Tết đến nơi rồi mà chị em chưa có danh sách các loại thực phẩm cần sắm này thì coi chừng "tiền mất tật mang"
Chỉ còn 15 ngày nữa là đến Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019, chị em còn chần chừ gì nữa mà không lên danh sách những thực phẩm cần thiết trong những ngày tết để tránh phải mua thực phẩm với giá "trên trời" lại còn kém chất lượng.
Cứ mỗi dịp tết đến xuân về là người người nhà nhà ở khắp mọi miền lại tưng bừng, náo nức sum vầy để đón mừng năm mới. Tết là dịp để sum họp gia đình, báo hiếu cha mẹ cũng như tỏ lòng thành kính tới tổ tiên nhưng cũng là nỗi lo, là gánh nặng, là áp lực đối với nhiều chị em nội trợ vì phải chuẩn bị vô số những thứ cần thiết cho gia đình trong dịp tết. Đặc biệt là thực phẩm ngày tết bởi nếu không cẩn thận, lên danh sách chu đáo, khi công việc bù đầu, bạn sẽ rất dễ rơi vào trường hợp mua thừa thứ nọ, thiếu thứ kia, mua thực phẩm kém chất lượng mà giá cả thì đắt gấp bội lần.
Chính vì vậy, việc có một danh sách những loại thực phẩm cần mua chuẩn bị cho dịp tết là vô cùng cần thiết và hữu ích, nó sẽ giúp chị em có một cái tết an nhàn, tiết kiệm mà vẫn sung túc.
1. Bánh chưng, bánh tét
Dân gian có câu: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh", đó là những thứ vô cùng quan trọng góp phần làm nên không khí tết cổ truyền ấm cúng được người dân Việt Nam lưu truyền từ bao đời nay.
Trong những ngày Tết, trên bàn thờ gia tiên của mọi gia đình đều không thể thiếu một cặp bánh chưng (miền Bắc), bánh tét (miền Nam) để thể hiện tấm lòng biết ơn, ghi nhớ của con cháu đối với ông bà, tổ tiên đã khuất. Nếu không thể tự gói bánh chưng, bánh tét tại nhà thì bạn nên tìm hiểu và đặt làm tại những cơ sở uy tín trước Tết ít nhất là 2 tuần để đảm bảo chất lượng bánh và không bị hét giá "trên trời", đặt không có nghĩa là lấy luôn mà nên để đến ngày 29-30 tết mới có bánh để đảm bảo bánh không bị hỏng trước tết.
2. Trái cây và mâm ngũ quả
Bên cạnh bánh chưng, bánh tét thì trên bàn thờ gia tiên cũng không thể thiếu mâm ngũ quả. Tuy gọi là mâm ngũ quả nhưng ngày nay nhiều người vẫn chuẩn bị nhiều hơn năm loại quả cho mâm quả thêm đẹp mắt. tùy thuộc vào từng địa phương với khí hậu, sản vật khác nhau mà các loại trái cây cần mua để tráng trí mâm ngũ quả sẽ có các cách lựa chọn, bài trí khác nhau.
Khi chuẩn bị mâm ngũ quả bày trên bàn thờ, người miền Bắc thường chọn chuối, bưởi, phật thủ, quất, lê, cam, hồng xiêm... Còn mâm ngũ quả của người miền Nam thường có mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung với ngụ ý Cầu Vừa Đủ Xài Sung. Đối với những loại trái cây bày mâm ngũ quả bạn nên mua từ ngày 28, tốt nhất là chợ sớm hôm 30 (nếu là tháng đủ) hoặc 29 (nếu là tháng thiếu) để hoa quả luôn được tươi ngon.
Trong những ngày Tết, ăn quá nhiều thịt, các món chiên dán nhiều dầu mỡ và cả các loại bánh mứt kẹo nên rất dễ gây ra cảm giác ngấy. Việc có sẵn hoa quả trong nhà sẽ giúp gia đình bạn giải nhiệt, giải ngấy cực hiệu quả. Bạn cũng nên mua vào khoảng 29-30 tết và nhớ chọn những quả có cuống tươi, mới hái để bảo quản được lâu hơn.
3. Bánh kẹo, mứt Tết
Đây cũng là một món thực phẩm mà các bà nội trợ không thể quên trong danh sách sắm Tết. Có một lưu ý khi mua sắm bánh kẹo, mứt Tết là chị em không nên vì ham hố đồ rẻ hay quá ưa chuộng "mác" hàng ngoại để tránh mua phải những loại bánh kẹo, mứt Tết kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc. Tốt nhất là nên lựa chọn và mua sắm ở những địa chỉ đáng tin cậy, uy tín từ trước. Bạn có thể sắm bánh kẹo ngay từ bây giờ để tránh bị đội giá trong những ngày tết, tuy nhiên, trước khi mua phải xem kỹ hạn sử dụng để được càng lâu càng tốt.
4. Nguyên liệu chế biến các món ăn
Đây được xem là việc "khó nhằn" nhất đối với chị em bởi Tết luôn là dịp tốt nhất để mọi người quây quần bên nhau và thưởng thức món ăn mang đặc trưng hương vị của truyền thống người Việt, việc mua những nguyên liệu gì cần phải được lên kế hoạch tỉ mỉ để tránh phung phí hoặc thiếu.
Trước Tết khoảng 15 ngày đến 1 tháng, bạn nên mua các loại đồ khô như nấm hương, miến, mộc nhĩ vì đây là những thực phẩm dễ bảo quản. Đến cận Tết (tầm 28-29 Tết) bạn mua thêm các loại thịt như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, giò lụa, chả, trứng gà, trứng vịt, cá và các loại rau xanh.
Sau khi mua về, bạn nên phân loại và có phương án bảo quản cẩn thận để tránh hư hỏng, vi khuẩn xâm nhập nhiều nhất.
Có một mẹo nhỏ giúp bạn bảo quản là phân loại các loại nguyên liệu theo từng nhóm và bọc lại bằng túi nilon, thịt cá có thể ướp sẵn bỏ ở ngăn đá, rau quả nên bỏ vào ngăn mát của tủ lạnh và các loại củ vẫn nên để ở nơi khô ráo tránh bị nảy mầm.
5. Các loại đồ uống
Đồ uống trong dịp Tết cũng là thứ không thể thiếu giúp thanh nhiệt, giải độc và giải ngấy trong những ngày "ngập ngụa" với thịt thà, giò chả. Nếu quá bận rộn với công việc hoặc vị trí địa lý không thuận tiện khi cách quá xa chợ, siêu thị thì một trong những cách mua sắm Tết tiết kiệm nhất mà các bà nội trợ nên biết đó là hãy mua các loại đồ uống theo số lượng lớn như lốc, thùng.
Hiện nay, khi cuộc sống ngày càng thuận tiện hơn, cần mua sắm gì, chạy ra chợ, ra siêu thị là có tất cả chỉ trong một nốt nhạc. Tuy nhiên, sắm gì thì sắm, cứ có một danh sách đầy đủ, chu đáo thì bạn không bao giờ phải lo mua thiếu thứ nọ hoặc thừa thứ kia.
(Tổng hợp)