Tết ăn no mà không "nặng" bụng

,
Chia sẻ

Món ăn ngày tết thường rất nhiều đạm nên cần thêm rau tươi, trái cây, cung cấp vitamin và chất xơ nhằm điều chỉnh hấp thu chất béo một cách tốt nhất.

Các món thịt sẽ ngon miệng hơn với dưa giá, dưa hành...

Ngày tết cổ truyền bao giờ cũng có món thịt ba rọi kho trứng. Đây là món ăn ngon và rất giàu dinh dưỡng, rất tốt cho trẻ em để tăng trưởng, đặc biệt là trẻ chậm tăng cân. Tuy nhiên, do thịt mỡ chứa nhiều chất béo no, cung cấp rất nhiều năng lượng, kết hợp với trứng có hàm lượng cholesterol cao nên bất lợi cho người cao tuổi, người thừa cân, người có bệnh tim mạch và cholesterol trong máu cao.
 
Do đó, cần “biến tấu” món này thành thịt cá kho trứng, nghĩa là thêm vào đó vài lát cá lóc tươi ngon. Tuỳ theo tình trạng sức khoẻ của từng người mà chọn cách ăn cho phù hợp: trẻ em ăn cả thịt, cá và trứng tuỳ thích, người có bệnh lý mạn tính chỉ nên chọn cá với ít trứng, có thể ăn thịt nạc, không ăn mỡ. Món giàu đạm này nên ăn kèm dưa giá, dưa hành, vừa ngon miệng, vừa giúp tiêu hoá tốt thức ăn.
 
Dưa hấu, thanh long, táo, quýt ...vừa là những trái cây đẹp lại nhiều vitamin

Ngày tết cũng không thể thiếu bánh chưng, bánh tét. Cách gói khác nhau nhưng bánh chưng và bánh tét có thành phần giống nhau gồm: nếp dẻo, thịt mỡ, và đậu xanh hấp. Do vậy, món ăn này cũng rất giàu năng lượng, cung cấp cả chất đạm động vật (thịt) và thực vật (đậu xanh). Chất bột đường từ nếp sẽ chuyển hoá thành đường khi vào cơ thể. Do vậy, người đái tháo đường chỉ nên ăn ít và nên kèm nhiều rau để làm chậm tốc độ hấp thu đường. Thịt mỡ trong bánh chưng, bánh tét còn chứa nhiều chất béo no không có lợi cho sức khoẻ.
 
Món canh được nấu khéo léo cũng không thể thiếu trong bữa ăn ngày tết. Các món canh thường được chọn trong những ngày này là canh khổ qua hầm (nhân thịt hoặc cá thát lát) hoặc canh măng hầm giò heo. Món khổ qua hầm thì ít béo và giàu đạm nhưng canh hầm giò heo thì rất nhiều chất béo no. Nên ăn nhiều măng để nhận được nhiều chất xơ giúp hạn chế hấp thu mỡ.

Món ăn ngon, nhiều rau, ít chất béo mà không cần chế biến nhiều, rất phù hợp trong những bữa tiệc đầu năm của gia đình là bánh tráng cuốn với cá (hấp hoặc nướng). Cá là thực phẩm rất dễ tiêu hoá, chứa chất béo không no thiết yếu cho cơ thể, có thể phòng bệnh tim mạch, là thực phẩm tốt cho mọi người. Cách nướng cá trong giấy bạc vừa nhanh gọn, ngon và an toàn. Lẩu thập cẩm với đủ loại rau củ hay rau tươi trộn dầu giấm (có thể thêm càrốt, bông cải xanh luộc) cũng là những món ăn nhiều rau và nhanh gọn.

Ăn thơm (dứa) sau bữa chính sẽ giúp tiêu hoá rất tốt thức ăn giàu đạm. Bưởi, dưa hấu, thanh long, táo, quýt vừa là những trái cây chưng tết đẹp lại chứa nhiều vitamin tốt cho sức khoẻ.

TS.BS Trần Thị Minh Hạnh
Trưởng khoa dinh dưỡng cộng đồng,
trung tâm Dinh dưỡng TP. HCM
SGTT

Bảo quản thực phẩm đúng cách

Bảo quản thịt cá: Chỉ nên mua cá, thịt, tôm, mực với lượng vừa đủ vì thực phẩm dự trữ lâu dễ mất dinh dưỡng và dễ bị hư hỏng, nhất là trong thời tiết nắng nóng. Khi mua xong, rửa thật sạch, để ráo nước, chia thành từng phần vừa đủ chế biến cho một bữa ăn, để vào hộp dậy kín hoặc túi nilông sạch cột kín, cho vào ngăn đá ăn dần. Không để thức ăn sống này chung với thức ăn chín hoặc chung ngăn làm đá, tránh nhiễm khuẩn.

Bảo quản rau củ: Chọn rau thật tươi, bỏ lá giập, cắt gốc, gói bằng giấy xốp để hút ẩm, cho vào bao nilông có đục lỗ thoát hơi, để ở ngăn mát trong tủ lạnh. Ăn đến đâu nhặt lá rửa kỹ đến đó.

Thức ăn đã chế biến: Cho vào hộp sạch hoặc bao nilông, để thật nguội, đậy kín nắp hoặc cột chặt bao cho vào tủ lạnh, hâm nóng trước khi ăn.

Bánh chưng bánh tét, giò chả: Là thực phẩm tiện lợi mang đầy hương vị tết nên gia đình nào cũng có, cần để nguyên lá gói vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt, lấy giấy nilông bao kín lại.

Chia sẻ