Tết Đoan Ngọ sắp đến, các chị em đã biết làm cơm rượu đúng chuẩn 3 miền Bắc Trung Nam chưa?

B.Phương,
Chia sẻ

Cơm rượu nếp miền Bắc được nấu bằng gạo nếp với men rượu. Cơm rượu nếp miền Trung là những viên cơm nếp nguyên miếng, thơm ngọt. Cơm rượu nếp miền Nam không để rời mà viên thành từng viên tròn trước khi ủ.

Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết Đoan Dương, Tết diệt sâu bọ) diễn ra vào ngày 5/5 Âm lịch hàng năm là một ngày lễ Tết truyền thống ở một số nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, Tết Đoan Ngọ là ngày phát động diệt sâu bọ cho cây trồng, với mong muốn một vụ mùa bội thu. 

Cơm rượu nếp, món ăn được chế biến từ cơm nếp nấu chín ủ men, là một món không thể thiếu trong mâm cúng ngày Tết Đoan Ngọ. Ông cha ta quan niệm rằng cơm nếp là món ăn có tác dụng tiêu diệt ký sinh trùng trong đường tiêu hoá, đúng với tinh thần ngày "diệt sâu bọ".

Ở mỗi vùng miền Bắc, Trung, Nam lại có những cách làm cơm rượu khác nhau. Hãy cùng khám phá nhé! 

Cơm rượu miền Bắc

Cơm rượu 3 miền - Ảnh 1.

Nguyên liệu

1kg gạo nếp cái hoa vàng, 1 - 1,5 cái men ủ rượu.

Cách làm cơm rượu nếp cái hoa vàng miền Bắc

Gạo nếp đãi sạch vỏ và nhặt sạn, trấu rồi ngâm nước khoảng 1 giờ, sau đó cho vào nồi cơm điện hoặc nồi gang, nồi đất... nấu chín. Múc cơm ra cái mâm hoặc mẹt, dàn đều cho cơm nhanh nguội.

Men rượu giã nhuyễn rồi cho vào cái rây, rây bỏ hết trấu còn dính vào men hoặc bỏ những cục to. Khi sờ thấy cơm hơi âm ấm là rắc men được. Đừng rắc men khi cơm nóng quá hoặc nguội quá sẽ không thành công. Rắc men vào cơm và trộn đều.

Lót lá chuối khô vào nồi hoặc vại rồi múc cơm đã trộn men vào, đậy bằng lớp lá chuối khô nữa trên mặt rồi đậy vung ủ vào thúng, thùng rơm. Sau 2 đến 5 ngày thấy cơm rượu bắt đầu có mùi thơm thì dùng đũa đảo đều. Lúc này cơm đã lên men mềm, thơm thì ăn được.

Nếu chưa ăn ngay có thể bỏ cơm rượu vào tủ lạnh ăn dần nhé!

Cơm rượu 3 miền - Ảnh 2.

Rượu nếp miền Bắc thì có vị bùi và ăn giòn, được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Bên cạnh cơm rượu nếp thì theo truyền thống, mâm cúng dâng lên lễ gia tiên vào ngày Tết Đoan Ngọ ở miền Bắc còn có vải, mận, bánh gio...

Cơm rượu 3 miền - Ảnh 1.

>> Xem thêm cách làm cơm rượu nếp cẩm tại đây.


Cơm rượu miền Nam

Cơm rượu 3 miền - Ảnh 5.

Nguyên liệu

1kg gạo nếp, 1 lít nước, 15 viên men nhỏ, 1 xấp lá chuối.

Cách làm cơm rượu miền Nam

Lá chuối rửa sạch, để ráo. Gạo nếp vo sạch, để ráo. Giã nhuyễn men. Nấu sôi 1 lít nước rồi cho nếp và nước sôi vào nồi cơm điện, nấu chín thành cơm nếp. Xới cơm nếp ra khay thành lớp mỏng, để nguội.

Dùng lá chuối lót đáy và thành thố đựng. Khi cơm nếp nguội thì rây men đều lên mặt cơm nếp. Nặn cơm nếp trộn men thành từng viên nhỏ cho thật chặt tay, quấn lá chuối quanh viên cơm.

Xếp viên cơm nếp vào thố thành từng lớp, trên cùng đậy một lớp lá chuối. Đậy nắp thố, cho thố vào 2 lớp nylon buộc kín lại. Ủ trong 3 đến 5 ngày thì được.

Lấy lá chuối ra, xếp các viên cơm rượu và nước rượu vào một thố khác, cho vào tủ lạnh để cơm rượu giữ vị ngọt vừa phải, không tiếp tục lên men cay thì sẽ trữ được lâu hơn. Nếu thích vị ngọt hơn và nhiều nước hơn, có thể nấu ít nước đường, để nguội rồi chế vào thố cơm rượu.

Cơm rượu 3 miền - Ảnh 6.

Cách làm cơm rượu nếp kiểu miền Nam sẽ cho bạn món cơm rượu nếp mềm thơm. Món này kết hợp với xôi vò thì chuẩn không cần chỉnh. Người miền Nam thường khởi đầu ngày Tết Đoan Ngọ với món cơm rượu - xôi vò này để "diệt sâu bọ" trước, sau đó sẽ ăn món bánh ú truyền thống.

Cơm rượu 3 miền - Ảnh 3.


Cơm rượu miền Trung

Cơm rượu 3 miền - Ảnh 9.

Nguyên liệu

500g nếp, 5 đến 7g men rượu (dạng viên), 300g đường.

Cách làm cơm rượu miền Trung

Men rượu giã nát, lọc sạch bã trấu, tạp chất. Trộn đều với 1 thìa cà phê đường. Gạo nếp nấu chín, hơi ướt so với nấu xôi.

Gạo nếp nấu xong đem trải ra trên mặt phẳng có lót màng bọc thực phẩm. Rải men lên trên mặt nếp rồi trộn đều. Cho nếp đã trộn men vào một hộp chữ nhật, nén dẹt xuống, bọc kín bằng màng bọc thực phẩm, cất nơi khô ráo 2 ngày để cơm nếp lên men.

Nấu nước đường theo tỉ lệ 500ml nước với 200g đường, để nguội. Cơm nếp đã lên men đem cắt từng khối vuông nhỏ rồi xếp vào một lọ sạch. Cho nước đường đã nguội vào đậy kín.

Sau khi đã cho nước đường vào cùng cơm rượu lên men thì nửa ngày sau là có thể dùng được.

Cơm rượu 3 miền - Ảnh 10.

Nước rượu nếp bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh để tránh lên men rượu nhiều. Khi uống cho thêm đá vào cốc, ăn cả cơm rượu nếp và nước sẽ rất ngon. Rượu nếp kiểu miền Trung là loại thức uống giải khát thông dụng của người dân nơi đây. Viên cơm nếp lên men vừa tới, mùi men nhẹ chưa quá gắt pha cùng đá sẽ xua tan đi cơn khát cực nhanh.

Cơm rượu 3 miền - Ảnh 11.

Chúc các chị em thành công với những cách làm cơm rượu trong ngày Tết Đoan Ngọ nhé! 

Chia sẻ