Lưu ý sử dụng gia vị trong thực phẩm Tết

,
Chia sẻ

Các bà nội trợ chú ý không dùng những mặt hàng trôi nổi, không nhãn mác, giá rẻ vì chúng tiềm ẩn nguy cơ hóa chất, phẩm màu công nghiệp với nhiều tạp chất, kim loại nặng... gây ung thư.

Chuộng hàng rẻ, mẫu mã đẹp

Tại các chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), Vườn Chuối (Q.3), Trương Minh Giảng (Q.Gò Vấp)... phần lớn gia vị gừng, hành, tỏi bày bán đều có "ngoại hình" căng tròn, bóng bẩy trông rất bắt mắt. Đa số người bán đều giới thiệu là hàng VN, do được mùa nên giá rẻ. Nếu hành tây Trung Quốc (TQ) chỉ 8.000 đ/kg thì hành tây Đà Lạt đắt gấp đôi: 15.000đ/kg. Tỏi TQ 25.000 đ/kg, tỏi Bắc 40.000 đ/kg. Điều đáng nói là người mua chỉ quan tâm đến hàng giá rẻ, còn người bán thì lại không tư vấn rõ ràng.

Thực tế, những mặt hàng tiêu thụ mạnh vào dịp Tết như: gia vị nấu lẩu, xốt dùng để ướp thực phẩm nướng, bột chiên, viên xúp nấu phở, bún và các loại nấm khô... dù người tiêu dùng có hỏi xuất xứ hàng hóa thì người bán cũng... mù tịt! Các sạp gia vị tại chợ Bình Tây (Q.6) bán đủ loại gói, viên gia vị lẩu Thái, lẩu mắm, bún bò Huế giá chỉ từ 2.000đ – 8.000đ/gói (viên) nhưng trên nhãn chỉ in hình ảnh nồi lẩu hấp dẫn và toàn chữ Thái Lan, TQ... mà không có thông tin gì về thành phần, hạn sử dụng. Chủ sạp H. cho biết: "Tui chỉ lấy hàng qua mối lâu năm đến bỏ trực tiếp chứ không biết nguồn hàng từ đâu. Những mặt hàng này giá rẻ, bán chạy lắm".

Mặt hàng nấm tuyết, nấm đông cô, nấm kim chi, nấm kim châm, nấm bào ngư, bột ngọt, đường... bày bán tại khu chợ tạm trên đường Phan Văn Khỏe (P.2, Q.6) đều ở dạng hàng "xá” bán theo ký, không bao bì, nhãn mác. Người bán quả quyết là "hàng VN", người mua nghe vậy chứ không thể biết được xuất xứ thật của nguồn hàng và hạn sử dụng. Trong khi theo đại diện chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền (Q.8), các loại nấm kim chi, kim châm, đông cô đều là hàng TQ, lượng nhập về chợ trung bình một tấn/đêm. Còn hàng VN chỉ có nấm tuyết, bào ngư của Hố Nai (Đồng Nai), nấm rơm (Đồng Tháp).

Nấm tuyết xuất xứ Trung Quốc nhập lậu, hết hạn sử dụng bị lực lượng quản lý thị trường TP.HCM thu giữ ngày 18/1/2010

Tìm hiểu tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền, chúng tôi được biết có hai "chủng loại" hàng xuất xứ TQ và hàng VN. Số lượng hàng gia vị xuất xứ TQ nhập về chợ luôn cao hơn lượng hàng gia vị VN. Chủ sạp T. cho biết: "Chúng tôi trực tiếp nhập hàng mới phân biệt được đâu là hàng TQ, đâu là hàng VN. Còn phần lớn người mua về bán lẻ thường chuộng hàng có mẫu mã đẹp, giá rẻ chứ không quan tâm đến xuất xứ".

Nguy cơ tiềm ẩn

Mặt hàng gia vị xuất xứ TQ thường có mẫu mã đẹp hơn hàng VN: củ gừng, hành, tỏi to, mẩy, vỏ láng mịn và giá chỉ bằng một nửa so với giá hàng gia vị VN. Ngoài các đặc điểm trên, người tiêu dùng có thể tìm hiểu những mặt hàng nào thường chỉ có xuất xứ TQ như nấm kim chi, kim châm, đông cô để tránh mua lầm theo lời người bán.

Thời điểm cận Tết, ngoài bánh kẹo, mứt, xí muội... Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM còn thu giữ nhiều mặt hàng nấm, táo đỏ, nho khô, bột ngọt, đường... nhập lậu, hết hạn sử dụng. Điển hình, chỉ trong tháng 1/2010, đội 6B và đội Bình Tân đã phát hiện hai cơ sở nhập lậu nấm tuyết, nấm đông cô, nấm kim châm, nho khô, táo đỏ xuất xứ TQ và nhiều mặt hàng đã quá hạn sử dụng, biến chất; thu giữ hơn tám tấn sản phẩm. Ngoài ra, đội 6B, Bình Chánh còn thu giữ hai tấn đường nhập lậu và gần 400 kg bột ngọt nhập lậu hiệu "hai con tôm" xuất xứ TQ. Một đại diện của đơn vị này cho biết, đón đầu thị trường Tết, hàng TQ tuồn vào VN theo đường tiểu ngạch rất nhiều. Trong đó, phần lớn là hàng cận đát, hết đát nhưng được sang chiết nhỏ lẻ, thay đổi bao bì nên rất khó nhận biết. Lượng hàng này chủ yếu phân phối đến các chợ lẻ trong thành phố và các tỉnh lân cận.

Về độ an toàn, BS Trần Văn Ký – Phụ trách an toàn vệ sinh thực phẩm phía Nam (Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm VN), cho biết: gia vị nấu lẩu, viên xúp phở, bún hay gia vị tẩm ướp đồ nướng... chỉ là một hỗn hợp hóa chất tạo độ ngọt (giống vị ngọt từ xương) và tạo hương vị cho món ăn nên có thể đánh lừa cảm giác người ăn dù không có giá trị dinh dưỡng. Trong đó, có chất siêu bột ngọt (còn gọi là chất I & G) ngọt gấp 200 lần bột ngọt thông thường sẽ gây cảm giác thèm ăn. Nếu lạm dụng dễ dẫn đến thiếu chất, suy dinh dưỡng. Những mặt hàng trôi nổi, không nhãn mác, giá rẻ tiềm ẩn nguy cơ chứa các hóa chất, phẩm màu công nghiệp với nhiều tạp chất, kim loại nặng... nếu thường xuyên sử dụng, sẽ tích tụ dần trong cơ thể gây ung thư.

Theo Nguyễn Cẩm

Phụ nữ Online

Chia sẻ