sớm giáo dục, cung cấp cho con những hiểu biết về giới tính, dậy thì, an toàn tình dục. Nhưng cũng không ít cha mẹ lại ngại ngùng, tránh né vấn đề này vì cho rằng "con không cần biết những điều nhạy cảm", "con còn nhỏ, biết gì",...

Nói về điều này, trong buổi Workshop "Trò chuyện cùng chuyên gia: Nói chuyện với con về giới tính và tình dục" được tổ chức tại Trường Phổ thông Liên cấp Olympia (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Thạc sĩ Phương Hoài Nga, Chuyên gia Tâm lý - Giáo dục trẻ em và Gia đình một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục giới tính cho trẻ.

Theo nữ chuyên gia, trẻ có 5 lĩnh vực phát triển gồm: Trí tuệ, Cơ thể, Tinh thần, Cảm xúc và Xã hội. "Giới tính và tình dục" chính là cớ, chất liệu để nâng bước cho sự tăng trưởng toàn diện của trẻ.

Trong việc Giáo dục giới tính và tình dục, có 4 điều cha mẹ cần nghe và nói cho con, bao gồm: Ham muốn, Thỏa mãn, Ranh giới và Đồng thuận.

Về "Ham muốn", cha mẹ có thể hỏi trẻ cảm thấy thế nào về chủ đề này và lắng nghe trẻ chia sẻ. Từ những chia sẻ đó, cha mẹ học cách chấp nhận rằng con của chúng ta có những sở thích, ước muốn, ham muốn khác nhau và mức độ khác nhau. Con không cần cảm thấy xấu hổ, tội lỗi vì những ước muốn của mình.

Với "thỏa mãn", khi đã phát sinh nhu cầu, sự tò mò thì đương nhiên sẽ phải làm một điều gì đó để thỏa mãn. Nếu thỏa mãn sẽ thấy vui, thấy khoái. Khi không thoải mái thì sẽ thấy bực bội, tức giận. Hay với "ranh giới", đó là dấu hiệu nhận biết có gì không ổn, như thế nào là xâm phạm ranh giới. Hay với "đồng thuận", chính là việc biểu thị "có" và "không" một cách rõ ràng. Im lặng không có nghĩa là đồng ý và không ai có quyền ép buộc sự đụng chạm nếu con không muốn.

Thạc sĩ giáo dục chỉ ra 4 điều quan trọng mà cha mẹ cần nghe và nói với con về giới tính, tình dục - Ảnh 1.

Thạc sĩ Phương Hoài Nga.

Làm thế nào nếu con không chịu chia sẻ?

Dù nắm chắc lý thuyết nói chuyện nhưng không phải cha mẹ nào cũng có thể khiến con mở lòng. Rất nhiều đứa trẻ không sẵn sàng tâm sự với cha mẹ về những vấn đề nhạy cảm và từ chối bằng câu nói phớt lờ. Đó chính là điều mà một phụ huynh tại trường Phổ thông liên cấp Olympia đã gặp phải.

Trong buổi Workshop, ông bố này cho biết, trước những câu hỏi như "Hôm nay ở trường thế nào?", "Con cảm thấy thế nào sau khi xem bộ phim đó/làm việc đó", con anh chỉ đáp lại: "Con cảm thấy bình thường". Chính từ "bình thường" đó khiến anh loay hoay, không biết phải mở lời tiếp với con ra sao!

Với trường hợp này, Thạc sĩ Phương Hoài Nga cho biết, trẻ mới lớn có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, chủ đề tình yêu, giới tính khiến các em bỡ ngỡ. Trong khi với sự phát triển của Internet, các thông tin về chủ đề này tràn ngập, càng làm tăng tính tò mò và háo hức muốn khám phá.

Nếu muốn con chia sẻ, bố mẹ cần thật sự khéo léo. Trước nhất, cha mẹ phải học cách công nhận sự tò mò của con. Đó là việc khi đến tuổi dậy thì con sẽ có tò mò về giới tính, về ham muốn, tìm cách để thỏa mãn. Khi đã học được cách công nhận, cha mẹ sẽ kiềm chế được cảm xúc, không nổi nóng, mắng nhiếc khi phát hiện con trò chuyện với bạn bè về chủ đề nhạy cảm trong nhóm chat, hay lén lút xem một bộ phim nóng, lén yêu đương,...

