Tên riêng của cố Nữ vương Elizabeth II được bảo vệ nghiêm ngặt như thế nào?
Nhìn chung, các cơ sở kinh doanh nếu không được cho phép thì sẽ không được đặt tên theo tên của cố Nữ vương.
Đảm bảo sự tôn nghiêm cho tước hiệu hoàng gia
Văn phòng Nội các Anh (Cabinet Office) thông báo tên của cố Nữ vương Elizabeth phải được sử dụng một cách trang nghiêm và phù hợp. Điều này đồng nghĩa với việc các tòa nhà, công viên, quán rượu, cơ sở kinh doanh đều không được đặt theo tên của bà nếu không có sự cho phép của chính phủ.
Chỉ thị được công bố vào ngày 4/7/2023 nêu rõ: “Việc sử dụng tước hiệu hoàng gia, hay tên và danh hiệu của các thành viên Vương thất, kể cả tên của cố Nữ vương hay bất kỳ cái tên nào được bảo vệ là sự ưu ái mà quốc vương ban cho, dựa trên tham vấn của các bộ trưởng”.
Trên thực tế, nhiều tổ chức hoặc nhóm cộng đồng địa phương mong muốn sử dụng tên của cố Nữ vương đặt cho công viên, doanh nghiệp hay đường phố với mục đích tôn vinh bà. Tuy nhiên, chỉ thị này quy định chỉ được sử dụng tên “Elizabeth II” đối với những bên có mối liên kết chặt chẽ với hoàng gia, và những tiêu chuẩn nghiêm ngặt sẽ được áp dụng. Ngoài ra, người đề nghị nên là người giữ chức vụ cao nhất trong tổ chức, ví dụ như chủ tịch hoặc giám đốc điều hành.
Chỉ thị cũng nêu rõ, bất kỳ ai cũng có thể tạo dựng, trưng bày một bức tượng hoặc chân dung của cố Nữ vương, nhưng phải tuân theo các quy định và kế hoạch phê duyệt. Cơ quan này cho biết thêm, một đài tưởng niệm chính thức dành cho cố Nữ vương sẽ được khánh thành vào thời điểm phù hợp trong tương lai.
Những thứ được đặt theo tên của cố Nữ vương
Hiện đã có một số dự án được đặt tên Elizabeth, có thể kể đến tuyến tàu điện ngầm Elizabeth Line thuộc mạng lưới tàu điện ngầm London Underground. Vào tháng 5/2022, đích thân Nữ vương và Vương tử Edward đã xuất hiện tại lễ khánh thành của tuyến tàu tại ga Paddington. Được biết, tuyến tàu được đặt tên để vinh danh bà trong năm Đại lễ Bạch Kim. Tuyến tàu trị giá 19 tỷ bảng (hơn 577.000 tỷ VNĐ), được sơn màu tím - màu tượng trưng cho hoàng gia.
Công viên Olympic Park ở phía đông London là địa điểm tổ chức Thế vận hội Mùa hè năm 2012. Sau đó công viên đã được đổi tên thành Queen Elizabeth Olympic Park để kỷ niệm năm Đại lễ Kim Cương của bà.
Cây cầu Queen Elizabeth II ở Dartford cũng được đặt tên theo bà. Vào năm 1991, đó là cây cầu đầu tiên được xây dựng tại một địa điểm mới bên cạnh sông Thames trong hơn 50 năm.
Thậm chí, một cụm đảo ở cực bắc bán cầu thuộc Canada, Queen Elizabeth Islands, cũng được đặt tên theo Nữ vương sau lễ đăng quang của bà vào năm 1953. Đây là một quần đảo rất xa xôi và là nơi sinh sống của 400 người Inuit.
Đặc biệt, một loài hoa hồng cũng được đặt tên theo cố Nữ vương. Hoa hồng Queen Elizabeth được tiến sĩ Walter Lammerts lai tạo vào năm 1954, một năm sau khi Nữ vương đăng quang. Đây là loài hồng Grandiflora được nhiều người yêu thích, đã chiến thắng nhiều giải thưởng lớn như giải thưởng hoa hồng được yêu thích nhất thế giới năm 1979.