Quan trọng không kém, cha mẹ cần nắm bắt, biết được con đang xem những gì trên internet, cung cấp cho con những kiến thức đúng đắn về giới tính, tình dục an toàn bằng sự cởi mở về cả trò chuyện và lắng nghe.

Nếu cha mẹ đã có những sự quan tâm rồi mà con vẫn đáp lại bằng câu "Con cảm thấy bình thường" thì lúc này, chúng ta đừng vội nôn nóng, bắt ép con trả lời bằng được. Thay vào đó, hãy kiên nhẫn chờ đợi một thời điểm thích hợp để tâm sự, trò chuyện cùng con.

Chúng ta càng nôn nóng thì càng đẩy con ra xa!

Thạc sĩ giáo dục chỉ ra 4 điều quan trọng mà cha mẹ cần nghe và nói với con về giới tính, tình dục - Ảnh 2.

Phụ huynh lắng nghe chia sẻ.

Sự phối hợp của nhà trường trong việc giáo dục giới tính cho trẻ là vô cùng quan trọng

Trong việc giáo dục giới tính cho trẻ, vai trò của cha mẹ và nhà trường đều vô cùng quan trọng. Sự đồng hành của thầy cô ở trường, kết hợp với sự quan tâm, sát sao của cha mẹ ở nhà sẽ giúp cho trẻ có được kiến thức vững vàng nhất.

Tại trường Phổ thông liên cấp Olympia, chương trình về giáo dục giới tính được thiết kế chuyên sâu và đưa vào giảng dạy chính khóa. Nói về điều này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Tâm Hiền, Hiệu trưởng khối THCS của trường Phổ thông liên cấp Olympia cho hay: "Nhà trường xây dựng một chương trình giáo dục đặc thù tên Life (Cuộc sống), kéo dài từ cấp Tiểu học đến THPT, dựa trên sự phát triển của học sinh, từ tiền dậy thì đến dậy thì. 

Học sinh được tham gia các hoạt động học tập cố định ở trong các khung giờ chủ nhiệm. Đây là những nội dung chương trình có tính chất phòng ngừa. Học sinh không chỉ nhận diện được bản thân, mối quan hệ bạn bè mà còn biết được quá trình mình lớn lên như nào".

Với trẻ tiểu học, các em hiểu rõ sự an toàn trong các mối quan hệ, điểm chạm cá nhân về không gian, hiểu biết trên cơ thể, tôn trọng người bạn khác giới,... Lên cấp THCS trẻ hiểu biết về tâm sinh lý tuổi dậy thì, có những buổi sinh hoạt theo các nhóm chủ đề,... Qua những buổi sinh hoạt, trẻ có thể trao đổi thẳng với chuyên gia về những tò mò, thắc mắc của bản thân. Ngoài tiết học chính khóa, trẻ còn được học qua các chiến dịch, hoạt động ngoại khóa.

Về phía giáo viên, trường Olympia cũng liên tục có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng. Một điều đặc biệt trong chương trình giáo dục giới tính của nhà trường, đó là luôn có sự kết nối với phụ huynh. Điều này thể hiện rõ trong 3 nguyên tắc giáo dục giới tính mà nhà trường luôn áp dụng:

- Gửi email bài học, tổ chức nhiều chương trình tư vấn liên quan đến việc chăm sóc con dành cho cộng đồng phụ huynh.

- Có những góc tương tác để học sinh có thể chia sẻ những tâm tư, những thất thường của tuổi ẩm ương. Việc này được làm song song trong suốt năm học. Tại Olympia, phòng tư vấn tâm lý được đặt cho những cái tên nhẹ nhàng như "Phòng sẻ chia", "Phòng thư giãn" để mỗi đứa trẻ khi có điều muốn nói sẽ không bị áp lực, căng thẳng.

- Sẵn sàng tư vấn 1-1 với học sinh, kể cả phụ huynh và đảm bảo mọi chia sẻ đều được bảo mật.

Theo cô Nguyễn Thị Tâm Hiền, những điều này là vô cùng cần thiết để giúp trẻ có những hiểu biết đúng đắn về giới tính, đồng thời trưởng thành khỏe mạnh cả về thể chất và tâm hồn.

Chia sẻ